Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” rầm rộ do Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động hiện đối mặt thách thức nghiêm trọng nhất, nếu không vượt qua được sẽ có cơ thất bại.
Gần như tuần nào Trung Quốc cũng có một quan chức cỡ bự bị điều tra tham nhũng. “Ruồi” tuy nhiều song dễ diệt, nhưng đụng đến “hổ” lại là vấn đề khó khăn, nguy hiểm hơn nhiều. Bởi thế, không chỉ dư luận Trung Quốc mà bên ngoài cũng đặc biệt chú ý theo dõi vụ điều tra nhằm vào nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính Pháp, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang.
Trung Quốc tiết lộ thông tin khối tài sản bị tịch thu của thành viên gia đình và số người thân cận với ông Chu trị giá gần 15 tỷ USD và số người bị bắt giam, thẩm vấn lên tới hơn 300 trong 4 tháng qua. Đến nay, Chu là “con hổ” lớn nhất rơi vào tầm ngắm của chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”.
Kể từ năm 1995 tới nay, Trung Quốc mới có ba ủy viên Bộ Chính trị kiêm bí thư thành ủy ba thành phố trực thuộc trung ương bị “ngã ngựa”, gồm Trần Hy Đồng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa 14, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), Trần Lương Vũ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa 16, Bí thư Thành ủy Thượng Hải) và Bạc Hy Lai (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa 17, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh).
Cả ba quan chức bị hạ bệ trên đều quyền lực nghiêng trời đất, song vẫn chưa phải cấp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cỡ Chu Vĩnh Khang. Từ thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc tồn tại một quy định bất thành văn là pháp luật không đụng đến quan đầu triều cấp ủy viên thường vụ Bộ Chính trị trở lên. Có tin để điều tra Chu Vĩnh Khang, ông Tập Cận Bình đã triệu tập một cuộc họp kín của đảng tại Bắc Đới Hà nhằm thống nhất quan điểm, lại được nhiều nguyên lão nghỉ hưu đồng thuận “bật đèn xanh”.
Ông Tập không thể không hành động cẩn trọng, bởi sai lầm dù nhỏ sẽ phải trả giá rất đắt, thậm chí nguy cơ phá sản cả “giấc mơ Trung Hoa” mà ông đặt cược sinh mệnh chính trị. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải giải quyết 3 thách thức lớn.
Thứ nhất, tìm động lực mới cho tiến trình cải cách khi nền kinh tế mất đà tăng trưởng. Thứ hai, phải tìm cách điều hòa tham vọng Trung Quốc “nước giàu quân mạnh”, không để chủ nghĩa dân tộc mù quáng và giới diều hâu quân đội biến giải quyết tranh chấp lãnh thổ với láng giềng thành xung đột, chiến tranh. Thứ ba, tiến hành thành công chiến dịch chống tham nhũng, chỉnh đốn lại bộ máy hơn 84 triệu đảng viên.
Đụng đến “hổ” Chu Vĩnh Khang, ông Tập Cận Bình đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không chứng tỏ bản lĩnh, quyết tâm làm đến nơi đến chốn, chiến dịch chống tham nhũng tất rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột”, thất bại không thể tránh khỏi.
Nhưng nếu làm quá quyết liệt, phá bỏ nguyên tắc miễn trừ đối với lãnh đạo cấp cao, đưa Chu Vĩnh Khang vào tù cũng có thể tạo ra những hiệu ứng ngược.
Sự đoàn kết trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị thử thách, trong khi đã có nghiên cứu ước tính năm 2014, kinh tế Trung Quốc có thể mất tới 100 tỷ USD do nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng chiến dịch chống tham nhũng.
Mỗi khi có thêm một nhân vật dính líu Chu Vĩnh Khang bị bắt hoặc điều tra, giới truyền thông phỏng đoán chiếc thòng lọng quanh “con hổ lớn” đang chặt siết dần. Tuy nhiên vụ việc kéo dài cho thấy “hổ” không dễ bắt và vẫn còn nhiều đắn đo, e ngại.