Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Huyền Thu

Thứ ba, 02/04/2024 - 10:27

(Thanh tra) - Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự quan tâm của quần chúng nhân dân. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật này là đề xuất mở rộng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và linh hoạt mức đóng BHTN.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung ba nhóm đối tượng tham gia BHTN. Ảnh minh hoạ

Thêm đối tượng tham gia BHTN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Việc làm hiện nay đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập. Trong đó, đối tượng tham gia BHTN theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Chính sách BHTN  chưa thực sự gắn với thị trường lao động; một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng BHTN  không còn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Do đó, trong dự thảo Tờ trình dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng thêm ba nhóm đối tượng tham gia BHTN.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH ban hành ngày 23/5/2018 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 28) đặt ra mục tiêu phấn đấu là đến năm 2030, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN .

Trong giai đoạn 2015-2023, số người tham gia BHTN  tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm). Đến năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động lao động trong độ tuổi. Do đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là một thách thức lớn.

Theo Luật Việc làm hiện hành, đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN. Đây cũng là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.

Trong năm 2023, có hơn 1,1 triệu người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Con số này tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 1 triệu người có quyết định hưởng chế độ này.

Do đó, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung ba nhóm đối tượng sau tham gia BHTN .

Thứ nhất là NLĐ có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.

Thứ hai là người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Thứ ba là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Linh hoạt mức đóng BHTN

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này cũng đề xuất việc linh hoạt mức đóng BHTN.

Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW đều nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động.

Luật Việc làm hiện nay quy định mức đóng BHTN của NLĐ và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa bảo đảm tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng BHTN, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi Quỹ kết dư lớn.

Thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN.

Chính sách này đã hỗ trợ hơn 346 nghìn đơn vị với gần 12 triệu lao động giảm đóng BHTN khoảng 9.211 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ gần 13 triệu lao động với số tiền hơn 30,8 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 đã hỗ trợ đối với 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng.

Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi mức đóng BHTN theo hướng: NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐđang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm