Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 2: Những “thủ lĩnh” xây dựng khối đại đoàn kết

Ngọc Giàu

Chủ nhật, 21/04/2024 - 10:05

(Thanh tra) - Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng luôn xác định, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thấm nhuần kim chỉ nam ấy, các thế hệ người con ưu tú của Tây Nguyên đã kế thừa và phát triển vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc để hướng đến công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Võ Tiến Tuấn Niê (bìa phải) từng là mảnh ghép đặc biệt trong 28 đại biểu xuất sắc đại diện cho hàng triệu thanh niên Việt Nam tham dự Tàu Thanh Niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2017. Ảnh: NG

“Cây” dân vận tài ba

Từng chứng kiến buôn làng chịu nhiều nỗi đau, tủi nhục vì bị giặc ngoại xâm tới quấy phá, bắt bớ, ông Y Luyện Niê Kdăm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) đã tự nguyện tham gia bộ đội khi vừa tròn 18 tuổi và được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chàng thanh niên Êđê khi ấy hừng hực quyết tâm trọn đời đi theo cách mạng.

Theo nhiệm vụ của cách mạng, năm 1971, ông Y Luyện được giao làm đội trưởng đội công tác, lãnh đạo gần 100 quân về các buôn làng tuyên truyền, vận động, giác ngộ cách mạng cho Nhân dân. Ông chia quân thành nhiều tổ, ban ngày, vào nương rẫy để gặp bà con vận động; tối đến thì vào buôn làng, đến từng nhà dân vận động tiếp.

“Bị giặc ức hiếp, cướp bóc, bắt bớ, bà con rất căm hận. Biết cách mạng về, bà con mừng lắm. Dẫu nhà rất nghèo nhưng bà con vẫn chắt chiu góp cho bộ đội từng lon gạo. Có gia đình còn góp hết số gạo trong nhà, thương lắm”, ông Y Luyện nhớ lại.

Sau nhiều năm làm công tác dân vận, ông Y Luyện cùng đồng đội đã tập hợp được lực lượng cho cách mạng, giải phóng thành công Buôn Ma Thuột, tạo thời cơ chiến lược mới để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Ông Y Luyện Niê Kdăm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (bìa phải) được ví như một “cây” dân vận tài ba. Ảnh: AM

Đất nước được thống nhất song ông Y Luyện vẫn chưa hết nhiệm vụ khi tàn dư của kẻ thù vẫn còn, trong đó phải kể đến tổ chức phản động Fulro. Chúng như “bóng ma” gieo rắc tội ác trải dài khắp các tỉnh Tây Nguyên. Chúng lừa bịp đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin, gây bất ổn chính trị với âm mưu lật đổ chính quyền.

Đỉnh điểm vào năm 2001, tại Đắk Lắk xảy ra sự kiện bạo loạn đúng thời điểm địa phương này tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (ngày 3/2/2001). Lúc đó, ông Y Luyện đương chức Bí thư Tỉnh ủy. Trong lúc diễn ra đại hội, ông nhận được tin báo từ cơ sở rằng, bà con dân tộc thiểu số có những biểu hiện lạ khi mua thực phẩm và xăng dầu rất nhiều. Nhận thấy bất thường, ông Y Luyện chỉ đạo họp nội bộ khẩn và đưa ra quyết định xin phép lãnh đạo Trung ương (lúc đó đang tham dự đại hội) kết thúc đại hội sớm; chỉ đạo lập các chốt, khoanh vùng từ hướng ngoại ô vào TP Buôn Ma Thuột.

Đúng như dự đoán của ông, sáng hôm sau, đoàn người nhiều nơi di chuyển bằng xe công nông lên TP Buôn Ma Thuột để tiến hành gây rối, làm mất an ninh trật tự. Bí thư Y Luyện cùng lãnh đạo tỉnh huy động sinh viên, học sinh là người dân tộc thiểu số gặp trực tiếp để vận động, tuyên truyền; đồng thời phát bánh mì, nước uống cho bà con.

Dẫu vậy, bà con vẫn chưa chịu về. Một cuộc đối thoại giữa đại diện người dân với lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh diễn ra ngay trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Nhóm người này đưa ra yêu sách thành lập nhà nước tự trị Đề-Ga, song Bí thư Y Luyện không chấp nhận, vạch rõ mưu đồ của bọn xấu cũng như giải thích những hành vi vi phạm pháp luật mà bà con đang bị luận điệu của kẻ xấu xúi giục.

Bằng kinh nghiệm của một “thủ lĩnh” dân vận, ông đã giúp bà con nhận ra vấn đề, chấp nhận quay về nhà. Lãnh đạo tỉnh đã bố trí xe chở bà con về tận buôn làng. Cuộc bạo loạn từ đó được dẹp yên.

Viết tiếp truyền thống dân tộc

Là người con của đại ngàn, H’Hương Bkrông - Bí thư Thành đoàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chia sẻ, luôn khắc ghi và biết ơn sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, để thế hệ trẻ như chị được sống trong hòa bình độc lập. Tình yêu quê hương, đất nước, buôn làng của chị được nuôi dưỡng qua những trang sách, những câu chuyện của ông bà, cha mẹ và cả những nhân chứng sống cho một thời oanh liệt “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Với màu áo xanh thanh niên, chị H’Hương Bkrông - Bí thư Thành đoàn TP Buôn Ma Thuột luôn ý thức việc kế thừa và phát triển vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: NG

Theo chị H’Hương, tinh thần đại đoàn kết là truyền thống quý báu và là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

“Tinh thần đoàn kết các dân tộc ở Đắk Lắk luôn được lan toả và được thể hiện rõ nhất trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ, khi ấy không phân biệt là người dân tộc Kinh, Êđê hay Jrai… Tất cả bà con ở các buôn làng đều chung tay gom từng bó rau, bẹ măng, trái bơ, quả ớt… gửi người dân vùng cách ly ở miền Nam”, chị H’Hương chia sẻ.

Trong cơn đại dịch ấy, những người trẻ ở Đắk Lắk không đứng ngoài cuộc. Họ hoá thành các chiến sĩ áo xanh, đi đến từng ngõ phố, đường quê, buôn làng phát tờ rơi, xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang…, cùng bà con phòng, chống dịch bệnh. Thậm chí khi dịch bệnh phức tạp, đoàn viên thanh niên vào các điểm nóng để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F0, trực chốt…, đúng tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Chị H’Hương chia sẻ, trong trái tim mỗi người trẻ luôn có tinh thần yêu nước, đoàn kết. Nhiệm vụ của các tổ chức Đoàn là bắt nhịp, để những trái tim ấy hoà chung nhịp đập. Trước những thông tin xuyên tạc, nhất là trên không gian mạng, chị H’Hương đã chỉ đạo tuyên truyền đến các bạn trẻ về việc chọn lọc thông tin chính thống. Thành Đoàn cũng tăng cường hiệu quả của chuyên mục mỗi ngày 1 tin tốt, mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp trên các trang cá nhân, đoàn cơ sở và trường học.

“Chúng tôi lan tỏa những điều đẹp để dẹp cái xấu. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và tìm hiểu về văn hóa phong tục của các dân tộc anh em. Triển khai các hoạt động mang tính giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và yêu nước, từ đó thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết”, chị H’Hương nhấn mạnh.

Anh Võ Tiến Tuấn Niê (thứ 5 từ trái qua) tự hào khi mang 2 dòng máu dân tộc Kinh và Êđê. Ảnh: TT

Từng là mảnh ghép đặc biệt trong 28 đại biểu xuất sắc đại diện cho hàng triệu thanh niên Việt Nam tham dự Tàu Thanh Niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2017, anh Võ Tiến Tuấn Niê (Phó Trưởng ban Thanh thiếu nhi Trường học, Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, rất vinh dự khi có cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa của buôn làng Tây Nguyên.

“Được kết tinh từ tình yêu của 2 dòng máu (Êđê và Kinh), tôi rất tự hào. Bản thân là minh chứng về sự giao thoa văn hóa và dân tộc trong xã hội Việt Nam. Tôi luôn tự hào và kính trọng nguồn gốc dân tộc, tổ tiên của mình. Nhờ nguồn gốc như thế, tôi có cơ hội để tìm hiểu, học hỏi những nét hay, nét đẹp của cả 2 nền văn hóa chảy trong mình”, Võ Tiến Tuấn Niê tâm sự.

Trước những luận điệu xuyên tạc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, anh Võ Tiến Tuấn Niê cho biết: “Chúng ta cần giữ vững niềm tự hào về bản sắc dân tộc, không để bị lấn át bởi những ý kiến tiêu cực, thiếu chính xác. Bản thân tôi và mỗi người hãy cố gắng tìm hiểu và chia sẻ những điều tích cực, tạo ra một cộng đồng đa dạng, hoà hợp và đoàn kết. Đặc biệt, chúng ta hãy cùng trau dồi kiến thức, phát triển bản thân, xây dựng tương lai tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước ngày một phát triển”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm