Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 01/05/2023 - 17:39
(Thanh tra) - Xe ô tô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu như đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện, theo đề xuất của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Đ.X
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về Dự án Luật Đường bộ.
Đây là dự án luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (10/2020). Trong quá trình thảo luận, do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo luật đã chuyển 2 chương sang Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều; sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.
Tại tờ trình, Chính phủ cho hay, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp 10, dự thảo luật đã chỉnh lý và hoàn thiện 3 nhóm chính sách, gồm: Khung pháp lý về kết cấu hạ tầng giao thông, đường bộ; khung pháp lý với phương tiện giao thông đường bộ; khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ.
Nhà trường tổ chức đưa, đón học sinh phải chịu trách nhiệm đón, trả
Với quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, dự thảo luật đã giải quyết được mối quan tâm của dư luận xã hội trong việc bảo vệ đối tượng yếu thế (trẻ em) tham gia giao thông trong thời gian qua.
Dự thảo luật tập trung vào các quy định về phương tiện và người lái xe với những đặc thù như: xe ô tô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu: đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện.
Xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách.
Dự thảo luật cũng quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh.
Đồng thời, quy định cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, khi thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu quy định các điều kiện và trách nhiệm của các chủ thể phù hợp với thực tế.
Khẳng định dự thảo luật đã quy định cụ thể, Chính phủ nhấn mạnh, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục rà soát để quy định cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quản lý chặt chẽ, tăng cường bảo đảm an toàn cho học sinh, nhưng không làm phát sinh các chi phí bất hợp lý tạo gánh nặng cho nhà trường và phụ huynh học sinh.
Phân định rõ kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ
Điểm mới đáng chú ý nữa, dự thảo luật quy định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ để có những điều tiết phù hợp, đảm bảo công bằng, minh bạch, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ.
Theo đó, dự thảo luật quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hoá.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, gồm: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt (có tuyến xe buýt kết nối sân bay), kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới.
Dự thảo luật giao Chính phủ quy định cụ thể về loại hình kinh doanh vận tải; điều kiện kinh doanh, trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tổ chức hoạt động và trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động vận tải nội bộ.
Theo phân tích của Chính phủ, quy định như vậy, sẽ khắc phục được hạn chế của luật hiện hành và sẽ tạo thuận lợi cho Chính phủ trong điều tiết các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phù hợp với nhu cầu quản lý và phát triển trong từng thời kỳ nhất định.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, với quy định như dự thảo dẫn đến một số tổ chức, cá nhân sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối giữa tổ chức, cá nhân vận chuyển với hành khách sẽ bị xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh vận tải.
Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể, trên cơ sở đó quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật phù hợp với công tác quản lý, tình hình thực tiễn và chủ trương của Đảng về phát triển công nghệ thông tin.
Giải trình, Chính phủ nêu, tại điều 79 dự thảo luật quy định, “dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, gồm kinh doanh dịch vụ bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải hàng hóa, đại lý bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hóa, dịch vụ xếp dỡ hàng hóa trên phương tiện, dịch vụ cho thuê phương tiện, dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ, ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô ”.
Theo đó, ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải là hoạt động kinh doanh vận tải.
“Chỉ trong trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô, thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì sẽ xác định là kinh doanh vận tải”, Chính phủ nêu.
Tiếp thu ý kiến, Chính phủ cho biết, trong quá trình xây dựng dự án luật, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định rõ ràng hơn, đảm bảo tránh hiểu nhầm trong quá trình triển khai thực hiện.
Luật Giao thông đường bộ được đề xuất tách thành Dự án Luật Đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo và Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Cùng với Dự án Luật Đường bộ, Chính phủ cũng sẽ trình Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Khẳng định đến nay Dự án Luật Đường bộ đã được chỉnh lý, hoàn thiện, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến đồng thời 2 dự án luật tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật.
Hải Hà
16:27 20/11/2024(Thanh tra) - Đó là phát biểu của Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khi bàn về Luật Giáo dục, nhân ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trà Vân
16:21 20/11/2024Phương Anh
15:07 20/11/2024Thúy Hằng
14:06 20/11/2024Kim Thành
22:23 19/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên