Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Hương Giang

Thứ năm, 27/04/2023 - 11:06

(Thanh tra) - Chính phủ thống nhất chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu và quy định rõ Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Ảnh minh họa: Hương Giang

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa có tờ trình về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đây là dự án luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (10/2020). Trong quá trình thảo luận, do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Tại sao cần tách thành 2 luật?

Tại tờ trình, Chính phủ cho hay Luật Giao thông đường bộ hiện hành điều chỉnh đồng thời ba lĩnh vực khác nhau là: An toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ. Nhưng thực tiễn cho thấy đây là ba lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau.

“Nếu tiếp tục thực hiện Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì không giải quyết được tận gốc các tồn tại”, tờ trình nêu, sẽ có quá nhiều điều luật, khó quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể các chính sách, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên của luật.

Do vậy, ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông.

Còn ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.

“Xây dựng và ban hành hai luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước một cách rõ ràng, cụ thể, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, Chính phủ nhận định.

Chưa thay đổi cơ quan cấp giấy phép lái xe

Cũng tại tờ trình, Chính phủ nêu việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong đó có nội dung liên quan đến quy định về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Theo Chính phủ, quá trình thảo luận có 2 nhóm ý kiến liên quan tới quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Ý kiến thứ nhất đồng ý chuyển giao cho Bộ Công an quản lý để tập trung, thống nhất, phù hợp với chức năng quản lý trật tự, an toàn xã hội; đề nghị có lộ trình chuyển đổi, áp dụng cho phù hợp với thực tế, đồng thời xã hội hóa việc đào tạo lái xe cho các cơ sở đủ điều kiện.

Ngược lại, nhóm ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục giao cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý vì đang thực hiện ổn định.

Tại dự thảo luật trình Quốc hội khóa XIV, Chính phủ thống nhất quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Đề xuất này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và là đòi hỏi khách quan để phù hợp với chức năng quản lý con người về trật tự, an toàn xã hội; đồng thời gắn trách nhiệm chính của Bộ Công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tiếp thu các ý kiến góp ý hợp lý, để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ trong những năm tiếp theo, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo luật, chỉ quy định nội dung chính sách về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và những vấn đề mang tính nguyên tắc về quản lý nhà nước đổi với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, không quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ tại dự thảo luật

“Tại Nghị quyết số 37 ngày 16/3/2022, Chính phủ thống nhất chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe”, tờ trình nêu rõ.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh ngày 10/4 và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 13/4, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu và quy định rõ Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm về công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Cùng với Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ cũng sẽ trình Dự án Luật Đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo.

Về thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua, Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị đưa vào chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp 7 (tháng 5/2024) thông qua tại kỳ họp 8 (tháng 10/2024).

Một số ý kiến đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Chính phủ cho rằng, thời gian chuẩn bị 2 dự án luật này đã kỹ lưỡng, trải qua nhiều lần lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra và do tính chất cấp bách của nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng, với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Do đó, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến đồng thời 2 dự án luật tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm