Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Họp ban soạn thảo các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022

Thái Hải

Thứ năm, 09/02/2023 - 16:05

(Thanh tra) - Sáng ngày 9/2, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức họp ban soạn thảo, tổ biên tập các nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022. Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, TTCP được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định Quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

“Việc soạn thảo 2 nghị định này là trách nhiệm của TTCP, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương. Do đó, các thành viên ban soạn thảo cần qua thực tiễn góp ý, xây dựng ý kiến vào dự thảo nghị định, nêu lên những quy định chi tiết mà các điều, khoản chưa được quy định trong Luật Thanh tra 2022”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Tại hội nghị, TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP cho biết, kết cấu của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật bao gồm 9 chương với 66 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thanh tra viên - người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; thanh tra lại; giám định; phong tỏa tài sản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép, hoặc bị thất thoát trong thanh tra; công khai kết luận thanh tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra…

Dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, ông Minh cho biết, gồm 4 chương với tổng số 38 điều.

Tại hội nghị, TTCP công bố quyết định về việc thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Ban Soạn thảo do ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra làm Trưởng ban; ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP làm Phó Trưởng ban gồm 20 thành viên.

Tổ Biên tập Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra do ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP làm Tổ trưởng gồm 19 thành viên. 

Ngoài quy định chung, nghị định quy định về Thanh tra Ban Cơ yếu Chính phủ, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…

Theo ông Đinh Văn Minh, dự thảo các nghị định được xây dựng bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thanh tra, quy định của Luật Thanh tra và những văn bản pháp luật có liên quan như Luật Kiểm toán, Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật;

Đồng thời, quy định chi tiết và đầy đủ những nội dung mà Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành tại Luật Thanh tra và có các quy định cụ thể về biện pháp thi hành luật nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các quy định pháp luật.

Ngoài ra, còn kế thừa những quy định trong các văn bản quy phạm phát luật hiện hành về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành của 2 Nghị định rất quan trọng, nên cần thiết phải rà soát lại những vấn đề nào cần hướng dẫn.

Các đại biểu đề xuất một số nội dung mà các bộ, ngành đang lúng túng cần phải hướng dẫn cụ thể trong các Nghị định như: Vấn đề tổ chức, vấn đề thuộc thanh tra chuyên ngành, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra;

Việc thanh tra chuyên ngành theo quy trình mà phù hợp với ngành, vấn đề này cần hướng dẫn lại là do Chính phủ quy định hay Chính phủ đưa vào nghị định và giao các bộ trưởng quy định; việc phối hợp cơ quan điều tra, kê biên tài sản…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Thanh tra đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, yêu cầu công tác xây dựng Nghị định phải có cơ cấu, bố cục hợp lý; nội dung khả thi, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo Phó Tổng Thanh tra, nghị định phải góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn công tác thanh tra; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tạo thuận lợi cho việc thực hiện quyền của người tiến hành thanh tra nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Cùng với đó là bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Phó Tổng Thanh tra đề nghị, ban soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ, tổ chức họp, lấy ý kiến theo tuần và đảm bảo chất lượng để cuối tháng 5 có thể trình Chính phủ ký ban hành và sẽ có hiệu lực từ 01/7/2023 cùng với Luật Thanh tra 2022.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm