Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thái Hải

Thứ tư, 31/07/2024 - 17:21

(Thanh tra) - Ngày 31/7, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT) tổ chức hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài khoa học cơ sở “Tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo” do ThS Vũ Đức Hoan, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm.

ThS Vũ Đức Hoan trình bày đề cương nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo chủ nhiệm đề tài, quyền khiếu nại (KN), quyền tố cáo (TC) là những quyền hiến định cơ bản. Điều 30 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền KNTC với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Thông qua thực hiện quyền KNTC và hoạt động giải quyết KNTC, công dân không chỉ thực hiện việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mà qua đó còn góp phần tích cực vào hoạt động quản lý Nhà nước và xã hội. KNTC và hoạt động giải quyết KNTC là những hoạt động nhằm bảo đảm pháp chế, thượng tôn pháp luật trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và của công dân.

Chủ nhiệm đề tài cho rằng, trên thực tế vấn đề KNTC và giải quyết KNTC còn nhiều bất cập. Mặc dù công tác giải quyết KNTC thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực với nhiều vụ việc KNTC kéo dài, phức tạp được giải quyết. Nhìn chung, tình hình KNTC vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Dưới góc độ lý thuyết và thực tiễn pháp lý đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục hoàn thiện pháp luật, trong đó có tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KNTC.

Đối với vấn đề tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KN, chủ nhiệm đề tài cho biết, mặc dù Luật KN đã có quy định về đình chỉ giải quyết KN (Điều 10), nhưng thực tiễn thi hành đã phát sinh các tình huống mà luật chưa dự liệu, khiến công tác giải quyết KN gặp những khó khăn nhất định.

Chẳng hạn người KN, KN quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước. Trong quá trình thụ lý, xác minh KN, cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định hành chính bị KN, nhận thấy quyết định hành chính của mình không đúng quy định của pháp luật nên đã chủ động thu hồi, hủy bỏ quyết định và quyết định này chưa gây thiệt hại cho người KN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Do đối tượng bị KN không còn và chưa gây thiệt hại cho người KN thì người có thẩm quyền giải quyết KN có thể ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết KN và thông báo cho người KN được biết.

Hoặc trường hợp thứ hai, sau khi người có thẩm quyền thụ lý giải quyết KN và giao xác minh KN, nhưng người KN đột nhiên mất tích, không thể liên lạc hoặc người KN vì một lý do nào đó mà không chịu hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết KN hoặc tổ xác minh KN để cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung KN, dẫn đến vụ việc KN không đủ cơ sở để xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, Luật KN tuy đã có quy định về đình chỉ giải quyết KN, nhưng luật và các văn bản hướng dẫn thi hành lại không có các quy định về tạm đình chỉ giải quyết KN. Trong thực tế giải quyết KN, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường gặp phải những trường hợp cần tạm đình chỉ giải quyết vụ việc như có nội dung cần trưng cầu giám định nhưng thời gian giám định kéo dài; vụ việc phải đối thoại, nhưng người KN xin hoãn có lý do chính đáng; trường hợp dịch bệnh, thiên tai dẫn tới không thực hiện được quá trình xác minh giải quyết KN…

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Đối với vấn đề tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết TC, Luật TC 2011 không có quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết TC. Luật TC năm 2018 đã quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết TC. Sau 5 năm thực hiện cần phải có nghiên cứu đánh giá, tổng kết thực tiễn về vấn đề này.

“Tóm lại, trong giải quyết các vụ việc KNTC, đình chỉ và tạm đình chỉ có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, giúp xử lý được những vấn đề đang đặt ra mà hiện tại chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý trực tiếp để điều chỉnh. Do đó, việc nghiên cứu để xác lập cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện pháp luật về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KNTC là rất cần thiết”, chủ nhiệm đề tài cho hay.

Với mục tiêu đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC, đề tài nghiên cứu 3 nội dung chính:

Chương 1: Những vấn đề chung về tạm đình chỉ và đình chỉ trong giải quyết KNTC. Nội dung sẽ nêu các quan niệm, đặc điểm, thẩm quyền, trình tự giải quyết KNTC; quan niệm, căn cứ, thẩm quyền, trình tự và hậu quả pháp lý của tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KNTC.

Chương 2: Pháp luật và thực tiễn tạm đình chỉ, đình chỉ trong hoạt động giải quyết KNTC. Trong nội dung này đề tài triển khai nghiên cứu pháp luật về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KNTC; thực tiễn việc tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KNTC; những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền trong thực hiện tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động giải quyết KNTC.

Chương 3: Quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC. Nội dung đề cập đến dự báo nhu cầu tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KNTC thời gian tới; quan điểm về tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC; giải pháp bảo đảm thực hiện việc tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC (giải pháp về nhận thức, lãnh đạo chỉ đạo, hoàn thiện pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn v.v…).

Góp ý vào nội dung nghiên cứu, các đại biểu cho rằng, đề tài cần gom lại các khái niệm cơ bản tại chương 2. Cũng tại chương 1, theo TS Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT, chủ nhiệm đề tài cần bổ sung vai trò, ý nghĩa của tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC. Đồng thời, cần có sự so sánh giữa tạm đình chỉ và đình chỉ trong giải quyết KNTC.

Đồng quan điểm, ThS Đào Thị Thu Hà, Viện CL&KHTT cũng cho rằng, đề tài bổ sung thêm vai trò, ý nghĩa, mục đích của tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC; so sánh tạm đình chỉ, đình chỉ trong các lĩnh vực khác; bổ sung các trường hợp cần phân định rõ về tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC.

TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT nhấn mạnh: Tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC là quyền của người giải quyết KNTC trong quá trình giải quyết KNTC. Đây được xem là một ngành mới, nên việc nghiên cứu đề tài là cấp thiết.

Để đề tài có tính khả thi, TS Nguyễn Huy Hoàng gợi ý phát triển đề cương theo hướng: Chương 1: mục 1.1 sẽ nghiên cứu các nội dung quan điểm, đặc điểm, vai trò trong giải quyết KNTC; mục 1.2 là thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý trong giải quyết KNTC; mục 1.3 là các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC; mục 1.4 là so sánh với tạm đình chỉ, đình chỉ trong các lĩnh vực khác.

Chương 2, ngoài các nội dung trên, chủ nhiệm đề tài cần bổ sung thêm phân mục đánh giá chung về Luật KN chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn; đánh giá về sự nhận thức của tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết KNTC…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

(Thanh tra) - Đó là phát biểu của Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khi bàn về Luật Giáo dục, nhân ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trà Vân

16:21 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm