Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản và đầu tư xây dựng tại Gia Lai

Lê Phương

Thứ năm, 15/08/2024 - 18:00

(Thanh tra) - Ngoài chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2020.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi tại Gia Lai. Ảnh: Internet

Cấp phép khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá

Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đối với hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi, công tác quản lý, cấp phép, giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn để xảy ra một số thiếu sót như thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý và chưa kịp thời xử lý đối với các vi phạm tại 8 dự án được thanh tra; việc cấp phép khai thác khoáng sản tại 2 dự án thăm dò, khai thác cát ở xã Ayun, huyện Chư Sê và 1 dự án thăm dò, khai thác đá xây dựng tại xã Ia Bă, huyện IaGrai không thông qua đấu giá, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án vốn ngoài ngân sách chưa thường xuyên, thiếu kịp thời, thiếu kiên quyết trong kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ, tình hình thực hiện các dự án.

Việc tham mưu, xử lý vi phạm đối với các dự án chậm tiến độ, không thực hiện đầu tư, nhất là các dự án không đầu tư, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm và hết thời hạn đầu tư nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế không đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi tiền ký quỹ là buông lỏng quản lý, điển hình là vi phạm tại dự án Hoàng Nhi Plaza (TP Pleiku) mặc dù nhiều lần Hội đồng Nhân dân tỉnh có ý kiến xử lý dứt điểm nhưng chưa được chấm dứt hoạt động theo quy định.

Nhiều dự án có thời điểm không quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ đầu tư, thể hiện buông lỏng quản lý. Số tiền ký quỹ các dự án ngoài ngân sách 178.782,104 triệu đồng thuộc trường hợp phải thu hồi nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã buông lỏng quản lý, chưa kịp thời tham mưu thu hồi, cần phải được rà soát, xử lý theo quy định.

Việc quản lý đầu tư công và thanh tra các dự án vốn ngân sách, UBND tỉnh chậm xây dựng văn bản công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn trong công tác lập dự toán các dự án đầu tư.

Trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 còn để xảy ra nhiều tồn tại, vi phạm, thiếu sót, như phải điều chỉnh 8 lần; việc phân bố, bố trí vốn còn chậm, giao thành nhiều đợt, chưa sát với thực tế, vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn, dẫn đến 32 dự án thuộc kế hoạch thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, dở dang phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - ­2025 với tổng vốn là 1.931.164 triệu đồng; tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ đạt 86%.

Một số dự án được bố trí vốn theo kế hoạch năm nhưng không thể giải ngân, phải hủy bỏ vốn của từng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 với tổng số tiền 254.270 triệu đồng; trong xử lý vi phạm hoạt động đầu thấu còn thiếu nghiêm túc, để các nhà thầu có vi phạm các hành vi bị cấm được tiếp tục tham gia và trúng nhiều gói thầu như Công ty TNHH Trang Khuê; Công ty TNHH Thanh Việt; Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hương, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan có liên quan, UBND huyện Ia Pa chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để điều tra xử lý theo quy định đối với các vi phạm đã được nêu tại Văn bản số 1673/SKHĐT- TTr ngày 12/10/2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Để nhà thầu chiếm dụng vốn tạm ứng hàng chục tỷ đồng

Trong công tác quản lý nguồn vốn đầu tư, Thanh tra Chính phủ xác định còn để nhà thầu chiếm dụng vốn tạm ứng quá hạn kéo dài với số tiền 50.348 triệu đồng, phải thu hồi về ngân sách Nhà nước 27.183 triệu đồng và 23.165 triệu đồng liên quan đến thẩm quyền xử lý của tòa án, trong đó cá biệt Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Bình An tạm ứng quá hạn 20.189 triệu đồng có nguy cơ khó thu hồi, UBND tỉnh cần theo dõi, báo cáo quá trình giải quyết của cơ quan tòa án đối với số tiền trên, đồng thời có biện pháp xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Quỹ Phát triển đất tỉnh cho các chủ đầu tư kéo dài thời gian thu hồi vốn ứng nhiều lần, không có cơ sở, đến nay phải thu hồi vốn ứng quá hạn 136.722,752 triệu đồng.

Đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021), còn 254 dự án chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt quyết toán theo quy định và còn 2 dự án chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ quyết toán là Dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên tỉnh Gia Lai và Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Gia Lai.

Tỉnh chưa bố trí vốn để xử lý nợ đọng với số tiền là 12.233,46 triệu đồng. Trong tổ chức thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, UBND tỉnh thiếu kiểm tra, giám sát, chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện khắc phục các vi phạm với số tiền phải nộp về ngân sách Nhà nước là 280 triệu đồng.

Ngoài ra, thanh tra 13 dự án (chủ yếu tổng mức đầu tư dưới 10 tỷ), Thanh tra Chính phủ đã phát hiện các vi phạm, tồn tại, hạn chế như công tác lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán; áp dụng sai đơn giá, định mức, chế độ chính sách; biện pháp thi công, khối lượng chưa phù hợp làm tăng giá trị đầu tư... dẫn đến giảm trừ khi quyết toán công trình hoàn thành với tổng số tiền là 3.212 triệu đồng.

Việc quản lý, giám sát quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, quản lý giám sát đầu tư đối với một số dự án vốn ngoài ngân sách còn buông lỏng quản lý sử dụng đất, quản lý giám sát đầu tư; có dự án xây dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng đất tại Nhà máy Điện Yang Trung, Nhà máy Điện Chơ Long; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chủ đầu tư chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; xác định hệ số m3, xác định tiền sử dụng đất chưa đảm bảo theo quy định tại Dự án Khu dân cư mới; Dự án Tổ hợp khách sạn và Nhà phố thương mại tại số 29 đường Nguyễn Văn Cừ.

Không sắp xếp lại nhà đất công để tổ chức đấu giá theo quy định, nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước tiền miễn giảm tiền thuê đất tại Dự án Đầu tư xây dựng Trường Phổ thông Hoàng Diệu Asean.

Khi phê duyệt hồ sơ mời đấu giá, đưa ra tiêu chí quá cao so với quy mô của dự án đã hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư khác không đảm bảo sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch tại Dự án Tổ hợp khách sạn và Nhà phố thương mại TP Pleiku do Công ty FLC làm chủ đầu tư.

Để Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai nợ tiền thuê đất kéo dài nhiều năm nhưng không kiên quyết xử lý.

Đối với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Pleiku, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng đã buông lỏng quản lý, thiếu tập trung trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát công tác quản lý quy hoạch. UBND tỉnh đã bố trí kinh phí cho công tác quy hoạch thiếu thực tế phải điều chuyển 19.140 triệu đồng và hủy vốn với tổng số 11.608 triệu đồng; quá trình triển khai không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, chưa mang lại hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.

Trách nhiệm để xảy ra vi phạm, thiếu sót trên, theo Thanh tra Chính phủ còn có trách nhiệm của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh, tập thể lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, tập thể lãnh đạo TP Pleiku, các huyện, thị xã, đơn vị đã được thanh tra (An Khê, Ayun Pa, Đắk Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Kbang, la Grai); người xử lý, trình, ký văn bản có liên quan.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm