Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần quyết tâm chính trị khi hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Đảng và Thanh tra Nhà nước

Thái Hải

Thứ ba, 08/12/2020 - 21:59

(Thanh tra)- Đây là nhấn mạnh của nhiều đại biểu tại Hội thảo khoa học góp ý cho Đề án “Mô hình hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng và Thanh tra Nhà nước trong điều kiện mới”, diễn ra ngày 8/12. Đề án do ThS. Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) làm Chủ nhiệm.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TH

Hợp nhất cơ quan kiểm tra với thanh tra sẽ thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng

Trình bày tại hội thảo, ThS. Hoàng Văn Trà cho biết, Đảng ta luôn khẳng định: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”. Vì vậy, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả điều hành của chính quyền phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra Nhà nước của chính quyền.

Thực tế hiện nay cho thấy, có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Ủy ban Kiểm tra cấp uỷ và cơ quan Thanh tra Nhà nước.

Bên cạnh đó, thanh tra và kiểm tra giống nhau ở tính mục đích bởi đều nhằm phát huy những nhân tố tích cực; phòng ngừa, phát hiện, xử lý những vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của các chủ thể, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và đưa ra các biện pháp tổ chức thực hiện tiếp theo để đạt kết quả như mong muốn.

Kiểm tra và thanh tra đều là những công cụ quan trọng, một chức năng chung của quản lý Nhà nước, là hoạt động mang tính chất phản hồi của "chu trình quản lý". Qua kiểm tra, thanh tra, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể phân tích đánh giá, theo dõi quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý đề ra.

Hai cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm tra Đảng chịu sự lãnh đạo của ban chấp hành, ban thường vụ cùng cấp, trong thực hiện nhiệm vụ phải thường xuyên phối hợp, trao đổi nhất là trong xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra; trong giải quyết đơn thư tố cáo, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp xem xét.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hai cơ quan trên tồn tại và hoạt động độc lập gây cồng kềnh về tổ chức, bộ máy, chồng chéo về nội dung, thiếu đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành.

“Nếu hợp nhất hai cơ quan kiểm tra với thanh tra sẽ thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, nghĩa là Đảng sử dụng bộ máy Nhà nước, quyền lực Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và thanh tra; giúp cho các hoạt động được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà; hạn chế được những bất cập trong công tác đào tạo, quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ, tránh lãng phí về con người, chi phí hành chính, cơ sở vật chất”, ThS. Trà nhấn mạnh.

Cần hoàn thiện cả về cơ sở pháp lý và thể chế

Đưa ý kiến tại hội thảo, bà Phạm Thị Huệ, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ chia sẻ, thanh tra và kiểm tra đều có nhiều điểm chung; tuy nhiên, thanh tra là đưa ra các kiến nghị xử lý sai phạm về kinh tế, pháp luật và xử lý theo pháp luật; còn kiểm tra là xử lý kết luận Đảng theo quy định của điều lệ Đảng, các quy định của Đảng.

Dưới góc độ quản trị công, có sự lãng phí lớn khi các kết luận của cơ quan Thanh tra chưa được Ủy ban Kiểm tra sử dụng và vận dụng. Tuy nhiên, nếu hợp nhất hoàn toàn thì có thể hợp nhất các nội dung liên quan tới xây dựng kế hoạch, không có vùng cấm cho hoạt động thanh tra; hợp nhất người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra chỉ đạo điều phối chung, sử dụng tài chính công, đầu tư công; công tác cán bộ, đảm bảo hậu cần, tổng kết thực tiễn, kế hoạch công tác năm.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, khi Thanh tra Chính phủ tiến hành khảo sát thì 44,6% được hỏi cho rằng việc hợp nhất hai cơ quan chỉ là hợp lý cơ học; 54,3% cho rằng không cần hợp nhất, do không có tương đồng…

“Bên cạnh những nội dung thuận lợi, cũng có những nội dung chưa thể hợp nhất được như quy trình nghiệp vụ; xử lý kết luận cán bộ, đảng viên theo quy định của pháp luật và theo quy định của Đảng. Trên thực tế, chưa có thống nhất hướng dẫn về mô hình và lộ trình cụ thể, về cơ bản trên thực tế mới là ghép cơ học, dừng lại ở tinh gọn bộ máy; cần hoàn thiện cả về cơ sở pháp lý và về thể chế”, ông Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Ủy viên UBKTTW, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Cơ quan UBKTTW cho rằng, đây là một trong những Đề án đầu tiên mà UBKTTW nghiên cứu, kết quả rất đầy đủ, điều quan trọng nhất của hội thảo là tìm ra: Cơ sở pháp lý, thực tiễn để tiến hành đề xuất phương thức nào có thể hợp nhất, hay không hợp nhất, hợp nhất ở mức độ nào? Đây là vấn đề lớn đã nêu ra nhiều năm nay nhưng vẫn còn thấy nhiều vấn đề bất cập.

Về hình thức có thể hợp nhất được hai cơ quan để tìm ra sai phạm của cán bộ đảng viên để xử lý. Hiện nay, nhiều cơ quan có chức năng này. Theo ông Hiệp, việc hợp nhất phải đem lại hiệu quả, còn nếu hợp nhất cơ học thì cũng không giảm được biên chế.

Thực tiễn khẳng định là cực kỳ hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hà Giang cho rằng, tuy quá trình làm việc có vướng mắc, có nhiêu khê về thông tin xử lý văn bản; về báo cáo thường xuyên cho các lãnh đạo… nhưng cái được tương đối rõ đó là các phòng mạnh hơn rất nhiều về chuyên môn; một cuộc kiểm tra hay thanh tra có sắp xếp hài hòa cả người kiểm tra và thanh tra sẽ rất “mạnh”.

Ông Mão đưa ví dụ, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, chuyển thanh tra thu hồi tài sản, vi phạm phải xử lý kỷ luật đảng và chuyển kiểm tra làm. Như vậy, một cuộc có thể làm từ đầu đến cuối, chung một thủ trưởng là rất thuận lợi. Nếu có cơ chế phù hợp, ông Nguyễn Văn Mão tin rằng, 100% cán bộ, công chức không muốn tách ra.

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học Các cơ quan Trung ương cho rằng, vấn đề mới bao giờ cũng khó, thậm chí thực tiễn rất gay go; Hội đồng Khoa học Các cơ quan Trung ương đã có đơn đặt hàng nghiên cứu; gần đây cho thấy, việc nhất thể hóa có hiệu quả, nên cần có quyết tâm chính trị, bàn cái chung trước.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, đối tượng của Ủy ban Kiểm tra là đảng viên, thanh tra đối tượng là công chức, viên chức; thanh tra, kiểm tra là đối với con người, không thể "chẻ" ra được; cơ chế hoạt động một bên là báo cáo Ủy ban Kiểm tra, một bên là báo cáo lãnh đạo cơ quan; tóm lại là đều báo cáo lãnh đạo. Vậy khi hợp nhất thì lãnh đạo đều được báo cáo và đều được tham gia Ủy ban Kiểm tra; vấn đề đặt ra ở đây là hợp nhất cấp dưới là cơ quan với nhau theo quyết tâm chính trị.

“Đề án này nên tìm ra những cơ sở lập luận như trên, đảm bảo đủ căn cứ, lý lẽ hợp nhất cả về lý luận và thực tiễn; vấn đề cần giải quyết một mảng đó là công chức, viên chức không là đảng viên và đảng viên nhưng không là công chức, viên chức. Theo đó cần đề xuất sửa luật, do một cơ quan lãnh đạo”, PGS.TS Vũ Văn Phúc khẳng định.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã thí điểm, bước đầu là nhất thể hóa chức danh, một nhà hai cửa; bước tiếp là hợp nhất ở 14 huyện thị.

Lúc đầu thì có bất cập về con dấu, hợp nhất cơ học, nhưng đến nay là phù hợp cả về con người và con dấu (có thêm 1 con dấu chung là của cơ quan hợp nhất, 2 dấu cũ vẫn giữ nguyên), bên cạnh đó, không còn lòng vòng về thủ tục nữa; xử lý sau kết luận thanh tra đã có sự hòa hợp.

Đến nay, Quảng Ninh đã hợp nhất đại trà, chứ không còn là thí điểm; Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra và các Phó Chánh Thanh tra là thành viên Ủy ban Kiểm tra; trường hợp phải bổ nhiệm thì chính quyền bổ nhiệm; biên chế đã khoán nên điều chỉnh biên chế từ chính quyền sang khối Đảng. “Thực tiễn khẳng định là cực kỳ hiệu quả”, ông Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Còn theo ông Nguyễn Đình Chuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Hải Phòng cho biết, Hải Phòng mới thí nghiệm ở 1 huyện từ giữa năm 2018, nhận thấy quyền lực được nâng lên rõ, thuận tiện hơn; việc chấn chỉnh, xử lý được thông suốt từ đầu đến cuối.

Chỉ có một vấn đề vướng mắc là vì đang là thử nghiệm; thực tế vẫn là hai vai, kể cả cán bộ đảng chuyên trách vẫn phải quan tâm luật pháp; sáp nhập nhưng phải đảm bảo Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.

Theo đó, cần nghiên cứu sâu tránh bao biện, làm thay hay hóa thân. Nguyên tắc là do con người, chúng ta có thể sửa hiến pháp, sửa điều lệ để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo thuận lợi điều hành.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024
Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

(Thanh tra) - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu trong đó có một số nội dung liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu; việc xem xét bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.

Lê Phương

21:51 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm