Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Liêm chính là phẩm chất hàng đầu

Thứ hai, 11/02/2019 - 08:12

(Thanh tra)- Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập đến Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán nhằm tăng cường tính liêm chính. Bởi theo ông, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, ban hành Bộ quy tắc ứng xử, hướng đến xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp, liêm chính có kiến thức pháp luật, có kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: TV

“Chúng tôi bỏ vành móng ngựa”

Thưa ông, thời gian vừa qua, dưới góc nhìn cải cách tư pháp,  ngành Tòa án đã có nhiều đổi mới mang lại hiệu quả nhất định được người dân và dư luận ghi nhận, vậy ông có thể cho biết những nét cơ bản của những đổi mới này?

Ông Nguyễn Hòa BìnhTừ đầu nhiệm kỳ tới nay, trong tiến trình cải cách tư pháp thì tòa án đã triển khai rất nhiều giải pháp đổi mới và tất cả các giải pháp đó đều hướng đến mục tiêu là phải đảm bảo cho hoạt động của tòa án và tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền con người, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhất là các chức danh tư pháp, cái đích cuối cùng chính là nâng cao chất lượng xét xử đáp ứng yêu cầu của người dân, của pháp luật của Hiến pháp. Hướng đến mục tiêu như vậy thì rất nhiều giải pháp đã được chúng tôi triển khai.

Việc đầu tiên là chúng tôi đã triển khai đổi mới hoạt động của tòa án để đảm bảo thực thi nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, đây là một nguyên tắc đã được Hiến định và cũng đã được ghi trong các đạo luật. Với việc thực hiện các nguyên tắc tranh tụng thì ngày càng xuất hiện nhiều vụ án có tranh tụng, theo đó hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian tranh tụng. Và tất cả nội dung của quá trình tranh tụng thì đều phải được giải quyết đến cùng và được ghi nhận trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử tuyên án, quyết định trên cơ sở kiểm tra chứng cứ công khai tại tòa và kết quả của quá trình tranh tụng. Vì thế cho nên rất nhiều vụ án mà xã hội quan tâm như các vụ tham nhũng kinh tế lớn thì tinh thần tranh tụng đã thể hiện rất rõ và ngày càng nhiều.

Đổi mới thứ hai là chúng tôi công khai các bản án và các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án trên cổng thông tin điện tử, việc này đối với thế giới không phải mới, nhiều nước áp dụng rồi nhưng chúng ta thì lần đầu tiên làm (bắt đầu từ tháng 1/2017). Cho đến nay, chúng tôi đã công bố hơn 150 nghìn bản án và các quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Sự quan tâm của dư luận đối với các bản án được công khai này cũng rất mạnh. Có tới hơn 7 triệu lượt người truy cập vào cổng thông tin điện tử của tòa án để nghiên cứu các bản án này.

Đổi mới thứ 3 là chúng tôi đã triển khai mô hình phòng xét xử mới theo quy định của luật và việc triển khai như thế này thì nó thể hiện tính nhân đạo của nền tư pháp có tranh tụng. Theo đó, chúng tôi đã bỏ vành móng ngựa. Vì theo quy định của luật thì một người chỉ được xem là có tội khi bản án của tòa có hiệu lực, cho nên cái vành móng ngựa không còn thích hợp theo quy định mới của luật nữa.

Và cái vành móng ngựa này đã được thay thế bằng bục khai báo. Chúng tôi cũng đã bố trí chỗ ngồi của luật sư và chỗ ngồi của viện kiểm sát trên cùng một mặt phẳng thể hiện một tinh thần tranh tụng bình đẳng, ngang nhau. Chúng tôi cũng bố trí khu vực cho các cơ quan tiến hành tố tụng rộng hơn, có dải ngăn cách để thể hiện một phòng xét xử nghiêm túc, trang trọng...

Với đổi mới hình thức như thế này cũng đã được dư luận đánh giá rất cao, và nó không chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức mà nó còn chứa đựng trong đó ý nghĩa về nội dung của hình thức tranh tụng.

Thứ tư là chúng tôi đã thành lập lại cái hệ thống tòa chuyên trách, trong đó có thành lập tòa gia đình và vị thành niên. Song song với đó là triển khai phòng xét xử thân thiện để xét xử các vụ án hôn nhân, gia đình và các vụ án có đương sự là vị thành niên. Phòng xét xử như vậy, thể hiện tính nhân đạo với người phạm tội là vị thành niên và nó phù hợp với đặc thù các vụ án xét xử những vụ án hôn nhân.

Một thời gian dài chúng ta đã xử dụng phòng xét xử hình sự để xét xử các vụ án hôn nhân thì cái này là không phù hợp, vì nói cho cùng khi vợ chồng chia tay cũng phải chia tay trong thân thiện chứ không đối xử như người bị tình nghi. Trong bối cảnh số lượng vụ án hôn nhân gia đình trong tổng số vụ án hàng năm chiếm tới 40% thì việc triển khai xét xử thân thiện này là đòi hỏi của cuộc sống, đòi hỏi của luật và nó thể hiện cái tinh thần nhân văn.

Một trong những bước đổi mới mà được dư luận, người dân quan tâm thời gian qua đó là chúng tôi đã xây dựng lại các phần mềm cổng thông tin điện tử của tòa án cấp cao và tòa án các tỉnh, cho phép việc tiếp cận đơn thư khởi kiện của người dân qua hệ thống cổng thông tin điện tử. Đây là bước đổi mới rất tiến bộ, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, điều này cũng là áp lực rất lớn đối với ngành Tòa án.

Ban hành Bộ quy tắc đạo đức

+ Áp dụng nhiều phương thức đổi mới như vậy trong bối cảnh không được phát sinh bộ máy phải giảm biên chế, vậy ngành Tòa án có giải pháp như thế nào để khắc phục điều này?

Ông Nguyễn Hòa BìnhCó thể nói, công việc của tòa án là tăng lên cùng năm tháng. Năm 2012 hệ thống tòa án các cấp xử lý 230 nghìn vụ án, tổng kết năm 2018, chúng tôi phải thụ lý là 540 nghìn vụ.

Như vậy, sau 6 năm, số lượng vụ việc tăng lên gấp đôi, điều này cũng phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Vì vi phạm và tội phạm tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và quy mô phát triển nền kinh tế. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập thì lượng vụ việc tăng lên, tính chất  phức tạp hơn và nhất là có yếu tố nước ngoài ở trong này... Đây là một áp lực cho đội ngũ thẩm phán.

Trong điều kiện như vậy, chúng tôi vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ nên không có cách nào khác là phải tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho anh em, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả năng suất lao động, rồi cũng tìm kiếm những biện pháp khác để giảm tải cho thẩm phán, trong đó việc tăng cường hòa giải, đối thoại trong các vụ án dân sự và hành chính là một trong những giải pháp căn cơ...

Theo đó, chúng tôi cũng đã tiến hành thí điểm hòa giải tại TP Hải Phòng. Kết quả là 76% các vụ việc tranh chấp đã được giải quyết bằng hòa giải và cái này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu ứng tích cực khi triển khai trên toàn quốc.

Trên cơ sở thành công ở Hải Phòng chúng tôi đang triển khai thí điểm tại 16 địa phương nhất là các địa phương có quy mô tính chất vụ án lớn và phức tạp như: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng...

Có thể nói, việc hòa giải được xem là giải pháp căn cơ để ta có thể giải quyết tranh chấp, bất đồng trong xã hội một cách thân thiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội làm cơ sở để giữ gìn  đại đoàn kết trong dân, giữ gìn an ninh trật tự.

Được biết, Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia mới ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán nhằm tăng cường liêm chính, vậy quan điểm của ông về liêm chính trong hoạt động tư pháp và làm thế nào để Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán đi vào thực tiễn một cách hiệu quả?

- Ông Nguyễn Hòa BìnhBên cạnh kết quả của việc đổi mới mang lại trong hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử nói riêng, cũng còn những cán bộ tư pháp kể cả thẩm phán có những vi phạm, suy thoái về đạo đức phẩm chất để cho chất lượng xét xử giảm, tạo sự băn khoăn nghi ngờ trong người dân.

Việc này không nhiều nhưng vẫn còn. Cùng với giải pháp về đào tạo về thi tuyển về kỷ cương, kỷ luật, chúng tôi cũng hướng đến mục tiêu là xây dựng chất lượng đạo đức của thẩm phán. Và cái hướng đến của chúng tôi là làm sao để xây dựng đội ngũ thẩm phán liêm chính. Bên cạnh đề cao kỷ cương, kỷ luật thì chúng tôi cũng đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.

Bộ quy tắc này do Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia ban hành trên cơ sở tham khảo các bộ quy tắc của nhiều nước đặc biệt là bộ quy tắc Bangalo của Liên hợp quốc. Trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán thì liêm chính là một trong những phẩm chất hàng đầu được đề cập. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, ban hành bộ quy tắc ứng xử thì cũng hướng đến xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp, liêm chính có kiến thức pháp luật, có kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ thì đấy là mục tiêu của bộ quy tắc. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng về xây dựng chỉnh đốn đảng nên chúng tôi cũng đã ban hành quy định xử lý trách nhiệm đối với các thẩm phán khi để xảy ra sai sót do lỗi chủ quan những bản án sai, phải sửa do lỗi chủ quan thì phải chịu hậu quả là dừng bổ nhiệm, không phân công công tác chuyển đổi vị trí.

Trà Vân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm