Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Một mũi khoan thăm dò dầu khí mất vài triệu USD, không miễn trừ trách nhiệm, ai dám quyết định?

Hương Giang

Thứ sáu, 03/06/2022 - 22:21

(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội, hoạt động thăm dò dầu khí có “tính rủi ro rất lớn”, nhiều khi khoan hàng trăm mũi mới được vài mũi mà mỗi mũi tốn vài triệu USD, cho nên cần quy định miễn trừ trách nhiệm, đồng thời có quy định ràng buộc để tránh lợi dụng gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp, Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công (Thái Nguyên)

Ngày 3/6, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra ở hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

“Vai” của PVN cần rõ hơn

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo luật thiết kế một chương riêng về chức năng, nhiệm vụ và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Trong đó, bổ sung quy định xử lý chi phí điều tra cơ bản về dầu khí và chi phí tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công của PVN; nguồn thanh toán các chi phí, nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của nước chủ nhà; hay chi phí duy trì hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao...

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần rà soát các quy định để tránh trùng lặp, bảo đảm rõ ràng về phạm vi quyền và giới hạn nghĩa vụ, trách nhiệm khi PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.

Bày tỏ quan điểm đồng tình, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) dự thảo luật cần làm rõ hơn “vai” của PVN gắn với quyền, cơ chế trách nhiệm của tập đoàn này trong tư cách nhà đầu tư, nhà thầu độc lập và là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị, ủy quyền của Chính phủ, Nhà nước liên quan tới hoạt động dầu khí.

“Việc phân cấp cho PVN phê duyệt nội dung chi tiết của hợp đồng dầu khí cần gắn với cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng”, ông Bảo lưu ý.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) nói, Bộ Công thương được giao quản lý Nhà nước về dầu khí. Tuy nhiên PVN được giao nhiệm vụ theo quy định gần như thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

Cho nên, cần phải phân định rõ giữa chức năng quản lý Nhà nước, vai trò, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN trong hoạt động dầu khí. Cạnh đó, cần rà soát quyền giữa Bộ Công thương, PVN và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho rõ ràng, “không bị lẫn vai”.

Bởi theo ông Công, nếu “lẫn vai”, khi phát sinh những trường hợp xung đột lợi ích, vai trò quản lý Nhà nước, yêu cầu quản lý Nhà nước với yêu cầu sản xuất kinh doanh của tập đoàn thì cũng có những hệ lụy không tốt.

Mỗi mũi khoan thăm dò dầu khí tốn vài triệu USD

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đề cập đến hoạt động điều tra, thăm dò dầu khí.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên). Ảnh: Đ.X

“Hoạt động thăm dò tính rủi ro rất lớn”, ông Thành nói và cho hay, nhiều khi khoan hàng trăm mũi mới được vài mũi mà mỗi mũi thăm dò tốn vài triệu USD.

Cho nên, ông Thành đề nghị, phải có những quy định rất đặc thù để đảm bảo cơ chế hạch toán cũng như cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cho hoạt động thăm dò dầu khí. Bởi, theo ông, nếu cứ tính theo cơ chế thông thường thì rất bất cập và khó hạch toán như vẫn đề có lãi, thu ngân sách…

Nhất trí với đại biểu Lâm Thành, ông Công dẫn lại khoản 2 Điều 56 Dự thảo quy định “chi phí tìm kiếm thăm dò dầu khí của dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công của PVN sau khi có quyết định kết thúc dự án dầu khí và quyết toán chi phí của cấp có thẩm quyền được bù đắp từ nguồn lợi nhuận sau thuế hằng năm của PVN và thực hiện phân bổ trong thời gian 5 năm kể từ thời điểm có quyết định kết thúc dự án và quyết toán chi phí”.

Dù vậy, đại biểu vẫn băn khoăn vì tìm kiếm thăm dò dầu khí là lĩnh vực tốn rất nhiều tiền.

“Nếu không nhầm thì một mũi thăm dò mất vài triệu USD nhưng thăm khoan nhiều mũi là bình thường và hỏng là bình thường. Vậy người quyết định thăm dò khai thác mất hàng chục triệu USD sẽ như thế nào, có chịu trách nhiệm pháp lý gì không?”, ông Hoàng Anh Công nêu.

Cho rằng đây là “câu chuyện dám nghĩ, dám làm”, đại biểu Công nhấn mạnh, nếu không có quy định rõ ràng về loại trừ trách nhiệm với những trường hợp rủi ro thì “rất khó để người ta dám quyết định là tiếp tục tìm kiếm thăm dò những mỏ dầu ở vùng khơi xa”.

“Theo tôi, cần quy định rõ hơn trách nhiệm”, đại biểu đoàn Thái Nguyên nói. Theo ông Hoàng Anh Công, với trường hợp này cần quy định “loại trừ trách nhiệm của những người quyết định khi thăm dò, khai thác dầu khí”. Đồng thời có quy định ràng buộc để tránh tình trạng lợi dụng gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp, của Nhà nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm