Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Chu Tuấn

Thứ sáu, 24/02/2023 - 15:39

(Thanh tra) - Qua thanh tra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (viết tắt là trung tâm) huyện Chợ Lách, ngoài những ưu điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bến Tre đã chỉ ra nhiều mặt còn hạn chế mà trung tâm này cần sớm khắc phục…

Bên cạnh những ưu điểm vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Lách, Bến Tre. Ảnh: CT

Kết luận cho biết, trung tâm thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên của ngành, địa phương cho cán bộ quản lý, giáo viên, học viên…

Tổ dạy văn hóa của trung tâm đã xây dựng các kế hoạch hoạt động dạy học, giáo dục. Các kế hoạch hoạt động giáo dục khá phù hợp với điều kiện thực tế của trung tâm, phù hợp với năng lực học viên…

Chất lượng giáo dục học viên và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT duy trì ở mức cao và giữ ổn định qua các năm; hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên, học viên được đầu tư và đạt hiệu quả khá cao so với điều kiện của trung tâm…

Bên cạnh những mặt đã đạt được, Sở GD&ĐT cũng chỉ ra một số hạn chế cần sớm khắc phục. Cụ thể, trong sinh hoạt chuyên môn của tổ dạy văn hóa chưa thể hiện nội dung triển khai, thảo luận các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của bộ, Sở GD&ĐT để cụ thể hóa thành các nội dung thực hiện của trung tâm.

Kế hoạch năm học chưa thực hiện tốt khâu đánh giá thực trạng của trung tâm để xác định các mục tiêu cần đạt cho phù hợp; chưa đề ra mục tiêu, chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn để thúc đẩy, đầu tư và phát triển trong khi trung tâm có nhiều tiềm năng về các hoạt động của các cuộc thi, hội thi, nghiên cứu khoa học trong giáo viên, học viên.

Kết luận thanh tra của Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre đã chỉ ra nhiều hạn chế tại trung tâm. Ảnh: CT

Qua thanh tra việc thực hiện chương trình dạy học, giáo dục cho thấy, trong tổ chức các hoạt động dạy học ở lớp 10 theo chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT năm 2022 của Bộ GD&ĐT, trung tâm chưa quan tâm đúng mức việc dạy học phân hóa, phát triển phẩm chất, năng lực người học thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập tích cực, tự học và tự học có hướng dẫn.

Việc khai thác đồ dùng dạy học của giáo viên còn hạn chế; tổ chức các hoạt động dạy học chưa linh hoạt, còn rập khuôn, máy móc làm tiết học dễ bị gượng ép, hình thức; tiến trình dạy học còn bám sát sách giáo khoa, chưa sắp xếp nội dung phù hợp với năng lực học viên.

Một số môn học chưa quan tâm nhiều đến việc tổ chức dạy học theo hướng tích cực nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Tỉ lệ học viên bỏ học còn cao: Năm học 2020 - 2021 (tỉ lệ 8,22%); năm học 2021 - 2022 (tỉ lệ 8,87%); cuối kỳ 1 năm học 2022 - 2023 (tỉ lệ 3,83%)…

Ngoài ra, qua thanh tra việc thực hiện kiểm tra nội bộ cho thấy, còn một vài nội dung kiểm tra chưa phù hợp, khó thực hiện; cuộc kiểm tra chưa chặt chẽ về quy trình (thiếu quyết định thành lập tổ kiểm tra; thiếu báo cáo kết quả kiểm tra của tổ kiểm tra để Giám đốc Trung tâm làm cơ sở ra thông báo kết quả kiểm tra; thiếu thông báo kết quả kiểm tra gửi cho đối tượng kiểm tra).

Trong việc quản lý và cấp phát văn bằng chứng chỉ, qua thanh tra đã phát hiện trung tâm quản lý và thực hiện cấp phát bằng tốt nghiệp THPT cho học viên chưa đúng quy định tại điểm b khoản 2, Điều 19 của Thông tư số 21/2019/TT- BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Số lượng bằng tốt nghiệp tồn đọng qua các năm còn nhiều (207 bằng)…

Sở GD&ĐT cho rằng, những hạn chế này xuất phát từ những nguyên nhân như: Biên chế giáo viên của trung tâm còn thiếu (3 giáo viên, 1 văn thư); tỉ lệ huy động các lớp đầu cấp hằng năm đạt thấp; năng lực học tập của một bộ phận học viên còn yếu, lười học, ý thức rèn luyện đạo đức chưa tốt do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ít quan tâm. Thiết bị dạy học còn thiếu, nhiều thiết bị dạy học được tiếp nhận từ Trường Trung học Bán công Chợ Lách chưa đáp ứng nhu cầu dạy học và thực hành…

Sở GD&ĐT đề nghị  UBND huyện Chợ Lách cần sớm bổ nhiệm thêm 1 Phó Giám đốc phụ trách GDTX, có chủ trương cho trung tâm tuyển dụng mới 4 viên chức... Ảnh: CT

Để khắc phục những hạn chế, Sở GD&ĐT yêu cầu trung tâm cần triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTX hàng năm trong sinh hoạt chuyên môn nhằm cụ thể hoá thành các nội dung thực hiện của trung tâm, của tổ dạy văn hoá để từ đó xác định các chỉ tiêu phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

Cần xác định rõ sự khác biệt về mặt định hướng của kế hoạch phát triển giáo dục tổng thể của trung tâm và kế hoạch giáo dục về chuyên môn để xác định các vấn đề trọng tâm nêu trong kế hoạch cho phù hợp và cụ thể; cần thực hiện tốt khâu đánh giá thực trạng của trung tâm để xác định các mục tiêu cần đạt cho phù hợp…

Khai thác triệt để các thiết bị dạy học hiện có; tổ chức thực hiện việc dạy học theo hướng phân hóa, phát triển phẩm chất, năng lực người học thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập tích cực, tự học và tự học có hướng dẫn của giáo viên. Tăng cường phối hợp với cha mẹ học viên, các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương có giải pháp kéo giảm tỷ lệ học viên bỏ học, nâng cao hiệu quả đào tạo…

Sở GD&ĐT còn yêu cầu trung tâm cần quản lý và thực hiện cấp phát bằng tốt nghiệp THPT cho học viên đúng quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 19 của Thông tư số 21/2019/TT- BGDĐT của Bộ GD&ĐT… Có phương án khắc phục tình trạng tồn đọng bằng tốt nghiệp THPT qua nhiều năm, tăng cường truyền thông cho học viên đến trung tâm nhận bằng đã tốt nghiệp…

Sở GD&ĐT đề nghị UBND huyện Chợ Lách bổ nhiệm thêm 1 phó Giám đốc phụ trách GDTX, có chủ trương cho trung tâm tuyển dụng mới 4 viên chức (1 văn thư, 1 giáo viên dạy toán, 1 giáo viên dạy ngữ văn, 1 giáo viên vật lý) đảm bảo đủ vị trí việc làm, ưu tiên cấp kinh phí chi thường xuyên cho trung tâm trang bị thêm thiết bị dạy học tối thiểu…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm