Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hàng loạt “chưa” tại Phòng Giáo dục và Đào tạo Tây Trà

Chủ nhật, 05/04/2020 - 12:02

(Thanh tra) - Thực tế này đã được Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ rõ tại thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND xã trên địa bàn huyện Tây Trà (từ năm 2015 đến tháng 6/2019). Văn bản do Phó Chánh Thanh tra tỉnh Trà Thanh Danh ký hồi tháng 2/2020.

Trường Tiểu học - THCS Trà Lãnh, huyện Tây Trà. Ảnh: Đăng Lâm/ https://dantocmiennui.vn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ rõ nhiều tồn tại, sai phạm, cụ thể:

Đối với UBND huyện, tỉ lệ trẻ ra lớp đạt thấp (chỉ 5,4%/20% - 30%) so với chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ, HĐND huyện đề ra. Đầu tư cho trường chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ thấp (chỉ 2/6 trường), đạt 30% kế hoạch, không đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ, HĐND huyện; trong đó, có 6 trường không hoàn thành đúng tiến độ thời gian.

Bên cạnh đó, chưa thực hiện việc thu, sử dụng học phí và các khoản thu hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc huyện là không đúng quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, Quyết định số 43/2016/QĐ-UBND ngày 01/9/2016 của UBND tỉnh quy định về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục.

Chủ tịch UBND huyện ban hành kế hoạch tuyển dụng giáo viên của 03 bậc học chưa sát đúng với nhu cầu thực tế và tiêu chuẩn định mức. Tính đến ngày 30/6/2019 so với tổng biên chế được giao trên địa bàn huyện còn thiếu 51 chỉ tiêu biên chế. Đối chiếu với Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT cho thấy số lượng biên chế được giao hàng năm chưa phù hợp (tính đến 30/6/2019), còn thiếu so với khung vị trí việc làm là 117 chỉ tiêu.

Không chỉ chậm ban hành quyết định chuyển đổi trường, tách trường theo quy định Điều 13 Nghị định 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ; Chủ tịch UBND huyện còn chưa ban hành kế hoạch thuyên chuyển công chức, viên chức trong cơ sở giáo dục công lập, Phòng GD&ĐT theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 05/12/2013 của UBND tỉnh.

Đặc biệt, Phòng GD&ĐT chưa thường xuyên hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý GD&ĐT đối với cán bộ, công chức UBND cấp xã được phân công phụ trách, theo dõi công tác giáo dục. Chưa có văn bản hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước về giáo dục cho UBND cấp xã.

Công tác tham mưu đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với các cấp học đến thời điểm thanh tra (tháng 8/2019) đạt tỉ lệ thấp so với Nghị quyết HĐND huyện đề ra. Tỉ lệ trẻ ra lớp chỉ đạt 5,4%/20 - 30% dù đã sắp hết thời gian thực hiện theo Nghị quyết (năm 2020).

Hàng năm chưa xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định. Chưa chưa thường xuyên kiểm tra các cơ sơ giáo dục thuộc quyền quản lý về thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên, cán bộ quản lý. Chưa lập kế hoạch kiểm tra cũng như tổ chức kiểm tra việc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục trực thuộc. Chưa thực hiện việc mở sổ theo dõi việc tiếp công dân tại đơn vị.

Phòng còn chưa phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch, quy trình thuyên chuyển công chức, viên chức trong cơ sở giáo dục công lập.

Công tác quản lý hồ sơ kiểm tra chuyên môn còn chưa tốt đối với bậc mầm non năm học 2015-2016; thất lạc hồ sơ kiểm tra các trường tiểu học: Trà Lãnh, Trà Trung năm 2018. Từ năm học 2017-2018, phòng chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra: 100% đoàn kiểm tra không xây dựng kế hoạch khi tiến hành kiểm tra, phần lớn không có kết luận, thông báo sau khi kiểm tra (chỉ có 05/54 có kết luận hoặc thông báo).

Chưa lập và quản lý sổ gốc cấp văn bằng tốt nghiệp THCS. Chậm thực hiện cấp văn bằng tốt nghiệp THCS cho học sinh đã được công nhận tốt nghiệp trong năm học 2017-2018.

Công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện về chủ trương, biện pháp phát triển các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) còn hạn chế.

Tuy có chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các TTHTCĐ nhưng qua thanh tra cho thấy các TTHTCĐ chưa thực hiện đúng.

TTHTCĐ xã Trà Phong năm 2017-2018 không xây dựng kế hoạch học tập và tổ chức hoạt động nhưng không kiểm tra để kiến nghị UBND huyện tạm đình chỉ hoạt động theo quy định.

Chưa tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động nhóm trẻ do bà Nguyễn Thị Kiêm Hạnh, tại xã Trà Phong (làm chủ cơ sở giữ trẻ chưa được cấp phép hoạt động) từ tháng 3 năm 2019 đến thời điểm thanh tra tháng 8/2019.

Thông báo kết luận cũng chỉ rõ, Phòng Tài chính và Kế hoạch chưa phối hợp với Phòng GD&ĐT kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước hỗ trợ hàng năm cho TTHTCĐ theo quy định. Qua thanh tra cho thấy kinh phí hỗ trợ thường xuyên và phụ cấp kiêm nhiệm được thanh quyết toán trong 04 năm (2015 - 2018) trong tổng số tiền 1.174.898.000 đồng của 09/09 xã, đã sử dụng chi hỗ trợ tiền ăn, nước uống cho học viên, báo cáo viên và các chi phí khác... phục vụ cho các lớp tập huấn 1.124.498.000 đồng không đúng quy định tại Thông tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính.

09/09 UBND xã chưa xây dựng và tham mưu HĐND xã trong việc cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng và phát triển TTHTCĐ, kể cả chế độ phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ quản lý, giáo viên TTHTCĐ.

UBND xã Trà Phong chưa kịp thời kiểm tra, xử lý và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động nhóm trẻ do bà Nguyễn Thị Kiêm Hạnh (làm chủ cơ sở giữ trẻ, từ tháng 3 năm 2019 đến tháng 8/2019 chưa được cấp phép hoạt động) là chưa thực hiện đúng khoản 3 và 4 Điều 10 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.

Giám đốc TTHTCĐ 09 xã chưa thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ của TTHTCĐ, chưa huy động các nguồn lực trong cộng đồng để duy trì và phát triển các hoạt động của TTHTCĐ. Không có đánh giá và báo cáo định kỳ đầy đủ về kết quả hoạt động của TTHTCĐ với UBND cấp xã và các cơ quan quản lý cấp trên.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Tây Trà tổ chức họp để rút kinh nghiệm về những hạn chế, thiếu sót về quản lý Nhà nước về giáo dục đối với trách nhiệm của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện.

Xem xét bố trí, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết Đảng bộ huyện và HĐND huyện nhiệm kỳ (2015-2020). Nâng tỉ lệ phổ cập giáo dục, đảm bảo đồng đều giữa các xã trên địa bàn. Tăng cường cở sở vật chất, trang thiết dạy học còn thiếu. Có kế hoạch thuyên chuyển công chức, viên chức và xét thuyên chuyển công chức, viên chức hàng năm theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động giáo dục và TTHTCĐ trên địa bàn huyện.

Chỉ đạo Phòng GD&ĐT đề ra kế hoạch, biện pháp khắc phục, sữa chữa trong thời gian tới.

Chỉ đạo Phòng Tài chính và Kế hoạch hướng dẫn các đơn vị dự toán và phòng, ban chuyên môn trực thuộc thực hiện nghiêm túc Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính.

Chỉ đạo Thanh tra huyện và Phòng Tài chính và Kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí của ngành và kinh phí hỗ trợ TTHTCĐ.

Về xem xét xử lý trách nhiệm, Chánh Thanh tra tỉnh yêu cầu UBND huyện Tây Trà chủ trì tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính và Kế hoạch, chủ tịch UBND 9 xã, giám đốc 9 TTHTCĐ có liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm đã nêu trong kết quả thanh tra.

--------------------------

Những kết quả đạt được

Những năm qua (2015-2019), ngành GD&ĐT huyện Tây Trà đã đạt được kết quả như: Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao và có sự chuyển biến tích cực như số lượng học sinh yếu kém giảm dần, học sinh khá giỏi tăng lên ở các cấp học. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99% và học sinh tốt nghiệp THCS đạt trên 98% đảm bảo theo chỉ tiêu của UBND huyện giao hằng năm. Tỉ lệ học sinh ra lớp vào đầu năm học đạt và vượt chỉ tiêu của UBND huyện giao.

Đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước.

Huyện đã thành lập thêm 3 trường phổ thông dân tộc bán trú bậc tiểu học, nâng tổng số trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện là 10 trường, cao nhất trong toàn tỉnh.

Triển khai các phương pháp dạy học mới, phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì và giữ chuẩn. 09/9 xã đã phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS.

Có 9/9 trung tâm học tập cộng đồng hoạt động thường xuyên.

Đến nay đã có 02 trường đạt chuẩn quốc gia.

Xóa bỏ toàn bộ trường học tranh tre, nứa lá. Đầu tư xây mới, duy tu, sửa chữa nhiều trường học.

Công tác tuyển dụng, bố trí, điều chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm được quan tâm cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên hàng năm được chú trọng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm