Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vụ bầu Kiên: Bàn về nguyên tắc áp dụng, giải thích luật

Chủ nhật, 11/05/2014 - 21:04

Một hành vi vi phạm chưa có chế tài xử lý hành chính, nhưng lại bị xử lý hình sự.

Trên cơ sở công văn của NHNN, kết luận điều tra và cáo trạng xác định ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền trong năm 2011 là vi phạm Luật các TCTD năm 2010.

Một số luật sư đã cùng ký văn bản đề nghị Quốc Hội giám sát vụ án Nguyễn Đức Kiên và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, một trong những lý do là cả hai vụ án có nhiều vấn đề liên quan đến quan điểm, cách thức xây dựng, ban hành, hướng dẫn và áp dụng pháp luật, đến cách hiểu và áp dụng điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD). Kiến nghị này đúng thời điểm Quốc Hội đang chuẩn bị xem xét sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Cơ quan Điều tra phải hỏi Ngân hàng Nhà nước

Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng vụ án Nguyễn Đức Kiên, ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương về việc ủy thác cho nhân viên dùng tiền của ACB gửi tại các ngân hàng khác. Điều 72 Luật các TCTD năm 1997 (được sửa đổi, bổ sung năm 2004) quy định “Tổ chức tín dụng được quyền ủy thác, nhận ủy thác, làm đại lý trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kể cả việc quản lý tài sản, vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân theo hợp đồng”.

Luật các TCTD năm 1997 có hiệu lực đến 31/12/2010, Nghị quyết và việc ủy thác gửi tiền của ACB hoàn toàn phù hợp pháp luật. Nội dung này được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát ghi nhận.

Trong năm 2011, ACB tiếp tục ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền tại Ngân hàng Công thương và bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718,908 tỷ, được cho là gây thiệt hại cho ACB. Điều 106 Luật các TCTD năm 2010 (có hiệu lực từ 1/1/2011) quy định “Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xác định việc ủy thác của ACB có vi phạm quy định về ủy thác hay không, quy định tại những văn bản nào, chế tài xử lý cụ thể như thế nào.

Vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý

Ngày 17/5/2012, Phó chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Văn Thảo ký công văn số 350 trả lời Cơ quan điều tra xác định ACB được thực hiện nghiệp vụ ủy thác nhưng ACB thực hiện ủy thác cho cá nhân khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm Điều 106 Luật các TCTD năm 2010, quy định Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dù xác định là vi phạm, Ngân hàng Nhà nước nêu chưa có chế tài xử lý với hoạt động ủy thác khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. 
Như vậy, một hành vi vi phạm chưa có chế tài xử lý hành chính, nhưng lại bị xử lý hình sự.

Trên cơ sở công văn của NHNN, kết luận điều tra và cáo trạng xác định ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền trong năm 2011 là vi phạm Luật các TCTD năm 2010. 

Vì vậy, Ông Nguyễn Đức Kiên cùng các cá nhân nguyên thường trực Hội đồng quản trị ACB (Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn) đã phạm tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, một hành vi vi phạm chưa có chế tài xử lý hành chính, nhưng lại bị xử lý hình sự.

Trên cơ sở công văn của NHNN, kết luận điều tra và cáo trạng xác định ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền trong năm 2011 là vi phạm Luật các TCTD năm 2010.

NHNN có giải thích luật?

Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực từ 01/01/2011, điều 106 quy định hoạt động ủy thác của các ngân hàng thương mại thực hiện “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” đã được Ngân hàng Nhà nước giải thích trong công văn trả lời Cơ quan điều tra là ngân hàng thương mại thực hiện ủy thác khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm Luật các TCTD.

Điều này có nghĩa cụm từ “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” được hiểu là “chỉ được thực hiện sau khi có hướng dẫn”. Như vậy, công văn của NHNN, chỉ do Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng ký thực chất là công văn giải thích luật, một việc thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc Hội theo quy định của điều 85 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung giải thích có hợp lý?

Ngoài việc tuân thủ Luật các TCTD, các ngân hàng thương mại còn chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Theo Luật Doanh nghiệp, chỉ có 3 loại hình hoạt động kinh doanh: cấm kinh doanh; kinh doanh có điều kiện; tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Đối với các loại hoạt động kinh doanh có điều kiện, Luật Doanh nghiệp quy định phải thể hiện bằng các nội dung cụ thể như Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề … Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp quy định tại khoản 5, điều 7 “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh”. 

Như vậy, Luật các TCTD quy định các ngân hàng thương mại được ủy thác “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” không thể hiểu “hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước” là điều kiện kinh doanh, phải có hướng dẫn mới được thực hiện.

Nếu cách hiểu pháp luật đúng như Ngân hàng Nhà nước nêu trong công văn 350, các ngân hàng, các doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động khi cơ quan Nhà nước chậm hướng dẫn.

Trên thực tế, sau khi Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực từ 1/1/2011, mãi đến ngày 08/3/2012, Ngân hàng Nhà nước mới có Thông tư số 04/2012/TT/NHNN hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác, dù Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định nếu Luật cần có văn bản hướng dẫn thì văn bản đó phải được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. 

Trước khi ban hành thông tư 04, Ngân hàng Nhà nước cũng không hề có bất cứ văn bản nào cảnh báo, nhắc nhở các ngân hàng thương mại về hoạt động ủy thác. Công văn 350 trả lời Cơ quan điều tra được đóng dấu mật cũng không được gửi cho các ngân hàng thương mại.  

Sau khi xảy ra vụ án Huyền Như, Ngân hàng Nhà nước mới cho rằng việc các ngân hàng ủy thác khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là trái luật. Chính vì vậy trong công văn 350 mới nêu chưa có chế tài xử lý với vi phạm này.

Kiến nghị về xây dựng và giải thích luật

Để đảm bảo minh bạch cho môi trường kinh doanh, trong quá trình xây dựng luật, Quốc Hội cần đưa ra các quy định rõ ràng, cụ thể, để không nảy sinh trường hợp như vụ án Nguyễn Đức Kiên, Cơ quan điều tra phải hỏi Ngân hàng Nhà nước xem việc ủy thác có vi phạm pháp luật không.

Nếu hiểu như NHNN trả lời Cơ quan điều tra, đề nghị Quốc Hội quy định trong luật các cụm từ “theo quy định” có nghĩa là “phải đợi hướng dẫn mới được thực hiện”.

Các luật sư cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc Hội xem xét và có ý kiến về tính hợp pháp của công văn 350 của Ngân hàng Nhà nước, vì Ngân hàng Nhà nước không có thẩm quyền giải thích luật. Đồng thời, đề nghị Ủy Ban thường vụ Quốc Hội chính thức có giải thích về điều 106 Luật các TCTD.

Theo Công Minh/Đất Việt

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm