Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giáo viên nước ngoài thực tế giảng dạy không đúng danh sách đăng ký

Hải Hà

Thứ ba, 24/05/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã chỉ ra tồn tại, hạn chế trong việc liên kết, dạy bổ trợ tiếng Anh tại Trường THPT Xuân Phương (Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Đáng lưu ý, danh sách giáo viên người nước ngoài trong đề án được duyệt không đúng với các giáo viên thực tế giảng dạy.

Tại Trường THPT Xuân Phương, danh sách giáo viên người nước ngoài trong đề án được phê duyệt không đúng với các giáo viên thực tế giảng dạy. Ảnh: alltop.vn

Phụ huynh phản ánh học sinh bị ép học tiếng Anh dưới hình thức tự nguyện

Báo Thanh tra nhận được đơn phản ánh của phụ huynh học sinh Trường THPT Xuân Phương. Trong đơn, phụ huynh nêu, học sinh bị ép học thêm, học tiếng Anh Kella dưới hình thức tự nguyện.

Theo phụ phuynh, trong các năm học, nhà trường yêu cầu học sinh phải tham gia học thêm 3 buổi/1 tuần. Những thời điểm nhạy cảm thì xếp lịch học thêm vào cả buổi học chính nhằm mục đích gây khó khăn, buộc học sinh phải theo học. Nếu lớp nào có số học sinh tham gia không đủ, các thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ bị phê bình, thi đua của lớp bị ảnh hưởng, học sinh bị phân biệt đối xử…

“Hơn nữa, chúng tôi thấy chất lượng dạy thêm, học thêm không hề đảm bảo, nhà trường thuê rất nhiều giáo viên hợp đồng trẻ tuổi không dạy chính thức tham gia dạy học cả trên lớp và học thêm; mỗi lớp học thêm một kiểu, mỗi cô dạy một kiểu, không có nội dung thống nhất…” - đơn nêu.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng yêu cầu học sinh tham gia học đầy đủ 1 tiết học tiếng Anh Kella/1 tuần với mức thu 50.000 đồng/1 tuần. Thực tế, đa số học sinh đều nhận thấy không hiệu quả, mức thu cao, không muốn tham gia nhưng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm ép nên phải theo học.

Để tiến hành việc này, nhà trường đã thông báo với ban đại diện phụ huynh trường, các chi hội trưởng các lớp về phổ biến cho lớp như là một điều hiển nhiên nên rất nhiều phụ huynh không hiểu và chấp hành. Sau đó, nhập nhèm để phụ huynh viết đơn đăng ký...

Cũng theo ý kiến của phụ huynh, khi hiểu việc học là không bắt buộc, nhiều phụ huynh đã đề nghị, học sinh nào muốn học thì tự nguyện tham gia. Tuy nhiên, nhà trường đưa ra nhiều lý do như: Không xếp được thời khóa biểu, khó tổ chức và hiện đang xếp vào lịch học chính khóa để buộc học sinh phải tham gia.

“Vậy phải chăng vì lợi nhuận phần trăm hàng tháng trung tâm trích cho ban giám hiệu, giáo viên phụ trách của trường nên cố tình làm ngơ để ép học sinh phải tham gia học tiết tiếng Anh này” - phụ huynh đặt câu hỏi trong đơn.

Hiệu trưởng khẳng định “không bắt buộc”

Làm việc với PV Báo Thanh tra, ông Trần Trọng Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương cho biết, nhà trường tổ chức cho học sinh học tiếng Anh của Trung tâm Tiếng Anh Kella từ năm 2018 và đến nay vẫn đang học.

Đây là trung tâm đã được Sở GD&ĐT Hà Nội cấp phép, trên địa bàn TP có hơn 20 trường học chương trình này. Từ khi dạy đến nay, nhà trường có tổ chức cho giáo viên tiếng Anh dự giờ đánh giá chất lượng và lấy ý kiến của học sinh về chương trình học.

Theo đánh giá của giáo viên và một số học sinh trong trường thì chương trình đảm bảo chất lượng. Từ khi tổ chức dạy học đến nay nhà trường chưa nhận được ý kiến phản ánh của học sinh, phụ huynh về chất lượng của chương trình.

Đây cũng là chương trình bổ trợ tự nguyện, học sinh muốn đăng ký học phải có đơn, còn nhà trường không bắt buộc. Hiện, nhà trường dạy cho học sinh khối 10 và 11, có tất cả khoảng 20 em không đăng ký học.

Về khoản lợi nhuận % hàng tháng trung tâm trích lại cho ban giám hiệu, giáo viên phụ trách như câu hỏi của phụ huynh đặt ra, ông Hà khẳng định không có.

Cơ quan chuyên môn nói gì?

Kiểm tra, xác minh theo nội dung đơn phản ánh của phụ huynh học sinh Trường THPT Xuân Phương do Báo Thanh tra chuyển đến, Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, có một số nội dung đúng.

Thanh tra Sở cho biết, việc liên kết dạy bổ trợ tiếng Anh và chương trình bổ trợ tiếng Anh theo chuẩn đầu ra IELTS với Trung tâm Ngoại ngữ Kella trong năm học 2020-2021 và 2021-2022 tại Trường THPT Xuân Phương có hồ sơ pháp lý, hợp đồng, đề án và việc tổ chức triển khai nhìn chung đã thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ và tin học.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Đề án Liên kết đào tạo chương trình tiếng Anh theo chuẩn đầu ra IELTS chưa đầy đủ nội dung như quy định. Danh sách giáo viên người nước ngoài trong đề án được phê duyệt không đúng với các giáo viên thực tế giảng dạy.

Đáng nói, còn có tình trạng trợ giảng người Việt Nam có trình độ chưa đạt chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 6.5 như đã ghi tại đề án. Biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác dạy bổ trợ ngoại ngữ và biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác dạy bổ trợ IELTS đều không ghi rõ tổng số tiền (tổng giá trị hợp đồng).

Thanh tra Sở cũng chỉ rõ, một số đơn đăng ký học bổ trợ tiếng Anh có hiện tượng ký hộ, ký thay chữ ký của cha mẹ học sinh. Điều này cho thấy, việc thỏa thuận với cha mẹ học sinh chưa đảm bảo tính đồng thuận và tự nguyện.

Ngoài ra, cũng có việc các lớp học tiếng Anh bổ trợ xếp một số giờ dạy vào thời khóa biểu với các giờ học chính khóa đúng như nội dung phản ánh của phụ huynh.

Không chỉ để xảy ra những tồn tại, hạn chế trong dạy học chương trình tiếng Anh Kella, Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ rõ, việc thực hiện thu, chi đối với khoản thu thỏa thuận, thu tự nguyện, vận động ủng hộ, tài trợ tại Trường THPT Xuân Phương chưa đảm bảo đầy đủ quy trình…

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm