Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dầu khí không còn hấp dẫn như xưa, cần cơ chế ưu đãi “hút” đầu tư

Hương Giang

Chủ nhật, 18/09/2022 - 11:25

(Thanh tra) - Theo lãnh đạo Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), hiện dầu khí không còn hấp dẫn như ngày xưa, một phần vì thể chế, phần khác vì tiềm năng dầu khí có hy vọng “tính chất lớn” chỉ ở vùng nước sâu, vùng xa, nơi công tác tìm kiếm, thăm dò chưa triển khai nhiều, nhưng ở đó chi phí đầu tư rất đắt.

Giàn Đại Hùng 01

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) qua nhiều lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Sau phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo kết luận nêu rõ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự án luật.

Trong đó, theo cơ quan thường trực của Quốc hội, cần thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý Nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản của dầu khí. Thực hiện chính sách khai thác tài nguyên với mỏ dầu khí khai thác tận thu.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định theo hướng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu theo cơ chế chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí để khuyến khích khai thác tận thu”, thông báo kết luận nêu.

Quy mô đầu tư đang giảm dần

Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc PVEP nói, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có nhiều điều khoản liên quan thuế, thu hồi chi phí cải thiện hơn so với luật hiện hành.

“Chúng tôi có niềm tin những dự án đang làm có thể tiến hành được, các dự án tận thu cũng có cơ sở triển khai và hy vọng rằng làn sóng đầu tư mới sẽ thu hút được các dự án đầu tư mới”, ông Trung bày tỏ.

Theo ông Trung, quy mô đầu tư trong tìm kiếm, thăm do, khai thác dầu khí đang giảm dần

Dẫn chứng, 5 năm trước (2011-2015), PVEP ký 27 dự án dầu khí thì 5 năm sau công thêm 8 tháng đầu năm 2022 mới ký được 2 dự án.

Số lượng dự án đang hoạt động của PVEP cũng giảm tương đối nhanh, thay vì 52-57 dự án như giai đoạn trước, thì hiện tại chỉ còn 35 dự án. “Điều đó nói lên, thu hút đầu tư mới thì khó, dự án cũ đang khó khăn”, ông Trung nhấn mạnh, “khi trữ lượng thăm dò không đạt như kỳ vọng thì người ta bỏ đi”.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc PVEP. Ảnh: Đ.X

Từ thực tế, Phó Tổng Giám đốc PVEP cho rằng, cần rõ ràng thủ tục, cũng như có cơ chế khuyến khích đầu tư vì “suy cho cùng người ta vào đầu tư thì phải có hiệu quả kinh tế”.

“Tiềm năng dầu khí được nhìn nhận là vừa phải, trung bình, trong khi hoạt động tìm kiếm khai thác mấy chục năm rồi. Giờ còn lại là ở những vùng nước sâu, vùng xa, quy mô không lớn như trước. Còn các mỏ triển khai giờ chủ yếu cận biên, mà dự luật gọi là tận thu”, ông Trung phân tích.

So sánh với các các trong khu vực, ông Trung nói rằng, hiện mức ưu đãi của Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí cũng chỉ ở vừa phải. Vì vậy, ông kỳ vọng, dự luật mới sẽ có những điều khoản ưu đãi mới tạo động lực cho ngành này.

Chi phí đầu tư rất đắt, cần cơ chế xử lý rủi ro

Đưa ra các kiến nghị cụ thể, Phó Tổng Giám đốc PVEP đề xuất với các dự án đang “vướng” do điều kiện cũ thì dự thảo luật có quy định để “gỡ”, cho phép sớm đưa vào phát triển, khai thác.

“Tất nhiên vẫn có rủi ro nhưng có thể tăng thêm trữ lượng khai thác khoảng 70-80 triệu thùng, doanh thu khoảng 1 - 1,5 tỷ đô la”, ông Trung nêu.

Vẫn theo ông Trung, đầu tư dầu khí là đầu tư mạo hiểm, đầu tư rủi ro, các đơn vị sẵn sàng đầu tư một khoản với hy vọng “tìm được một cái rất lớn”, nhưng việc đó giờ thực sự khó hơn nhiều so với 10-20 năm trước.

“Bây giờ nếu hy vọng phát hiện có tính chất lớn hơn chỉ có ở những vùng nước sâu, vùng xa nơi công tác tìm kiếm thăm dò chưa được triển khai nhiều. Nhưng ở đó lại kèm theo rất nhiều thứ, như chi phí đầu tư rất đắt”, ông Trung dẫn chứng cách đây vài năm, một đơn vị đã phải chi cả trăm triệu đô la cho việc khoan thăm dò một giếng dầu.

Theo ông Trung, PVEP hiện có tài sản để chi cho dự án tìm kiếm, thăm dò không thành công. Song, cơ chế chưa cho phép, chưa cho xử lý, nên nếu thực hiện sẽ tạo rủi ro cho người điều hành.

Ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng Giám đốc PTSC. Ảnh: Đ.X

Ở góc độ cá nhân, ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho hay, các nước có hợp đồng chia sẻ rủi ro, Nhà nước sẵn sàng chia sẻ rủi ro, nhưng ở ta, nhà thầu chịu 100% rủi ro.

Ông Bắc cũng băn khoăn khi dự thảo luật không quy định tỷ trọng nội địa hóa trong hợp đồng dầu khí mà chỉ nêu chung chung là “ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong nước”. Từ đó, đề nghị có quy định tỷ trọng cụ thể vì nếu không sẽ rất khó thực hiện.

“Người Dầu khí chúng tôi vô cùng nhiệt huyệt. Khát vọng của chúng tôi là vươn ra biển lớn, doanh thu bằng đô la”, Phó Tổng Giám đốc PTSC nói thêm.

Nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu

Đề xuất nữa là có cơ chế để gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác với các dự án sắp kết thúc bước sang giai đoạn tận thu. “Nếu không mang lại lợi ích cho đất nước thì có lỗi của chúng tôi”, ông Hoàng Ngọc Trung bày tỏ.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được hy vọng sẽ tạo làn sóng đầu tư mới, thu hút được các dự án đầu tư mới

Nêu thực tế, ông Lê Đắc Hoá, Giám đốc Dự án Mỏ Thăng Long - Đông Đô (dự án lô 01, 02) cho hay, đây là 1 trong 4 dự án lớn nhất của PVN. Sau khi chấm dứt hợp đồng khai thác, PVEP được PVN giao điều hành cụm mỏ nà từ năm 2017 thông quan hợp đồng tạm thời thuê điều hành hoạt động dầu khí.

Sau nhiều năm khai thác hiệu quả, mỏ đang bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng khai thác nhanh do chưa đầu tư bổ sung (khoan các giếng khai thác mới). Các hợp đồng lớn (FPSO, bảo hiểm, trực thăng...) tại mỏ thường ngắn hạn, không tối ưu được về giá, hàng năm đều phải làm thủ tục ký lại.

“Dự án chưa có phê duyệt cơ chế pháp lý mới, vì vậy ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của dự án”, ông Hóa nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, theo ông Hóa, cần có cơ chế chính sách đặc thù cho dự án 01-02 để có thể tận thu khai thác, tránh lãng phí tài nguyên.

Theo ông Hoàng Ngọc Trung, cần có cơ chế khuyến khích các nhà thầu của hợp đồng dầu khí hiện có đầu tư bổ sung để gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu.

“Để đảm bảo hoạt động khai thác được diễn ra liên tục mà không bị gián đoạn do vừa phải thực hiện thủ tục kết thúc hợp đồng dầu khí cũ và ký hợp đồng dầu khí mới, đặc biệt có những công việc cần phải triển khai ngay trong thời hạn của hợp đồng dầu khí cũ thì mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cho cả PVN lẫn nhà thầu mà không thể chờ đến khi ký hợp đồng dầu khí mới, PVEP kiến nghị bổ sung thêm hình thức gia hạn hợp đồng dầu khí cũ, bên cạnh việc ký hợp đồng dầu khí mới như dự thảo quy định”.

Đồng thời, ngoài việc cho phép sử dụng miễn phí tài liệu và công trình, phương tiện thiết bị khai thác, PVEP xin kiến nghị bổ sung quy định cho phép sử dụng qũy thu dọn mà chính nhà thầu đó đã trích lập theo hợp đồng cũ để phục vụ cho việc thu dọn các công trình, thiết bị này sau khi kết thúc hợp đồng dầu khí mới. 

Giữ chân nhân tài bằng chế độ đãi ngộ tương ứng, hợp lý

Chia sẻ về vấn đề nhân sự, Phó Tổng Giám đốc Hoàng Ngọc Trung nêu thực tế từ đầu năm đến nay, nhiều người có chuyên môn cao của đơn vị chuyển sang nơi khác, bởi họ có chế độ đãi ngộ tốt hơn, trong khi một doanh nghiệp Nhà nước như PVEP phải tuân thủ về chế độ ưu đãi, đãi ngộ theo quy định.

“Chúng tôi còn cái khó là người thực sự muốn giữ thì họ ra đi, không giữ được, còn người chúng tôi không muốn giữ thì họ không đi và chúng tôi cũng không có cách nào cho người ta đi”, ông Trung nói.

Vì vậy, vị lãnh đạo PVEP cho rằng cần hài hòa giữa đào tạo và giữ chân nhân tài bằng chế độ đãi ngộ tương ứng, hợp lý để phục vụ trong các doanh nghiệp Nhà nước. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

(Thanh tra) - Đề tài cấp bộ “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” do ThS Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm được Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ nghiệm thu với kết quả xuất sắc vào ngày 22/11.

15:37 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm