Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xem xét kỷ luật tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu UBND tỉnh giao gần 1.800 ha đất rừng

Trần Kiên

Thứ sáu, 25/02/2022 - 14:00

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Hoà Bình chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế tại 10 dự án trồng rừng trên địa bàn, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, xem xét kỷ luật theo thẩm quyền.

Khu vực triển khai dự án của Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình tại xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Internet

9/10 dự án mắc tồn tại, khuyết điểm

Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 10 dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh, tại Kết luận số 05 ngày 14/02/2022 Thanh tra tỉnh Hoà Bình làm rõ nhiều hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể:

Dự án trồng rừng nguyên liệu tại các xã: Trung Thành, Mường Chiềng, Tân Minh, huyện Đà Bắc do Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Công ty chậm triển khai dự án theo nội dung đầu tư tại 02 xã Trung Thành, Mường Chiềng và một số xóm tại xã Tân Minh, nguyên nhân là do một phần diện tích dự án đã giao cho công ty chồng lấn vào đất rừng của dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ.

Mặt khác, qua thời gian dài nhiều lần rà soát, hoàn thiện các thủ tục về đất cây rừng đã tái sinh, cộng thêm một phần các hộ dân địa phương được UBND huyện cấp đất theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 28/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ chồng lấn vào đất công ty đã được giao với diện tích khoảng 24 ha hiện đã thành rừng tự nhiên tái sinh và rừng trồng, do đó công ty không triển khai thực hiện được theo các nội dung đầu tư trên đất đã giao.

Dự án trồng rừng nguyên liệu tại 10 xã thuộc huyện Cao Phong do Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất tại xã Bắc Phong, do có tranh chấp với Công ty Cổ phần Thủy điện Văn Hồng xây dựng Thủy điện Suối Tráng với diện tích đất được giao 570,44ha.

Dự án chậm triển khai tại các xã: Nam Phong, Dũng Phong, Thung Nai và Thu Phong là do một phần UBND tỉnh cấp trùng vào đất ở, đất cây lâu năm, hàng năm khác, đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ.

Cấp chồng lấn vào đất của Công ty Cổ phần - Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình khoảng 255 ha và cấp vào đất ở, đất trồng cây hàng năm khác của 08 hộ gia đình tại xóm Đúng Thá, xóm Nau, xã Thu Phong với diện tích khoảng 3,5ha và toàn bộ diện tích 155,51 ha tại UBND xã Dũng Phong chưa trả lại đất cho công ty.

Một số hộ dân được UBND huyện Cao Phong cấp đất theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 26/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ chồng lấn vào đất công ty đã được thuê, mặt khác số diện tích đất cấp cho công ty còn chồng lấn với đất đã cấp cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 chưa được đền bù giải phóng mặt bằng, do đó không thể triển khai thực hiện được các nội dung đầu tư trên đất đã được thuê.

Dự án trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và khai thác du lịch sinh thái Thác Thăng Thiên tại xóm Gò Bùi, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình do Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Thành Thắng thực hiện.

Thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng trên đất khi chưa có giấy phép xây dựng, công ty báo cáo đã có văn bản đề nghị thẩm định nhiệm vụ thiết kế đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuy nhiên do ranh giới đất đã được giao có một phần chồng lấn vào ranh giới đất Vườn Quốc gia Ba Vì với diện tích khoảng 36,12 ha thuộc quy hoạch đất rừng đặc dụng.

Dự án trồng rừng nguyên liệu giấy tại xóm Hào Phong, xã Hào Lý (nay là xã Tú Lý), huyện Đà Bắc do Công ty Cổ phần Thương mại Lương Sơn thực hiện.

Tại thời điểm kiểm tra Công ty Cổ phần Thương mại Lương Sơn mới chỉ sử dụng một phần diện tích được giao, hiện có khoảng 91 ha của 17 hộ dân đang trồng cây nông, lâm nghiệp, chủ đầu tư chưa thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích trên.

Dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi công nghiệp tại thôn Mán, xã Thống Nhất (trước đây là xã Đồng Môn và xã Hưng Thi), huyện Lạc Thuỷ do Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Lạc Thủy làm chủ đầu tư.

Tại thời điểm kiểm tra công ty hiện đang chậm triển khai trồng khoảng 10 ha đất rừng sản xuất.

Dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế tạo vùng nguyên liệu tập trung tại hai xóm Táu Nà và xóm Cun, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mai Bình thực hiện.

Tại xóm Cun, xã Cun Pheo, công ty chưa thực hiện đầu tư dự án trên phần diện tích 137,37.ha. Tại xóm Táu Nà, xã Cun Pheo: Công ty chưa triển khai thực hiện dự án trên toàn bộ diện tích đã thuê mà mới chỉ triển khai một phần dự án, công tác quản lý, bảo vệ đất đã giao còn chưa sát, tại thời điểm kiểm tra trên đất còn có khoảng 50 hộ dân tộc Mông tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái và xã Hang Kia đang xâm canh, xâm cư trên phần đất của dự án đã được giao, công ty đang trồng khoảng 320 ha cây sắn là sai mục đích sử dụng đất đã được nhà nước cho thuê.

Dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái tại xóm Rãnh, xóm Phủ, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc do Công ty Cổ phần Năng lượng xanh Hòa Bình thực hiện.

Chậm tiến độ thực hiện hoạt động đầu tư liên quan đến mục tiêu kết hợp du lịch sinh thái trên diện tích 126,8ha.

Dự án trồng và phát triển rừng tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong và xã Mỹ Hòa, xã Quy Hậu (nay sáp nhập về thị trấn Mãn Đức), huyện Tân Lạc do Công ty Cổ phần Lâm Quế thực hiện.

Công ty mới chỉ sử dụng một phần diện tích được giao, do đất của dự án đang chồng lấn vào đất ở, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và việc bao chiếm của các hộ dân sinh sống tại các xã Mỹ Hòa, xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc và xã Tây Phong, huyện Cao Phong.

Dự án trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng tại xã Tân Minh, huyện Đà Bắc do Công ty Cổ phần Phú Thịnh thực hiện.

Chậm triển khai thực hiện các nội dung đầu tư đã được phê duyệt tại các xóm Mít, xóm Diều Bồ, xóm Ênh (Yên), xóm Tát, xóm Diều Luông do một phần UBND tỉnh giao chồng lấn vào đất rừng của các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ đã giao cho các hộ dân từ trước khi thực hiện dự án và chưa thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đất chồng lấn với đất đã giao cho dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994.

Yêu cầu làm rõ trách nhiệm

Từ những tồn tại, hạn chế được phát hiện qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Hoà Bình kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu, thành phố Hòa Bình.

Tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất đã giao cho Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình, Công ty Cổ phần Phú Thịnh và Công ty Cổ phần Lâm Quế còn chồng lấn vào đất ở, đất đã giao cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ CP.

Rà soát, xác định lại diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho công ty nhưng UBND các huyện Cao Phong, Đà Bắc cấp chồng cho các hộ dân theo Quyết định số 672/QĐ-TTg.

Rà soát và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để thu hồi 137,3ha đất dự án tại xóm Cun, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mai Bình do công ty không thực hiện dự án từ năm 2014 đến nay.

Thu hồi và trả lại Vườn Quốc gia Ba Vì 36,12 ha đất rừng đặc dụng đã cấp cho Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Thành Thắng trồng lấn vào ranh giới đất Vườn Quốc gia Ba Vì.

Rà soát hiện trạng sử dụng đất đối chiếu với Bản đồ quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 3042 ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình hiện trạng thực tế trên phần đất thực hiện dự án để xác định diện tích nào có thể trồng rừng, diện tích nào phải khoanh nuôi, bảo vệ làm cơ sở xác định lại định hướng đầu tư dự án cho các năm tiếp theo.

Theo dõi tiến độ thực hiện dự án của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mai Bình tại xóm Táu Nà, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, trường hợp không hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, thì tiến hành các trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án, đồng thời thu hồi đất theo quy định…

Đặc biệt, Thanh tra tỉnh Hoà Bình kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT, UBND các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, nếu đến mức xem xét kỷ luật, thi xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với các khuyết điểm, thiếu sót, tồn tại trong việc tham mưu cho UBND tỉnh cấp khoảng 1.792 ha đất cho Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình, Công ty Cổ phần Phú Thịnh và Công ty Cổ phần Lâm Quế nhưng chồng lấn vào đất ở, đất rừng phòng hộ, đất đã giao cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ, đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm