Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 19/07/2023 - 10:02
(Thanh tra) - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Báo Thanh tra điện tử xin giới thiệu toàn văn quy chế.
Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: https://lawnet.vn/
QUY CHẾ
TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý và quản lý đơn; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát; kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền.
Việc tiếp nhận, xử lý, quản lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Viện kiểm sát; giải quyết đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu không có nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.
2. Quy chế này được áp dụng đối với Viện kiểm sát các cấp.
Điều 2. Các từ ngữ được sử dụng trong Quy chế
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đơn bao gồm: khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu.
2. Đơn thuộc thẩm quyền bao gồm: đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát.
3. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết là đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiến nghị, phản ánh, đề nghị, yêu cầu có nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong trong hoạt động tư pháp mà theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết.
4. Đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết là khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác, nhưng theo quy định của pháp luật Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết.
5. Hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thủ tục phá sản, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, thi hành tạm giữ, tạm giam, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, xem xét quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và việc khác mà pháp luật quy định là hoạt động tư pháp.
6. Khiếu nại trong hoạt động tư pháp là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
7. Tố cáo trong hoạt động tư pháp là việc cá nhân, theo thủ tục do luật quy định, báo cho cơ quan, người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
8. Điều kiện thụ lý đơn là những điều kiện mà pháp luật trong từng lĩnh vực quy định người gửi đơn phải đáp ứng đầy đủ thì đơn mới được thụ lý.
9. Đơn không đủ điều kiện thụ lý là đơn mà tuy đã có đầy đủ các dữ liệu, thông tin cần thiết nhưng theo quy định của pháp luật không đáp ứng điều kiện thụ lý đơn trong từng lĩnh vực.
10. Đơn chưa đủ điều kiện thụ lý là đơn mà theo quy định của pháp luật còn thiếu một hoặc một số dữ liệu, thông tin để đủ điều kiện thụ lý trong từng lĩnh vực.
11. Xử lý đơn là những việc làm cụ thể của Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp hoặc đơn vị nghiệp vụ khác thuộc Viện kiểm sát các cấp đối với những đơn đã được tiếp nhận, bao gồm những việc sau: phân loại đơn; chuyển đơn đến các đơn vị cùng cấp có trách nhiệm trong trường hợp đơn thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp mình; chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền (đồng thời báo tin cho người gửi đơn) hoặc hướng dẫn người gửi đơn trong trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp mình; hướng dẫn hoặc thông báo cho người gửi đơn trong trường hợp đơn chưa đủ hoặc không đủ điều kiện thụ lý.
12. Văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo là văn bản do Viện kiểm sát ban hành khi kết thúc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, bao gồm: quyết định giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thông báo kết quả giải quyết tố cáo; các văn bản khác theo quy định của pháp luật.
13. Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát các cấp.
Chương II
TIẾP CÔNG DÂN
Điều 3. Quy định chung về tiếp công dân
1. Việc tiếp công dân của Viện kiểm sát các cấp phải tuân thủ các quy định của Luật tiếp công dân, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Quy chế này.
2. Nơi tiếp công dân của Viện kiểm sát bao gồm địa điểm tiếp công dân tại trụ sở Viện kiểm sát và nơi làm việc khác do Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp công dân quy định và phải được thông báo công khai hoặc thông báo trước cho người được tiếp.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm:
a) Bố trí địa điểm tiếp công dân ở vị trí thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Địa điểm tiếp công dân phải có biển hiệu, niêm yết nội quy và lịch tiếp công dân.
b) Phân công người tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
4. Người tiếp công dân không được hứa hẹn hoặc thông báo cho công dân nội dung, kết quả giải quyết chưa được kết luận chính thức bằng văn bản.
5. Người tiếp công dân phải mặc trang phục Ngành đúng quy định; việc tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo và tài liệu, chứng cứ liên quan phải cấp giấy biên nhận.
6. Từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật tiếp công dân và quy định của Ngành.
Điều 4. Tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh qua công tác tiếp công dân
1. Khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân có trách nhiệm đón tiếp, yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ, xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày nội dung vụ việc.
2. Nội dung trình bày phải được ghi vào sổ tiếp công dân, gồm: số thứ tự, ngày tiếp, họ tên, địa chỉ của người được tiếp, nội dung sự việc, quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (nếu có); yêu cầu, đề nghị của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tiếp nhận, xử lý vụ việc.
Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu họ ký xác nhận hoặc điểm chỉ; trường hợp nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày bổ sung hoặc bổ sung tài liệu, chứng cứ.
3. Trường hợp trong đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn người gửi đơn viết thành đơn riêng để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị hoặc phản ánh với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
4. Việc xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp nhận qua tiếp công dân được thực hiện theo quy định tại Điều 26, Điều 28 Luật Tiếp công dân và Điều 9 Quy chế này.
Điều 5. Nhiệm vụ tiếp công dân và sự phối hợp của các đơn vị
1. Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên.
2. Nhiệm vụ của các đơn vị nghiệp vụ:
a) Khi được Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thông báo việc tiếp công dân, các đơn vị nghiệp vụ phải cử ngay người có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định; trường hợp vì lý do khách quan mà chưa tiếp được thì phải hẹn ngày tiếp và thông báo cho Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp biết.
b) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu xét thấy cần phải tiếp công dân thì đơn vị có trách nhiệm làm giấy mời công dân và thông báo cho Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp biết.
c) Trực tiếp thông báo kết quả xử lý đơn thuộc trách nhiệm của đơn vị mình khi có yêu cầu của công dân tại nơi tiếp công dân.
3. Các đơn vị nghiệp vụ có trách nhiệm phối hợp trong việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân.
Khi nhận được yêu cầu của lãnh đạo Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan có nhiệm vụ:
a) Cử người có trách nhiệm hoặc trực tiếp tiếp công dân.
b) Cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc theo yêu cầu của người có thẩm quyền.
c) Giải quyết hoặc chỉ đạo việc giải quyết vụ việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Tiếp công dân của Viện trưởng Viện kiểm sát
1. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân theo quy định sau:
a) Định kỳ mỗi tháng trực tiếp tiếp công dân ít nhất 01 ngày đối với các trường hợp:
- Vụ việc đã được giải quyết bằng văn bản có hiệu lực pháp luật nhưng công dân đề nghị kiểm tra lại;
- Vụ việc công dân đã gửi đơn nhiều lần, có dấu hiệu oan, sai, được dư luận quan tâm nhưng chưa được xem xét, giải quyết.
b) Tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp:
- Vụ việc có tính chất gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;
- Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
- Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định tại điểm này.
2. Nhiệm vụ của Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và các đơn vị liên quan trong việc tiếp công dân của Viện trưởng Viện kiểm sát.
a) Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ sau:
- Phối hợp với Văn phòng hoặc bộ phận tham mưu tổng hợp xây dựng kế hoạch tiếp công dân của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình;
- Định kỳ lập danh sách công dân được tiếp để trình Viện trưởng chỉ đạo và gửi các đơn vị liên quan để chuẩn bị nội dung;
- Thực hiện hoặc đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện các yêu cầu của Viện trưởng liên quan đến việc tiếp công dân;
- Ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm tra gửi công dân đối với những vụ việc đã được giải quyết bằng văn bản có hiệu lực pháp luật nhưng thuộc trường hợp cần được kiểm tra lại;
- Tham gia việc tiếp công dân của Viện trưởng; ghi biên bản tiếp công dân;
- Thông báo kết luận hoặc ý kiến chỉ đạo khác của Viện trưởng trong việc tiếp công dân.
b) Các đơn vị liên quan có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc Viện trưởng tiếp công dân theo danh sách do Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp gửi;
- Cử lãnh đạo đơn vị và Kiểm sát viên tham gia việc tiếp công dân của Viện trưởng;
- Thực hiện các yêu cầu của Viện trưởng hoặc đề nghị của Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp liên quan đến việc tiếp công dân.
c) Văn phòng Viện kiểm sát các cấp có nhiệm vụ:
- Đảm bảo an ninh, trật tự; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật chất phục vụ việc tiếp công dân của Viện trưởng;
- Quản lý về công tác thông tin, báo chí liên quan đến việc tiếp công dân của Viện trưởng (nếu có).
3. Các vụ việc sau khi Viện trưởng tiếp công dân được xử lý như sau:
a) Nếu vụ việc do các đơn vị đang thụ lý xem xét, khi có văn bản giải quyết gửi công dân thì phải gửi Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp 01 bản để theo dõi, quản lý chung.
b) Nếu vụ việc đã được giải quyết bằng văn bản có hiệu lực pháp luật nhưng thuộc trường hợp cần được kiểm tra lại, sau khi kết thúc kiểm tra, các đơn vị báo cáo Viện trưởng kết quả kiểm tra bằng văn bản và gửi Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để thông báo cho công dân.
c) Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kết luận hoặc ý kiến chỉ đạo khác của Viện trưởng đối với các vụ việc.
Điều 7. Bảo đảm trật tự, an toàn trong tổ chức tiếp công dân
Văn phòng Viện kiểm sát các cấp phối hợp với cơ quan Công an phụ trách địa bàn nơi tiếp công dân bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh, phòng dịch nơi tiếp công dân; có biện pháp phòng chống cháy nổ theo quy định chung; xử lý kịp thời, kiên quyết các trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tại nơi tiếp công dân.
(Còn nữa)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đó là giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra được đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ năm “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, được Hội đồng Khoa học nghiệm thu xếp loại xuất sắc.
Thái Hải
18:05 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 22/11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.
Nguyễn Điểm
15:57 22/11/2024Trần Quý
13:17 22/11/2024Hải Hà
16:27 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Trần Kiên
PV
PV
Thu Huyền
Văn Thanh
T.Thanh
Bài và ảnh: Quỳnh Mai
Phương Anh
Phương Anh
Trung Hà
Thái Hải