Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giải trình đề xuất tiếp tục tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật

Hương Giang

Chủ nhật, 05/03/2023 - 15:26

(Thanh tra) - Việc tách Luật Giao thông đường bộ để xây dựng dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ tách riêng các quy định về an toàn giao thông có tính chất động; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước… là nhận định của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Đ.X

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu khóa XIV đối với dự án Luật Đường bộ (trước đây tên là dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Luật Giao thông đường bộ hiện hành được đề xuất tách thành 2 dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

2 dự án luật này được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020). Thời điểm đó, khi lấy phiếu ý kiến, 302 đại biểu Quốc hội (tương đương 72,95% trên tổng số phiếu) đã thể hiện chính kiến không tán thành tách Luật Giao thông đường bộ.

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, sau kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến các cơ có liên quan về phương án tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu, tập trung những vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội.

Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có tờ trình gửi Bộ Chính trị xin ý kiến về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, cho ý kiến.

Theo Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ tách riêng các quy định về an toàn giao thông có tính chất động; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Mục tiêu xây dựng các luật được đặt ra là Luật Đường bộ tập trung điều chỉnh 3 nhóm chính sách gồm: Hoàn thiện khung pháp lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hoàn thiện khung pháp lý đối với phương tiện giao thông đường bộ; hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ.

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tập trung điều chỉnh 6 nhóm chính sách gồm: Quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tổ chức giao thông đường bộ trật tự, an toàn; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Để bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an rà soát phạm vi điều chỉnh, các nội dung của hai dự thảo luật - theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Cạnh đó, tiếp thu đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chính phủ thống nhất chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Chính phủ đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét, bổ sung dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Cụ thể là trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm