Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không thể để người dân phải đi tìm “ông nào”giải quyết bồi thường

Thứ sáu, 08/01/2016 - 06:30

(Thanh tra)- Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) ngày 7/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: “Đây là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhà nước chỉ có một, còn “ông nào” đại diện để giải quyết bồi thường thì phải quy định rõ, không thể để người dân cứ phải đi tìm”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, quy trình thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước khá phức tạp, rườm rà, vòng vèo. Ảnh: TN

Thủ tục rườm rà, vòng vèo

+ Sau 6 năm thực hiện Luật TNBTCNN, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được ?

- So với trước đây, Luật TNBTCNN sau 6 năm thực hiện là một bước tiến dài và đã đi vào cuộc sống, đem lại những dấu ấn. Số lượng đã thụ lý, giải quyết khá nhiều với 258 vụ việc. Mục tiêu ban hành luật đã bước đầu đạt được.

Đầu tiên là nâng cao hiệu quả thi hành công vụ, trách nhiệm của cán bộ công chức trong thi hành công vụ, phải hiểu rất rõ rằng nếu làm sai, Nhà nước phải bồi thường và mình phải có trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Nhà nước giải quyết các yêu cầu của người dân khi xảy ra oan sai và người dân cũng hiểu được họ có quyền được bồi thường.

+ Nhưng số vụ việc chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực thi pháp luật và chế độ công vụ của công chức. Phải chăng do trình tự, thủ tục rườm rà hay do cơ quan Nhà nước cố tình kéo dài?

- Cả hai vế của vấn đề này đều tồn tại, mà trong hội nghị lần này đã mổ xẻ. Quy trình thủ tục khá phức tạp, rất dài từ nghĩa vụ chứng minh đến thời hạn để giải quyết. Trong một số trường hợp thì né tránh trách nhiệm, rõ nhất là trong các vụ liên quan đến tố tụng. Một vụ việc như vậy đi qua rất nhiều bước, nhiều cấp tố tụng khác nhau, làm thế nào để phân biệt được trách nhiệm, luật đã quy định rồi nhưng không phải lúc nào cũng rõ được nên các cơ quan đôi khi né tránh. Hơn nữa, từ khi có quyết định bồi thường oan sai đến khi người dân nhận được tiền, quy trình thủ tục rất rườm rà, vòng vèo.

Nhà nước phải đứng ra bồi thường đầy đủ cho người dân

+ Bộ Tư pháp có tính đến việc phân định rõ trách nhiệm để lấy tiền bồi thường từ “túi” cán bộ làm sai, hay lại vẫn lấy từ ngân sách Nhà nước?

- Tôi nghĩ rằng, đây là trách nhiệm của Nhà nước và Nhà nước phải đứng ra để làm sao bồi thường đầy đủ cho người dân. Còn trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi công vụ sai đến đâu xử lý theo quy đinh của pháp luật đến đó.

Hiện nay, Luật TNBTCNN đã quy định xử lý cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm dẫn đến Nhà nước phải bồi thường nhưng chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh. Như báo cáo đã mổ xẻ, bồi thường thì cả trăm tỷ nhưng hoàn trả chỉ rơi vào mấy trăm triệu thôi, một số lượng rất nhỏ. Điều này không có nghĩa khi sửa luật sẽ bắt hoàn trả 100% vì có thể làm cho cán bộ, công chức không dám đưa ra quyết định đúng do quá e ngại phải bồi thường. Nhưng tôi cho rằng, phải xây dựng một mức hoàn trả để đủ mức răn đe cũng là điều kiện quan trọng. Ngoài ra, còn rất nhiều biện pháp khác cần đưa vào luật khi sửa đổi.

+ Một trong giải pháp gây chú ý là đề xuất chuyển mô hình cơ quan giải quyết bồi thường từ phân tán sang tập trung. Ông nghĩ gì về điều này?

- Do cơ chế hiện nay nên có rất nhiều vụ việc người dân không biết đến đâu để đưa yêu cầu bồi thường. Chúng ta thấy rất rõ rằng, đây là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà Nhà nước chỉ có một. “Ông nào” đại diện để giải quyết bồi thường thì phải rất rõ, không thể để người dân phải đi tìm “ông nào” để đưa yêu cầu bồi thường.

Chúng tôi cũng cảm nhận được, nếu đặt giải quyết bồi thường theo mô hình phân tán như hiện nay, người dân cứ phải đến cơ quan làm sai, bỏ tù mình thì tâm lý rất không thoải mái. Trong lòng họ có khi còn rất thù hận nên thương thuyết cũng không đạt được kết quả như mong muốn.

Mặt nữa, công chức ra quyết định sai dù vô ý hay cố ý, giờ phải ngồi vào vị trí bị đơn cũng không hay, hình ảnh của Nhà nước không hay. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy nên đi theo mô hình một đầu mối để khi người dân có oan sai thì chỉ cần đến cơ quan đó sẽ được giải quyết thì hiệu quả hơn.

+ Trong quá trình thực hiện luật, người dân cũng không hài lòng về thái độ của các cơ quan giải quyết bồi thường?

- Bộ Tư pháp cũng nhận ra tình trạng này, nhưng hiện nay luật đang đi theo mô hình phân tán, trải dài, trải rộng cho các cơ quan bộ, ngành, địa phương nên cũng không làm gì khác được. Bộ Tư pháp không phải không có trách nhiệm là chỉ có trách nhiệm đôn đốc, thống kê và hỗ trợ cho người dân khi họ không biết đến đâu để được giải quyết. Nếu được mô hình tập trung thì mọi thứ sẽ rất rõ ràng, còn nếu không thay đổi thì rất khó.

+ Không chỉ vậy, việc xin lỗi người bị thiệt hại do oan sai cũng rất hình thức?

- Tinh thần chung là sẽ quy định trình tự, thủ tục, cách thức đầy đủ khi sửa luật. Xin lỗi phải trang nghiêm, phải thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm của Nhà nước. Còn nếu đúng như báo chí phản ánh vừa rồi là tù oan bao nhiêu năm mà xin lỗi chỉ mấy phút thì quá hình thức.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bồi thường hơn 111 tỷ đồng, hoàn trả chỉ hơn 676 triệu đồng

Từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, đã giải quyết được 204 vụ việc với tổng số tiền bồi thường hơn 111,1 tỷ đồng, còn lại 54 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Trong đó, đã bồi thường xong cho ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) gần 23 tỷ đồng; ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hơn 7,2 tỷ đồng…

Đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện, TAND giải quyết xong 39 vụ việc, với số tiền hơn 32,5 tỷ đồng, còn 12 vụ việc đang giải quyết. Cũng trong 6 năm, số lượng vụ việc đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả chỉ 22 vụ việc với tổng số tiền hơn 676,7 triệu đồng.

 

Thảo Nguyên (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm