Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Không có chế độ tốt, công an bán chuyên trách sẽ làm đơn xin nghỉ hàng loạt”

Hương Giang

Thứ năm, 12/11/2020 - 17:09

(Thanh tra) - “Nếu không có chế độ chính sách tốt, sắp tới công an bán chuyên trách sẽ làm đơn xin nghỉ hàng loạt. Hiện rất nhiều đồng chí đang xin nghỉ, chúng tôi vẫn để đơn đó, chưa giải quyết và đang cố gắng động viên”, đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải nói.

Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải. Ảnh: TN

Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo dự thảo luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm: Bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã, thị trấn bán chuyên trách.

Công an bán chuyên trách có dấu hiệu “mai một dần”

Nêu ý kiến, đại biểu Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội bày tỏ quan điểm cần thiết ban hành luật này.

“Trước hết là thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, củng cố lực lượng an ninh cơ sở, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đồng thời rà soát, tinh giản biên chế, ngân sách, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự cơ sở”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, sau khi Bộ Công an triển khai lực lượng chính quy xuống xã, lực lượng công an bán chuyên trách có dấu hiệu “mai một dần”.

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đưa ra con số, trong tổng 126 nghìn cán bộ công an xã bán chính quy trước kia nay đã giảm xuống chỉ còn 1/4. Như ở Hà Nội, sau khi triển khai 2.500 cán bộ chính quy xuống 383 xã, thì hơn 5.500 cán bộ công xã đã giảm hơn 25%, tức giảm 1/4 lực lượng.

Một trong những nguyên nhân được ông Hải đưa ra là do phụ cấp cho lực lượng công an xã bán chính quy rất thấp, chỉ hơn 1 triệu đồng, cộng cả khoản xã, phường cho thêm thì mỗi tháng có khoảng 2 triệu đồng.

“Nếu không có chế độ chính sách tốt, sắp tới công an bán chuyên trách sẽ làm đơn xin nghỉ hàng loạt. Hiện rất nhiều đồng chí đang xin nghỉ, chúng tôi vẫn để đơn đó, chưa giải quyết và đang cố gắng động viên”, ông Hải thông tin.

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho hay, bản thân ông từng làm trọng án nhiều năm nên biết, khi xuống địa bàn trưởng, phó công an xã trả lời “vanh vách” từng trường hợp con nhà ai, đi đâu, làm gì… nhưng công an chính quy thì chịu vì toàn là người nơi khác về nên không nắm được ngọn ngành.

“Nếu không có lực lượng này, chúng tôi sẽ thất bại trong việc đảm bảo an ninh trật tự cơ sở”, ông Hải nhấn mạnh một lần nữa sự cần thiết ban hành luật này.

Từ thực tế tiếp xúc cử tri, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, nếu an ninh trật tự cơ sở không được đảm bảo sẽ tác động đến an ninh trật tự nói chung.

Còn về trợ cấp, phụ cấp, ông Huệ đồng tình hiện đang rất thấp, cần tăng lương, nâng hệ số dần lên cho cán bộ chuyên trách cơ sở.

Song theo Bí thư Hà Nội, phải khuyến khích 1 người kiêm vài việc, chứ không chỉ 1 việc được vì khi kiêm nhiệm lương sẽ cao hơn. Ngoài ra, địa phương nào có điều kiện ngân sách cũng có thể chi trả cao hơn.

Không phải có luật này để sinh ra lực lượng mới

Cũng ủng hộ cần thiết ban hành luật, song Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng băn khoăn: Có tăng biên chế không? Bộ máy có cồng kềnh hơn không? Kinh phí từ ngân sách Nhà nước có phải chi thêm không?

Dù báo cáo đánh giá của Ban Soạn thảo là lực lượng này ra đời có thể giảm ngân sách, ông Dũng vẫn cảm giác “viết để an lòng đại biểu thôi chứ không thể giảm được”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: TN

Là người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích, thực tế lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang tồn tại và hoạt động ở địa phương chứ không phải có luật này để sinh ra lực lượng mới.

Theo Đại tướng, ban hành luật này là “đòi hỏi thực tiễn”. Còn những chi phí có thể phát sinh thêm thì vẫn lo lắng nhưng không ảnh hưởng việc luật này ra đời. Ông cũng nhấn mạnh, lực lượng này rất quan trọng, huy động sức mạnh nhân dân.

“Đây là nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, không có lực lượng này rất khó khăn”, Bộ trưởng nói và cho rằng, luật này ra đời không ảnh hưởng hoạt động của các mô hình, phong trào khác.

Bộ trưởng cho biết, lực lượng công an xã bán chuyên trách hiện nay chưa phải kết thúc nhiệm vụ khi có lực lượng chính quy xuống xã, hiểu vậy là sai. Lực lượng này vẫn phải theo Pháp lệnh Công an xã và pháp lệnh chỉ hết hiệu lực khi có Luật Trật tự trị an cơ sở.

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về việc luật này ra đời có làm cơ sở vật chất, trụ sở làm việc tăng lên không, Bộ trưởng thông tin, khi Luật Công an nhân dân chưa ra đời, nhiều tỉnh đã chủ động đầu tư xây dựng trụ sở công an xã khang trang như ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

“Các địa phương đều nói việc ổn định an ninh trật tự, ổn định xã hội là tiền đề cho phát triển, không thể để mất trật tự, thì chủ động với việc đó, chúng tôi rất mừng”, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ.

Nhấn mạnh điều kiện cơ sở vật chất nhiều nơi vẫn còn rất khó khăn, Đại tướng nói, phương châm của công an vẫn là “dựa vào nhân dân, thậm chí ăn ở nhờ nhà dân”.

“Khi chúng ta chưa có chính quyền còn làm được việc đó. Giờ có chính quyền rồi mà đòi hỏi có nhà ở, trụ sở đàng hoàng mới xuống làm việc thì sai với đường lối chung của chúng ta”, Bộ trưởng Công an nói và cho rằng, khi ngân sách địa phương chưa thể thu xếp được thì chưa cần quy định vấn đề này trong dự án luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm