Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp từ Lạng Sơn

Thứ ba, 22/01/2019 - 13:09

(Thanh tra)- "Hiến kế" việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) đông người, phức tạp tại Hội nghị trực tuyến công tác ngành Thanh tra năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, "bí quyết" thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC là quyết liệt trong chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động nắm chắc tình hình, xác định rõ nguyên nhân, tăng cường tiếp công dân tại nơi xảy ra vụ việc, tổ chức đối thoại ngay từ khi phát sinh.

Bí quyết thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC là chủ động phối hợp, xin ý kiến các cơ quan Trung ương. Ảnh: TH

Gắn việc tiếp công dân với giải quyết KN, TC

Là một tỉnh biên giới với trên 231 km đường biên giới giáp với Quảng Tây, Trung Quốc, hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số nên tỉnh Lạng Sơn hết sức chú trọng giữ gìn an ninh trật tự để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đó là thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC. Vì thế, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Tiếp công dân, chủ động nắm tình hình, tăng cường đối thoại với công dân, nhất là ở địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều đơn thư, phát sinh vụ việc đông người, gắn việc tiếp công dân với giải quyết KN, TC, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Ông Thưởng cho biết, năm 2018 các cấp các ngành trong tỉnh tiếp trên 2.100 lượt công dân (tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017), tiếp nhận trên 2.700 lượt đơn thư các loại (tăng 1,91% so với cùng kỳ năm 2017).

Số lượt đơn thư và tiếp công dân tăng do trong năm tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đi qua 3 huyện và thành phố Lạng Sơn, với trên 4.466 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi Dự án. Tuy nhiên do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đến nay cơ bản đã thực hiện xong công tác kiểm đếm, riêng đoạn từ Bắc Giang đến Km45 Lạng Sơn đã giải phóng mặt bằng đạt 99%.

Mặt khác, ngay sau Hội nghị giải quyết KN,TC ngày 19/5/2018 tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá đầy đủ tình hình KN,TC trên địa bàn, qua đó đề ra giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.

Theo đó, Lạng Sơn đã tiến hành quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị: “Kiên trì thuyết phục, vận động người dân; việc không đúng thì phải nghiêm túc sửa sai, khắc phục, không ngoan cố, không vì vấn đề “nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia” mà không dám nhận lỗi”; “Tiếp dân không phải là công tác văn thư, chuyển văn bản mà cần đối thoại, chỉ đạo xử lý hiệu quả những vấn đề đặt ra”.

"Với tinh thần đó, tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động nắm chắc tình hình, xác định rõ nguyên nhân, tăng cường tiếp công dân tại nơi xảy ra vụ việc, tổ chức đối thoại ngay từ khi phát sinh; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC", ông Thưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo việc rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Vì thế, năm 2018 kết quả giải quyết KN,TC thuộc thẩm quyền đạt trên 92%.

Chủ động phối hợp, xin ý kiến các cơ quan TƯ

Liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ Đồng Đăng, từ những năm 2002 - 2003, tỉnh Lạng Sơn đã có chủ trương xây dựng chợ Đồng Đăng tại vị trí mới theo tiêu chí của chợ loại I, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, tạo cảnh quan môi trường, phát triển đô thị, chuẩn bị các điều kiện để thành lập thị xã Đồng Đăng. Tuy nhiên, dự án kéo dài hơn 10 năm, công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế.

Đến năm 2015 khi công bố các quyết định chuyển đổi mô hình chợ thì phát sinh đơn thư và các hộ tiểu thương đã tập trung đông người khiếu kiện tại Hà Nội. Trước tình hình đó, tỉnh đã chủ động gửi hồ sơ và trực tiếp báo cáo xin ý kiến Ban dân nguyện của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với các hộ tiểu thương, trong đó có cuộc đối thoại do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham dự của Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, đại diện các bộ, ngành Trung ương.

Mặt khác, tỉnh cũng chủ động có văn bản báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì kiểm tra toàn bộ quy trình chuyển đổi mô hình chợ để giúp tháo gỡ cho tỉnh. Được sự giúp đỡ của Thanh tra Chính phủ, hơn 1 năm qua, tình hình cơ bản ổn định.

Ngoài ra, các biện pháp khác cũng được tỉnh áp dụng nghiêm túc; các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh cũng kiên quyết xử lý, giải quyết triệt để .

Trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC cũng được tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh.

"UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo, chủ động nắm chắc tình hình KN,TC trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là đối với những địa phương tập trung nhiều dự án, phát sinh đoàn đông người; chủ động tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ KN,TC nhưng kiên quyết xử lý những đối tượng khiếu kiện có hành vi gây rối an ninh trật tự, kích động, lôi kéo, đe dọa, hành hung, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân....", ông Thưởng nhấn mạnh.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm