Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao năng lực của các quốc gia trong công tác thu hồi tài sản

Phương Anh

Thứ hai, 25/11/2024 - 11:30

(Thanh tra) - Trong 2 ngày 25-26/11/2024, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức hội thảo quốc tế về nâng cao năng lực thu hồi tài sản.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: PV

Ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam; bà Sharon H.Yuan, Tham tán - Trưởng đoàn đàm phán IPEF, Hoa Kỳ; ông Ryan McKean, Giám đốc INL Việt Nam; bà Annika Wythes, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á, UNODC, cùng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo sáng ngày 25/11, Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy cho biết, tham nhũng là hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, bóp méo hoạt động đúng đắn của bộ máy Nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, cản trở các nỗ lực xoá đói, giảm nghèo và phát triển bền vững, xói mòn lòng tin của người dân vào Nhà nước và pháp luật. Không nằm ngoài tiến trình toàn cầu hoá đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, tham nhũng đã vượt ra khỏi phạm vi biên giới một quốc gia, trở thành một hiện tượng mang tính khu vực và quốc tế, với tốc độ lây lan nhanh chóng và mức độ tàn phá ngày một nặng nề.

“Vì vậy, chống tham nhũng đang trở thành một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi các nỗ lực chung của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Trong đó, yêu cầu trước tiên và cơ bản nhất, đó là phải thiết lập được một công cụ pháp lý quốc tế toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh hoạt động phòng, chống tham nhũng tại mỗi quốc gia cũng như hoạt động hợp tác giữa các quốc gia”, Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy nhấn mạnh.

Trước yêu cầu này, ngày 4/12/2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết số 55/61, trong đó xác định yêu cầu cấp thiết cần phải có một văn kiện pháp lý quốc tế riêng, toàn diện và hữu hiệu về chống tham nhũng, thành lập Ủy ban soạn thảo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Việt Nam đã tham gia tích cực các phiên họp để thảo luận, xây dựng nội dung của dự thảo Công ước và ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PV

Sau khi ký kết, Việt Nam đã có những nghiên cứu, đánh giá về vấn đề này, như xây dựng Báo cáo nghiên cứu nội dung và các nghĩa vụ đối với quốc gia thành viên UNCAC, Báo cáo đánh giá thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi phê chuẩn UNCAC, Báo cáo đánh giá các yêu cầu của UNCAC và yêu cầu hoàn thiện pháp luật Việt Nam...

Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Theo đó, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước kể từ ngày 19/8/2009.

Theo Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy, trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã rà soát, phân tích, đánh giá và đưa ra các kế hoạch cụ thể về hoàn thiện thể chế cho phù hợp với các yêu cầu của Công ước; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện các cam kết và nâng cao mức độ tuân thủ các quy định của Công ước.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về Công ước và chuẩn bị năng lực cho đội ngũ chuyên gia, công chức tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của Công ước. Nhiều nội dung của UNCAC đã được thể chế hoá vào trong các quy định pháp luật của Việt Nam như Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật hình sự...

Các cơ quan của Việt Nam vẫn tiếp tục có những nghiên cứu trong giai đoạn này nhằm làm rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc thực hiện có hiệu quả các quy định của Công ước, trong đó trọng tâm là việc đánh giá về khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về vấn đề này, đây là các hoạt động cần thiết và có ý nghĩa tích cực, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó nền tảng là việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy (thứ 5 từ trái sang) và đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Thanh tra Chính phủ chụp ảnh cùng đại diện các tổ chức quốc tế tham gia hội thảo. Ảnh: PV

Việc nghiên cứu gồm cả đánh giá các yêu cầu và các quy định, khuyến nghị của UNCAC đối với Việt Nam về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản và thực tiễn của Việt Nam. Điều này có ý nghĩa tích cực khi thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những yêu cầu quan trọng trong xử lý tham nhũng tại Việt Nam (gồm xử lý người có hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng).

Việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia, và là nội dung rất khó khăn trên thực tiễn do nằm ngoài lãnh thổ; khác hệ thống pháp luật. Các kết quả nghiên cứu, bao gồm cả kết quả của hội thảo này có ý nghĩa tích cực cho việc hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao năng lực hợp tác thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác này, Việt Nam muốn cùng các quốc gia và UNODC có nhiều các hội thảo, các nghiên cứu, trao đổi nhằm cùng xây dựng năng lực của các quốc gia về thu hồi tài sản.

Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy nhấn mạnh, đây là một hội thảo có ý nghĩa tích cực khi Thanh tra Chính phủ cùng các cơ quan khác của Việt Nam đang tiếp tục có những nghiên cứu nhằm tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về vấn đề này, góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: PV

Hội thảo quốc tế lần này nhằm mục đích xây dựng năng lực của các quốc gia trong khu vực trong công tác thu hồi tài sản thông qua một số các nội dung chính:

Thứ nhất, giới thiệu cho các quốc gia trong khu vực tổng quan về các cam kết và nghĩa vụ liên quan đến việc thu hồi và trả lại tài sản qua việc ngăn chặn và phát hiện việc chuyển dịch, chuyển nhượng tài sản; trực tiếp thu hồi tài sản, hợp tác quốc tế trong tịch thu, trả lại và xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của UNCAC.

Thứ hai, tìm hiểu các cơ chế pháp lý hiệu quả để cho phép xác định, truy tìm, phong tỏa và tịch thu bằng các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dân sự đối với tội phạm và tài sản do hành vi vi phạm pháp luật mà có theo quy định của UNCAC.

Thứ ba, tìm hiểu các phương pháp ngăn chặn và phát hiện các hoạt động chuyển nhượng, chuyển tiền, tài sản do phạm tội mà có, bao gồm thông qua quy định của các tổ chức tài chính và các yêu cầu kê khai đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thu hồi và hoàn trả tài sản, bao gồm các thông lệ tốt về xây dựng năng lực cho các cơ quan có thẩm quyền; loại bỏ những “nơi trú ẩn an toàn” cho người có hành vi tham nhũng và tài sản do phạm tội mà có.

Thứ năm, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc hoàn trả và xử lý tài sản thu được từ tội phạm, bao gồm tìm hiểu sự tham gia của các tổ chức và thiết chế khu vực ngoài Nhà nước trong quá trình này, các thông lệ tốt về xử lý tài sản thu được theo cách có lợi cho các quốc gia bị ảnh hưởng...

Trong khuôn khổ 2 ngày hội thảo, sẽ diễn ra các phiên họp với các chủ đề: Thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế: Các quy định của UNCAC; xác định, lần theo dấu vết, truy tìm, phong tỏa, thu giữ và tịch thu tài sản do phạm tội/vi phạm pháp luật mà có: Cách tiếp cận hiện nay của các quốc gia; ngăn chặn và phát hiện việc chuyển nhượng, chuyển dịch tài sản do phạm tội mà có - quy định của các định chế tài chính; phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện người có chức vụ, quyền hạn chuyển nhượng, di chuyển tài sản do phạm tội mà có; nâng cao năng lực hợp tác quốc tế về thu hồi và hoàn trả tài sản; cơ chế pháp lý về hợp tác quốc tế trong thu hồi và trả lại tài sản; cơ chế pháp lý về thu hồi và trả lại tài sản; xử lý tài sản do phạm tội mà có trong hợp tác quốc tế về thu hồi và trả lại tài sản; thách thức và giải pháp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực của các quốc gia trong công tác thu hồi tài sản

Nâng cao năng lực của các quốc gia trong công tác thu hồi tài sản

(Thanh tra) - Trong 2 ngày 25-26/11/2024, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức hội thảo quốc tế về nâng cao năng lực thu hồi tài sản.

Phương Anh

11:30 25/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm