Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Yêu cầu Trường Đại học Văn Lang chấm dứt sử dụng lao động nước ngoài không phép

Cảnh Nhật

Thứ năm, 28/09/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Trường Đại học Văn Lang sử dụng 9 lao động là người nước ngoài mà không có giấy phép lao động. Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Trường Đại học Văn Lang sử dụng 9 lao động người nước ngoài làm việc không có giấy phép lao động. Ảnh: CN

Nhiều trường hợp không có giấy phép lao động

Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận thanh tra việc sử dụng lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tại Trường Đại học Văn Lang.

Kết quả thanh tra cho thấy, tổng số lao động người nước ngoài làm việc tại Trường Đại học Văn Lang căn cứ trên bảng lương tháng 6/2023 là 16 người. Số lao động người nước ngoài đã ký hợp đồng là 16 người, trong có 8 hợp đồng lao động và 8 hợp đồng nghiên cứu.

Trong thời kỳ thanh tra, số lao động người nước ngoài chấm dứt hợp đồng lao động là 4 người với lý do người lao động làm đơn xin nghỉ việc, không có lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc.

Có một trường hợp là ông Elmer Ferrer Cierva ký Hợp đồng lao động số 1514/HĐLĐ-VL, thời hạn từ ngày 1/9/2022 đến ngày 30/4/2023, không có giấy phép lao động. Người này đã nghỉ việc từ ngày 1/5/2023 và bị trục xuất ngày 5/6/2023.

Trong tổng số 16 lao động là người nước ngoài làm việc tại Trường Đại học Văn Lang, có 7 người có giấy phép lao động, 1 người không thuộc diện cấp phép, 8 người không có giấy phép lao động (có 1 người đang xin nghỉ không hưởng lương).

Số lao động người nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là 14 người (trong đó chưa bao gồm 2 người nghỉ không lương). Trường Đại học Văn Lang đã thực hiện nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc cho 14 lao động người nước ngoài đến tháng 6/2023.

Trong kỳ thanh tra, không phát sinh việc giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Trường thực hiện niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động theo quy định tại khoản 7, khoản 8, Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm

Về mức lương của lao động người nước ngoài làm việc tại Trường Đại học Văn Lang, cao nhất là 38,64 triệu đồng, thấp nhất là 13,6 triệu đồng, bình quân là 22,6 triệu đồng. Trong niên độ thanh tra, trường không có trường hợp người lao động nước ngoài làm thêm giờ, không khấu trừ tiền lương của người lao động nước ngoài.

Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh yêu cầu Trường Đại học Văn Lang chấm dứt việc sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép. Ảnh: CN

Trường thực hiện báo cáo tình hình sử dụng lao động người nước ngoài theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ, quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Qua kết quả thanh tra, xác định Trường Đại học Văn Lang sử dụng lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động đối với 9 người. Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh yêu cầu trường chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Ngày 28/7/2023, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lập Biên bản vi phạm hành chính số 144/BB-VPHC đối với Trường Đại học Văn Lang về hành vi: Người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động (9 người).

Hành vi trên được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 32 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

“Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận những nội dung về sử dụng lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà Trường Đại học Văn Lang đã thực hiện tốt và yêu cầu trường chấm dứt việc sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép”, Kết luận thanh tra số 367/KL-TTS nêu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm