Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giám định trong hoạt động thanh tra

Thái Hải

Thứ sáu, 08/01/2021 - 22:31

(Thanh tra) - Là đề tài khoa học cấp bộ của ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Thông tin, Tư liệu và Thư viện được Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT) tổ chức họp phê duyệt thuyết minh theo kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2021 của Thanh tra Chính phủ.

Toàn cảnh hội nghị thuyết minh đề tài. Ảnh: TH

Theo ThS. Lê Đức Trung, giám định là hoạt động chuyên môn do chuyên gia hay một tổ chức thực hiện, nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ việc hay vụ án có tính chất phức tạp, kéo dài. Cơ quan, người có thẩm quyền được pháp luật quy định có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm thu thập chứng cứ và một trong những biện pháp đó là trưng cầu giám định.

Luật Thanh tra hiện hành quy định người ra quyết định thanh tra có quyền trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra, nhưng pháp luật về thanh tra lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục,trách nhiệm của các bên trưng cầu và thực hiện giám định cũng như xác định tổ chức, cá nhân thực hiện giám định. Vì vậy, việc trưng cầu giám định phục vụ cho hoạt động thanh tra gặp nhiều khó khăn.

Thực tiễn thực hiện việc trưng cầu giám định làm cơ sở đánh giá, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phát hiện trong hoạt động thanh tra hiện nay còn nhiều tồn tại, vướng mắc như: Chưa làm rõ về điều kiện, chủ thể, trình tự thủ tục, thời gian giám định, trách nhiệm của các bên trưng cầu giám định… Chưa làm rõ xung đột về kết quả giám định, giá trị pháp lý của kết luận giám định; công tác giám định trong hoạt động thanh tra chưa được nhận thức đầy đủ, thực hiện thống nhất và chưa được đề cao trong ngành Thanh tra.

Nhiều quy định về giám định, giám định tư pháp trong Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Tố cáo năm 2018, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015… chưa thống nhất, khó áp dụng, làm cản trở hiệu quả hoạt động thanh tra…

“Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, một trong những giải pháp quan trọng là cần nâng cao hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra. Xuất phát từ những lý do trên, đồng thời, tính đến thời điểm hiện nay, chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện về giám định trong hoạt động thanh tra, vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Giám định trong hoạt động thanh tra” là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay” - ThS. Lê Đức Trung nhấn mạnh.

Đề tài dự kiến nghiên cứu những nội dung chính như sau: Cơ sở lý luận về giám định trong hoạt động thanh tra; thực trạng giám định trong hoạt động thanh tra; quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra.

Trong phần nhận xét, TS. Nguyễn Văn Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng: Về tính cấp thiết, vấn đề giám định trong hoạt động thanh tra còn nhiều vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn, chưa có nhiều công trình nghiên cứu sâu về vấn đề này nên đây là vấn đề cần thiết để triển khai nghiên cứu.

Về nội dung nghiên cứu: Phần lý luận, việc nghiên cứu về “những kinh nghiệm quốc tế về giám định trong hoạt động thanh tra” và “những yếu tố tác động đến giám định trong hoạt động thanh tra” như đề tài đưa ra là rất khó, do đó, Ban Chủ nhiệm đề tài nên cân nhắc, điều chỉnh lại nội dung này.

Phần thực trạng, ông Tuấn chia sẻ những khó khăn trong một số hoạt động thanh tra có yêu cầu sử dụng hoạt động giám định như Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Công ty Cổ phần AVG… Qua đó, Ban Chủ nhiệm đề tài có thể tham khảo để đánh giá thực trạng việc giám định trong hoạt động thanh tra.

Phần giải pháp, đề tài cần chia thành hai nhóm giải pháp: Quan điểm giải pháp hoàn thiện pháp luật giám định trong hoạt động thanh tra và nâng cao hiệu quả sử dụng kết quả giám định trong hoạt động thanh tra.

Theo ThS. Văn Tiến Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tổng hợp cho rằng, Đề tài có tính cấp thiết, tuy nhiên cần khuôn lại cho gọn hơn về mặt pháp luật và thực tiễn được đưa ra trong thuyết minh.

Về nội dung nghiên cứu: Phần lý luận, thuyết minh cần làm rõ ý nghĩa vai trò của giám định và các cơ sở pháp lý liên quan đến việc giám định. “Yếu tố tác động đến giám định trong hoạt động thanh tra” nên điều chỉnh lại thành “yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra”. Phần thực trạng, thông tin, số liệu về giám định trong hoạt động thanh tra là không nhiều, do đó, đề tài sẽ gặp khó khăn nhất định khi trong triển khai thực tiễn. Đề tài có thể đánh giá số liệu từ các bộ, ngành… để làm căn cứ đưa ra những nhận định cụ thể hơn. Phần giải pháp, đề tài bổ sung thêm các giải pháp cụ thể về tổ chức, trình tự, thủ tục… giám định trong hoạt động thanh tra.

Nhất trí với các ý kiến đã nêu, TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài có tính thực tiễn cao và việc triển khai nghiên cứu đề tài là cần thiết. Tuy nhiên, về nội dung nghiên cứu, cần bổ sung cho sâu sắc thêm những nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra; làm rõ thêm nội dung thẩm quyền trưng cầu giám định và việc sử dụng kết quả giám định trong hoạt động thanh tra.

Thay mặt Hội đồng, TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng, Viện CL&KHTT cũng cho rằng, đề tài có tính cấp thiết, về mục tiêu nghiên cứu. Đề tài cần sửa mục tiêu thành “hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực tiễn công tác giám định trong hoạt động thanh tra”; bổ sung thực tiễn trưng cầu và sử dụng kết quả giám định trong hoạt động thanh tra.

Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, khi nghiên cứu vấn đề này, phạm vi đề tài cần mở rộng sang thanh tra chuyên ngành để có thêm nhiều số liệu phân tích các nội dung nghiên cứu. Về nội dung nghiên cứu: Phần lý luận phải làm rõ khái niệm về giám định, đặc trưng của giám định; đối tượng, nội dung, chủ thể giám định, giá trị pháp lý của giám định; giám định trong ngành và ngoài ngành, xung đột lợi ích trong giám định… Phần thực trạng, đề tài cần mở rộng thêm, không chỉ là giám định mà cần bổ sung việc sử dụng kết quả trưng cầu giám định. Phần quan điểm và giải pháp cần chi tiết hơn trên các phương diện đã phân tích nêu trên.

Kết thúc buổi họp, với những nội dung nghiên cứu được đưa ra, thống nhất phê duyệt thuyết minh đề tài, Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến, hoàn thiện thuyết minh để triển khai nghiên cứu trong năm 2021-2022.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm