Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quan tâm đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định thanh tra chuyên ngành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng

Thái Hải

Thứ năm, 16/02/2023 - 22:15

(Thanh tra) - Đó là đề nghị của Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm tại cuộc họp với một số cơ quan liên quan đến Nghị định Quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Nghị định) vào chiều 16/2.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

Dự thảo Nghị định xác định đối tượng áp dụng là những cơ quan, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra và thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra.

Đối tượng điều chỉnh gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra tổng cục, cục và tương đương thuộc bộ; Thanh tra Ban Cơ yếu Chính phủ, Chánh Thanh tra Ban Cơ yếu Chính phủ; Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; thanh tra sở, chánh thanh tra sở; trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành; đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan đánh giá cao việc xây dựng các nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhằm góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn và bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: Dự thảo Nghị định đã nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cho Ban Cơ yếu Chính phủ rất đầy đủ trong công tác thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực cơ yếu theo quy định của pháp luật.

Đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ đề xuất Chính phủ có nghị định riêng của Ban Cơ yếu Chính phủ để phù hợp với khoản 3 Điều 50, Luật Thanh tra với tên gọi là “Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra Ban Cơ yếu Chính phủ” .

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan Nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Với vị trí, chức năng và nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của Luật Thanh tra, Dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Điều 8 của Dự thảo Nghị định quy định về vị trí, chức năng của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cơ bản đồng ý với nội dung Dự thảo Nghị định; đồng thời đề xuất, trong khoản 2, Điều 115 Luật Thanh tra 2022 quy định “tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ” cần đưa vào nghị định quy định chi tiết để hướng dẫn cơ quan khác của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập tổ chức thanh tra nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ theo quy định của Chính phủ để giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của mình.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm đề nghị: Với những đề xuất của các cơ quan, đặc biệt là Ban Cơ yếu Chính phủ cần tách ra một nghị định riêng thì cần nêu rõ căn cứ, báo cáo, xin ý kiến của Bộ Tư pháp.

Phó Tổng Thanh tra cũng yêu cầu, các cơ quan liên quan cần quan tâm, giành thời gian tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo để đảm bảo thời gian, chất lượng của nghị định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm