Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đoàn Đại biểu cấp cao Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập thăm và làm việc tại Hải Phòng

Thái Hải

Thứ tư, 09/10/2024 - 15:28

(Thanh tra) - Ngày 9/10, Đoàn Đại biểu cấp cao Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập do ông Ta-me En Fa-ga-ny, Phó Chủ tịch Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập làm Trưởng đoàn, đã đến thăm và làm việc tại UBND thành phố Hải Phòng.

Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TH

Dự buổi làm việc, về phía Thanh tra Chính phủ có Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Đỗ Mạnh Hùng; về phía thành phố Hải Phòng có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cùng lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy, Chánh Thanh tra thành phố Bùi Thị Hồng Vân và Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thị Bích Dung.

Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa Hải Phòng và các đối tác của Ai Cập

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết, Thanh tra Chính phủ và Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập có quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp và hiệu quả, được gây dựng và vun đắp từ năm 1994. Hai cơ quan đã 4 lần ký Bản ghi nhớ hợp tác, lần gần đây nhất là ngày 7/10/2024. Chính vì vậy, chuyến thăm và làm việc lần này của Phó Chủ tịch Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập và đoàn có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan.

Phó Tổng Thanh tra chia sẻ, Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 Việt Nam và là một thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại và công nghệ của Việt Nam.

“Để giữ vững được vai trò quan trọng đó, quá trình phát triển của thành phố Hải Phòng có sự đóng góp không nhỏ của cơ quan Thanh tra thành phố và sự chỉ đạo của các lãnh đạo thành phố về công tác thanh tra nhằm tạo dựng môi trường quản lý lành mạnh, trong sạch, tạo điều kiện cho thành phố phát triển bền vững”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Do đó, tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy đề nghị lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo điều hành công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng ở địa phương trong thời gian qua.

Phát biểu chào mừng Đoàn Đại biểu cấp cao Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập đến thăm và làm việc với Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh về mối quan hệ tốt đẹp của Ai Cập và Việt Nam trong 60 năm qua.

“Chuyến thăm lần này của đoàn thể hiện sự tăng cường hợp tác sâu hơn của Việt Nam và Ai Cập, cũng như Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập và Thanh tra Chính phủ Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Hải Phòng và các đối tác của Ai Cập”, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh.

Giới thiệu một số thông tin về thành phố, ông Tùng cho biết, Hải Phòng là thành phố cảng biển có lịch sử lâu đời, cách Thủ đô Hà Nội hơn 100km. Diện tích tự nhiên hơn 1.500km2, dân số khoảng 2,1 triệu người, dân số thành thị chiếm gần 46%.

Là thành phố có quy mô kinh tế lớn của Việt Nam, trong 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng gần 9,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 26 triệu USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ; kết nối giao thương với 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt gần 124 triệu tấn, tăng hơn 9,4% so với cùng kỳ.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 964 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 31 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 9 tháng năm 2024, thành phố đã thu hút thêm gần 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Hệ thống cảng biển của thành phố lớn nhất khu vực miền Bắc, được xây dựng theo hướng hiện đại, có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 145.000 tấn và kết nối trực tiếp đến các cảng biển chính ở châu Âu, châu Mỹ.

Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi đạt tiêu chuẩn 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới và có thể tiếp nhận các loại máy bay lớn nhất thế giới.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH

Về phát triển công nghiệp, thành phố hiện có 14 khu công nghiệp với diện tích trên 6.100ha; trong thời gian tới, sẽ thành lập thêm 20 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 7.000ha, đồng thời sẽ thành lập mới khu kinh tế phía Nam Hải Phòng.

Về hợp tác giữa Hải Phòng và Ai Cập, ông Tùng thông tin, 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng sang Ai Cập đạt 1,1 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu từ Ai Cập vào Hải Phòng đạt 1,05 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của các doanh nghiệp Hải Phòng sang Ai Cập chủ yếu là nhiên liệu khoáng, dầu khoáng, các sản phẩm hoá chất.

Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Ai Cập chủ yếu là sản phẩm làm bằng đá, thạch cao, xi măng, a-mi-ang, mica và các vật liệu tương tự.

Sẵn sàng có tiếng nói để thúc đẩy, mở rộng hợp tác giữa Hải Phòng và các đối tác Ai Cập

Ông Ta-me En Fa-ga-ny cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của Hải Phòng và khẳng định ngày 7/10/2024 là ngày quan trọng của Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập, khi 2 cơ quan Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập đã ký lại Bản ghi nhớ hợp tác mới.

“Quan hệ giữa 2 nước là quan hệ truyền thống nhiều năm và đây là bước đi nhằm tăng cường, củng cố hơn nữa mối quan hệ bao nhiêu năm nay giữa 2 nước, 2 cơ quan và tiếp tục đẩy mạnh tăng cường mối quan hệ đó”, ông Ta-me En Fa-ga-ny nhấn mạnh.

Về quan hệ trao đổi, hợp tác kinh tế, thương mại với Hải Phòng tuy còn hạn hẹp, nhưng ông Ta-me En Fa-ga-ny cho biết, với vai trò là một cơ quan quan trọng của Ai Cập, Cơ quan Giám sát Hành chính Ai Cập sẵn sàng có tiếng nói để thúc đẩy, mở rộng hơn nữa mối quan hệ giữa Hải Phòng và các đối tác Ai Cập ở Hải Phòng trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tại Hải Phòng.

Khởi tố mới 11 vụ, 29 bị can về tội tham nhũng

Trong 9 tháng năm 2024, toàn thành phố đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho 4.351 lượt người tham gia.

Đã chuyển đổi vị trí công tác theo thẩm quyền đối với 217 vị trí cán bộ, công chức nhằm phòng ngừa tham nhũng theo quy định. Có 36 đơn vị được kiểm tra về thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động.

Đã kiểm tra 106 đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, đã phát hiện vi phạm và xử lý kỷ luật khiển trách 1 cán bộ do vi phạm xung đột lợi ích theo quy định.

Toàn thành phố đã khởi tố mới 11 vụ/29 bị can về tội tham nhũng, đã truy tố 6 vụ/16 bị can, đã xét xử 8 vụ/17 bị cáo về tội tham nhũng; đã ban hành 52 kết luận tài sản, thu nhập theo kế hoạch năm 2023; đang xác minh tài sản, thu nhập đối với 25 đối tượng tại 24 đơn vị theo kế hoạch năm 2024.

Đã tổ chức thu nhận 2.320 bản kê khai của người thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra thành phố Hải Phòng và lưu trữ theo quy định, không phát hiện tham nhũng.

Theo đó, thành phố Hải Phòng xác định đẩy mạnh PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, yêu cầu phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Để PCTN, tiêu cực có hiệu quả, thành phố Hải Phòng từng bước xây dựng và hoàn thành cơ chế, chính sách, giải pháp "3 không" trong tham nhũng để cán bộ không thể tham nhũng, xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng, tạo cơ chế, chính sách để cán bộ không cần tham nhũng.

Thực hiện các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực, hàng năm, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch PCTN và các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, tập trung thực hiện PCTN ở các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như quản lý tài chính, quản lý đất đai, đấu thầu... và triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Các giải pháp thành phố Hải Phòng đã triển khai PCTN, tiêu cực là đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất trong cán bộ, Nhân dân về PCTN, tiêu cực. Kịp thời cung cấp, công khai thông tin, nhất là chủ động thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, về những vấn đề nhạy cảm.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về PCTN, từng bước xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng đủ năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực. Tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ, lãnh đạo, nhất là người đứng đầu để đảm bảo bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đề phục vụ Nhân dân.

Làm tốt công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, xử lý, ngăn chặn tệ nạn tham nhũng vặt; thu hồi tài sản tham nhũng…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm