Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quản lý đất đai “lạ đời” ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Thứ hai, 05/09/2016 - 15:00

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để các công ty thành viên cho nhiều đối tượng thuê đất, thuê mặt bằng kinh doanh các lĩnh vực không liên quan đến hoạt động đường sắt; phân, giao, cho mượn đất đai không đúng thẩm quyền dẫn đến phải nhận nợ hoặc nộp thay tiền sử dụng đất với Nhà nước...

Trụ sở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên đường Lê Duẩn, Hà Nội.

Không chỉ “xem thường lợi ích của Nhà nước” trong việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu tại hai lô đất vàng gần 1.000 m2 ở Hà Nội, tổ chức các đoàn đi nước ngoài “thoải mái”, có dấu hiệu vi phạm hình sự tại Dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) còn vướng phải hàng loạt sai phạm, bất thường trong việc quản lý đất đai trên khắp cả nước.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Đướng sắt Việt Nam đã tự ký hợp đồng cho thuê mặt bằng để kinh doanh với tổng diện tích trên 142.000 m2, doanh thu 61,6 tỷ đồng; diện tích nằm ngoài các ga trên 79.000 m2 đã cho thuê sử dụng sai mục đích.

Trong đó, các đơn vị trực thuộc Công ty Vận tải hành khách Hà Nội (công ty cấp 3 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đã cho các tổ chức, cá nhân thuê lại mặt bằng diện tích hơn 68.200 m2, doanh thu hàng năm trên 26,5 tỷ đồng. Riêng Công ty xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) có hợp đồng thuê đất với TP Hà Nội trả tiền hàng năm (gần 203.900 m2), đã xây tường bao quanh nhưng lại cho 52 tổ chức, cá nhân thuê lại mặt bằng, kho bãi để sản xuất kinh doanh với tổng diện tích gần 55.500 m2, doanh thu hàng năm trên 15,8 tỷ đồng.

Do sử dụng sai mục đích, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi 3 khu đất tại các địa chỉ 449A, 449B phố Ngọc Lâm và số 583 đường Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) từ năm 2013 nhưng đến nay chưa thực hiện được việc thu hồi.

Riêng khu đất 583 đường Nguyễn Văn Cừ diện tích trên 1.500 m2 do Công ty xe lửa Gia Lâm cho Công ty TNHH thương mại Đại Cường thuê 20 năm (đến năm 2020) và thu tiền một lần 2,4 tỷ đồng đã được Công ty TNHH thương mại Đại Cường cho siêu thị Fivimart và Cửa hàng Vạn Hoa thuê lại (?!).

Các đơn vị trực thuộc Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn thì cho các tổ chức cá nhân thuê lại diện tích gần 26.000 m2, doanh thu hàng năm trên 31 tỷ đồng: Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn có tổng diện tích mặt bằng đang sử dụng hiện chưa có hợp đồng thuê đất 58.000 m2 và đang cho 26 tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng, kho bãi, sân chơi, dịch vụ và làm ki-ốt để kinh doanh với diện tích 9.000 m2, doanh thu năm 2014 trên 9,4 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên phân cho các hộ gia đình làm nhà ở đến tháng 12/2013 với tổng diện tích gần 170.000 m2. Trong đó, đất do các công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt quyết định phân là trên 100.000 m2, đất do hai công ty vận tải đường sắt phân chia trên 61.000 m2.

Đặc biệt, việc phân chia đất chủ yếu ở các đô thị, trung tâm tỉnh, thành phố như: 21 khu đất tại các ga trên địa bàn Hà Nội diện tích 38.250 m2 đã phân chia làm nhà ở cho 610 hộ gia đình cán bộ nhân viên, trong đó ở ga Hà Nội có 88 hộ gia đình được phân đang ở thì chỉ có 6 hộ gia đình đủ điều kiện được cấp sổ đỏ với diện tích 305 m2, 6 công trình nhà ở tập thể chỉ có một công trình nhà ở 5 tầng ở số 2 Khâm Thiên được cấp giấy phép xây dựng năm 1997.

Thanh tra Chính phủ cũng thống kê được có trên 8.200 m2 đất bị lấn chiếm, chiếm dụng do lịch sử để lại; 5.280 m2 đất do lãnh đạo các đơn vị qua các thời kỳ cho mượn. Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Sài Gòn quản lý 14.780 m2 cấp cho các gia đình cán bộ nhân viên làm ở nhà ở.

Trong số 5 vị trí đất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có kế hoạch đầu tư dự án thì ngoài dự án nhà ở do UBND tỉnh Bình Dương thu hồi tại Dĩ An diện tích trên 95.000 m2 đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đang ở giai đoạn kinh doanh, số 2 Yersin (Nha Trang, Khánh Hòa) diện tích 12.000 m2 đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận đầu tư dự án, số 136 Hàm Nghi (TPHCM) diện tích 2.700 m2, Nha Trang 4.500 m2 đều ở giai đoạn chuẩn bị làm thủ tục xin phép đầu tư.

Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Thái còn nợ gần 3,7 tỷ đồng tiền thuê đất từ trước năm 2014 của diện tích 8.500 m2 đất làm nhà ở đã giao cho 150 hộ cán bộ công nhân viên chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi, chuyển giao theo quy định. Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội thuộc Công ty Vận tải hành khách Hà Nội nợ tiền thuê sử dụng đất trên 28,6 tỷ đồng.

“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã để các công ty thành viên cho nhiều đối tượng thuê đất, thuê mặt bằng kinh doanh những lĩnh vực không liên quan đến hoạt động đường sắt; phân, giao, cho mượn đất đai không đúng thẩm quyền dẫn đến tình trạng một số diện tích nhà đất không quản lý được nhưng vẫn phải nhận nợ hoặc nộp thay tiền sử dụng đất với Nhà nước. Đề ra chủ trương, xây dựng kế hoạch sử dụng đất quy mô lớn theo phương án đầu tư kinh doanh bất động sản sai Nghị quyết số 94/2011, Nghị định 71/2013 của Chính phủ và Quyết định số 198/2013 của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực đầu tư, ngành nghề đầu tư”- kết luận chỉ rõ.

Thanh tra Chính phủ phát hiện việc mua bán tài sản thanh lý tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiều bất thường.

Bất thường mua bán tài sản thanh lý

Trong năm 2012-2013, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt việc sử dụng nguồn vốn khấu hao của Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt với số tiền trên 206 tỷ đồng và điều tiết 11 tỷ đồng nguồn vốn khấu hao tài sản cố định để sử dụng chung cho các dự án của tổng công ty trong khi Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt là đơn vị độc lập hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên là không đúng quy định tại Thông tư 203/2009 của Bộ Tài chính.

Từ năm 2010 đến năm 2013, việc thanh lý tài sản cố định đầu máy, toa xe, vật tư phụ tùng thu hồi (thuộc khối vận tải) nguyên giá 106 tỷ đồng, giá trị bán thanh lý 25,3 tỷ đồng; thanh lý vật tư thu hồi tại khối các công ty quản lý hạ tầng gần 21,4 tỷ đồng. Việc thanh lý khối tài sản có quy mô rất lớn nhưng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên đã không thực hiện đấu giá theo quy định mà thực hiện bán theo đơn xin mua thanh lý của các đơn vị trong ngành.

Mặt khác, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo và quy định về điều kiện đối với đối tượng mua thanh lý tài sản để sử dụng trong ngành, sử dụng vào phòng chống, khắc phục hậu quả bão lụt, đảm bảo an toàn chạy tàu thì được mua không qua đấu giá hoặc duyệt giá trực tiếp. Công ty TNHH MTV Xuất khẩu và Thương mại tổng hợp là đơn vị mua hầu hết tài sản cố định và vật tư thanh lý của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhưng sau khi mua đơn vị này đã bán ra thị trường không phải mua để tận dụng sử dụng như phương án trình mua thanh lý được tổng công ty chấp thuận (?!).

Không những vậy, vật tư thu hồi từ các dự án nâng cấp, cải tạo rất lớn, chủ đầu tư đã điều chuyển các vật tư còn có thể sử dụng lại được cho các công ty quản lý hạ tầng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền (2.500 thanh ray P43, L=12,5m; 14.500 thanh tà vẹt sắt...).

Sau khi điều chuyển các vật tư cho các đơn vị quản lý hạ tầng sử dụng gần 2 năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép việc định giá vật tư đã điều chuyển để ghi tăng giá trị tài sản thực hiện chậm, đến thời điểm thanh tra vẫn chưa định giá xong để ghi tăng tài sản ở các đơn vị thuộc tổng công ty.

Kiểm tra việc bảo quản, trông coi các vật tư cho thấy các vật tư được để tại hiện trường hoặc các bãi chứa không có mái che, bị vùi lấp gây hoen rỉ hư hại theo thời gian. Việc tổ chức bán đấu giá vật tư chậm làm tăng chi phí bảo quản; một số vật tư thu hồi không cần dùng đã bán đấu giá tại dự án thay tà vẹt K1, K2 không được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo rộng rãi.

Theo Thế Kha/Dân trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm