Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần: Doanh nghiệp lo lắng

Thứ hai, 09/09/2019 - 17:47

(Thanh tra) - Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng nếu giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần như Dự thảo Luật Lao động sửa đổi sẽ khiến năng suất lao động giảm, tăng chi phí.

Các doanh nghiệp lo ngại tăng chi phí nếu giảm giờ lao động. Ảnh minh họa: Thanh Lương

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Hiệp hội CB&XKTS VN) vừa có ý kiến về Dự thảo Luật Lao động sửa đổi đang tiếp tục được lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua luật này trong tháng 10/2019. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong nội dung dự thảo này có đề nghị giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần.

Hiệp hội CB&XKTS VN đã gửi công văn tới Cục An toàn lao động đề nghị Bộ LĐTB&XH giữ nguyên số giờ làm việc trong Bộ luật Lao động sửa đổi là 48 giờ trên tuần.

Theo Hiệp hội CB&XKTS VN, nếu giảm từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần, các doanh nghiệp sẽ phải tăng thêm chi phí cho 4 giờ/tuần từ thời gian làm việc bình thường sang trả lương theo giờ làm thêm tối thiểu 150%; 200%; 300% đơn giá tùy theo ngày làm thêm. Đối với 1 doanh nghiệp quy mô 2.000 lao động sẽ phải trả thêm khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Vấn đề quy định về giờ làm việc đối với người lao động tại các doanh nghiệp lâu nay luôn xảy ra nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng việc các cơ quan hành chính nghỉ chiều thứ bảy trong khi các lao động các doanh nghiệp tư phải làm chiều thứ bảy là không công bằng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phải căn cứ vào đặc thù công việc của mỗi ngành nghề.

Bà Phạm Thanh Nga, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Truyền thông Gia Hân cho biết: “Thực tế cho thấy, các nước có thu nhập cao có khuynh hướng quy định giờ làm việc tiêu chuẩn thấp hơn so với các nước có thu nhập trung bình và thấp. Nhiều nước ở khu vực châu Á, Đông Nam Á vẫn duy trì thời gian làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần. Trong khi đó, Việt Nam có trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người đang ở mức trung bình thấp nên thời gian làm việc tiêu chuẩn 48 giờ/tuần là hợp lý. Hiện nay, ở nhiều công ty, nếu người sử dụng lao động không cho lao động tăng ca, làm thêm, chắc chắn lao động sẽ chuyển sang công ty khác”.

Bà Nga nói thêm, giờ làm việc lại giảm xuống khiến chi phí cho tiền lương, tiền công lao động càng tăng cao, gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam và càng khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp sụt giảm nhiều so với nước khác.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Mạnh nói rằng việc giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất. Bởi thời gian làm việc còn liên quan đến tiến độ giao hàng. 

“Ví dụ, công ty tôi có 200 công nhân. Trước đây nhận công trình lớn khoảng 1 tháng làm xong. Nếu hạ giờ lao động tiêu chuẩn, thời gian hoàn thành sẽ phải tăng thêm 1 tuần. Như vậy, doanh nghiệp vẫn mất thêm chi phí trong 1 tuần đó. Nếu muốn nhanh phải tuyển thêm lao động và tăng thêm chi phí. Đây là điều mà các nhà làm luật, hoạch định chính sách nên xem xét kỹ lưỡng”, ông Mạnh nói.

Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo Luật còn một số quy định mà các doanh nghiệp cho rằng gây cản trở, thậm chí "khóa chân" doanh nghiệp. Điển hình, quy định điều chỉnh giờ làm ngày thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần... Tính ra một năm giảm đến 220 giờ, điều này thực sự không hợp lý với doanh nghiệp.

Thanh Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm