Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (1)

Thứ sáu, 04/11/2022 - 12:56

(Thanh tra) - Ngày 3/11, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã ký ban hành quyết định quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Trụ sở Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: https://www.sav.gov.vn/

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trình tự, nội dung công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN và nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với:

1. Các đơn vị trực thuộc KTNN.

2. Các đơn vị được kiểm toán, đơn vị được kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN (trong văn bản này gọi tắt là đơn vị được kiểm toán).

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng được theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

2. Việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN tại đơn vị được kiểm toán chỉ được thực hiện khi có quyết định kiểm tra của cấp có thẩm quyền.

3. Việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN tại đơn vị được kiểm toán thực hiện khi hết thời gian báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Báo cáo kiểm toán và sau khi được đôn đốc bằng văn bản mà đơn vị được kiểm toán không báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN hoặc báo cáo nhưng không cung cấp, cung cấp không đầy đủ bằng chứng, hồ sơ tài liệu hợp pháp, hợp lệ của việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán hoặc kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thấp.

4. Các khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán phát sinh trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải kịp thời được giải quyết theo Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động KTNN của KTNN.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán bao gồm các hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin, đánh giá, đôn đốc, xử lý và báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

2. Cuộc kiểm tra là các hoạt động để kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán theo quyết định kiểm tra của cấp có thẩm quyền; bao gồm các hoạt động từ giai đoạn chuẩn bị kiểm tra, thực hiện kiểm tra, lập, phát hành báo cáo kiểm tra và lưu trữ hồ sơ kiểm tra.

3. Đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra là đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán hoặc đơn vị được Tổng KTNN giao nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

4. Báo cáo kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là văn bản do Trưởng Đoàn kiểm tra lập sau mỗi cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

5. Báo cáo tổng hợp kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là văn bản tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trong một thời kỳ, phạm vi nhất định.

Điều 5. Trách nhiệm của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán

1. Tổ chức thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán.

Định kỳ hàng năm trước ngày 01/3, xây dựng và ban hành Kế hoạch năm về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán gửi Tổng KTNN (đồng thời gửi Vụ Tổng hợp) để theo dõi, quản lý. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán quyết định điều chỉnh Kế hoạch năm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

2. Tổ chức thực hiện giải quyết kiến nghị, khiếu nại đối với kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra theo Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động KTNN của KTNN.

3. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm rà soát, tổng hợp, báo cáo Tổng KTNN về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (qua Vụ Tổng hợp). Báo cáo kết quả phải nêu rõ các kết luận, kiến nghị đã thực hiện; các kết luận, kiến nghị đơn vị báo cáo đã thực hiện nhưng chưa đủ điều kiện xác nhận do còn thiếu bằng chứng, hồ sơ, tài liệu hoặc nguyên nhân khác; kiến nghị chưa thực hiện hoặc đang thực hiện làm cơ sở cho việc:

a) Ghi nhận, cập nhật, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

b) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

4. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo hình thức kiểm tra tại đơn vị, cụ thể:

a) Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch và ban hành quyết định kiểm tra, chịu trách nhiệm trước Tổng KTNN về kế hoạch và quyết định kiểm tra;

b) Tổ chức kiểm tra; lập, thẩm định, phát hành báo cáo kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, chịu trách nhiệm trước Tổng KTNN và pháp luật về báo cáo kiểm tra.

c) Trường hợp qua kiểm tra, nếu phát hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Báo cáo kiểm toán, Thông báo kết quả kiểm toán đã phát hành chưa chính xác, sai sót do tổng hợp sai, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm tổ chức xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (nếu có), trình Tổng KTNN (qua Vụ Tổng hợp thẩm tra) phê duyệt việc đính chính kết luận, kiến nghị kiểm toán trước khi phát hành báo cáo kiểm tra có nội dung đính chính.

d) Trường hợp qua kiểm tra, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, Thủ trưởng đơn vị phải kịp thời báo cáo với Tổng KTNN để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra.

5. Đề xuất các giải pháp tăng cường việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; định kỳ rà soát, đề xuất phương án xử lý đối với các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng, chưa thực hiện.

6. Cập nhật cơ sở dữ liệu về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định về quản lý, sử dụng phần mềm trong hoạt động kiểm toán của KTNN; tổng hợp, báo cáo đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán định kỳ hàng quý trước ngày 20 của tháng cuối mỗi quý; báo cáo năm trước ngày 15/01 năm sau hoặc đột xuất theo yêu cầu của Tổng KTNN.

7. Chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với chứng từ, hồ sơ tài liệu làm bằng chứng xác nhận kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN đã thực hiện. Phối hợp với đơn vị liên quan trong việc xác định nguồn kinh phí được trích lập để lại của KTNN.

8. Phân công bộ phận giúp việc tham mưu giúp Thủ trưởng đơn vị tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị.

Điều 6. Trách nhiệm của Đoàn kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán

1. Phối hợp với đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định tại Điều 5 Quy định này.

2. Trường hợp chuyển đổi vị trí công tác, nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội vẫn phải có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán xem xét, giải quyết đối với các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN (khi có yêu cầu).

Điều 7. Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị trong trường hợp hoán đổi, thay đổi lĩnh vực, địa bàn kiểm toán

1. Khi thay đổi địa bàn, lĩnh vực kiểm toán theo quyết định của Tổng KTNN, đơn vị được giao phụ trách lĩnh vực, địa bàn cũ có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ kiểm toán và việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán thuộc lĩnh vực, địa bàn thay đổi cho đơn vị được giao tiếp quản phụ trách lĩnh vực, địa bàn. Việc bàn giao phải được lập thành văn bản. Các vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến lĩnh vực, địa bàn thay đổi, đơn vị được giao tiếp quản phụ trách lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm xem xét, giải quyết; đơn vị phụ trách lĩnh vực, địa bàn cũ có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

2. Khi hoán đổi có thời hạn địa bàn, lĩnh vực kiểm toán theo quyết định của Tổng KTNN, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thời kỳ hoán đổi có trách nhiệm tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với thời kỳ kiểm toán được hoán đổi và bàn giao hồ sơ kiểm toán, hồ sơ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (nếu có) cho đơn vị phụ trách địa bàn, lĩnh vực. Đơn vị được giao phụ trách địa bàn, lĩnh vực kiểm toán chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiểm toán theo quy định. Các vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến thời kỳ được hoán đổi, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán mới có trách nhiệm xem xét, giải quyết; đơn vị phụ trách lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Điều 8. Trách nhiệm của các đơn vị tham mưu, Trung tâm Tin học

1. Trách nhiệm của Vụ Tổng hợp

a) Chủ trì tổng hợp, theo dõi tiến độ, đôn đốc việc tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định này; tham mưu Tổng KTNN ban hành hướng dẫn về hồ sơ, biểu mẫu theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

b) Phối hợp với đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và Văn phòng KTNN trong việc xác định nguồn kinh phí được trích để lại theo quy định.

c) Phối hợp với đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thực hiện giải quyết kiến nghị, khiếu nại của đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động KTNN.

d) Thẩm tra, trình Tổng KTNN phê duyệt việc điều chỉnh kết luận, kiến nghị kiểm toán trên cơ sở đề nghị của thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 18 Quy định này.

đ) Tổng hợp, lập và trình Tổng KTNN phát hành báo cáo tổng hợp kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán định kỳ, đột xuất theo quy định này.

e) Trong trường hợp cần thiết, tham mưu trình Tổng KTNN thành lập đoàn kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán để tổ chức kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các kết luận, kiến nghị tồn đọng, kiến nghị liên quan đến nhiều báo cáo kiểm toán của nhiều đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; kết luận, kiến nghị với tổ chức, cá nhân liên quan đến Báo cáo kiểm toán.

2. Trách nhiệm của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Thanh tra KTNN

a) Phối hợp với Vụ Tổng hợp và các đơn vị trong việc giải quyết các vấn đề trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (nếu có) liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân công của Tổng KTNN.

b) Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với công tác tổ chức, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế:

Phối hợp với Vụ Tổng hợp và các đơn vị trong việc giải quyết các vấn đề trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (nếu có) liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân công của Tổng KTNN.

4. Trách nhiệm của Trung tâm Tin học

Chịu trách nhiệm xây dựng, thiết lập, chỉnh sửa, quản trị cơ sở dữ liệu về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong việc cập nhật, quản trị cơ sở dữ liệu của các đơn vị và thống nhất với Vụ Tổng hợp trước khi điều chỉnh, xử lý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

(Thanh tra) - Đó là giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra được đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ năm “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, được Hội đồng Khoa học nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Thái Hải

18:05 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm