Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hoàn thiện thể chế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Hải Hà

Thứ sáu, 11/10/2024 - 13:27

(Thanh tra) - Sáng 11/10, Hội thảo Khoa học quốc gia với chủ đề "Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững", đã diễn ra tại Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Hồng Thao phát biểu tại Hội thảo "Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững". Ảnh: HH

Hội thảo do Trường Đại học Thủy lợi phối hợp cùng Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam), Trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) và Công ty Luật TNHH Sen Vàng tổ chức.

Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành mục tiêu then chốt của mọi quốc gia, việc xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả thực hiện các mục tiêu này.

Đặc biệt, đối với Việt Nam, việc gắn kết giữa chính sách pháp luật với thực tiễn tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội là nền tảng để đạt được sự phát triển bền vững.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các giảng viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề chính sách pháp luật liên quan đến các trụ cột của phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế cho mục tiêu phát triển lâu dài của đất nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi chia sẻ, hội thảo là diễn đàn khoa học lớn quy tụ nhiều nhà khoa học đầu ngành để cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng và hoàn thiện thể chế để đảm bảo thực hiện yêu cầu cấp bách về phát triển bền vững.

GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi chia sẻ, hội thảo là diễn đàn khoa học lớn quy tụ nhiều nhà khoa học đầu ngành để cùng chia sẻ kiến thức để thực hiện yêu cầu cấp bách về phát triển bền vững. Ảnh: HH

Hội thảo có 4 chủ đề chính gồm: Quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách về môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; hoàn thiện pháp luật bảo vệ tài nguyên nước; hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường; hoàn thiện nền tảng pháp lý cho thị trường lao động - an sinh xã hội.

GS.TS Nguyễn Trung Việt đánh giá, nội dung của hội thảo rất phù hợp với tình hình hiện nay về phát triển môi trường bền vững, đặc biệt về an ninh nguồn nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo, ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ, đối với những người làm quản lý Nhà nước, thể chế là câu chuyện liên tục đặt ra và liên tục được hoàn thiện vì đó là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển, sự thành bại của một quốc gia nói chung cũng như một hệ thống, tổ chức nói riêng.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước và lĩnh vực thủy lợi, theo ông Khanh, thực tế vận hành đã đặt ra rất nhiều vấn đề đối với công tác quản lý tài nguyên nước cho hiệu quả, cho minh bạch giữa các ngành với nhau.

Ông Nguyễn Hồng Khanh kỳ vọng, qua hội thảo này chúng ta sẽ có một hệ thống thể chế hoàn thiện trong thời gian tới để quản lý hiệu quả tài nguyên nước, phát triển tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Khanh - đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng, qua hội thảo này sẽ có một hệ thống thể chế hoàn thiện để quản lý hiệu quả tài nguyên nước... Ảnh: HH

Tham luận về "Luật Tài nguyên nước năm 2023 nhìn từ các yêu cầu phổ quát - Kỳ vọng và những biến số tiềm ẩn cần lưu ý trong thi hành", GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định, “nước là tài nguyên vô giá”.

Nhận thức này ngày nay đã trở thành yếu tố không thể thay đổi trong hoạt động bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, tài nguyên nước có được bảo vệ và khai thác, sử dụng hiệu quả để đáp ứng an sinh xã hội và sản xuất hay không phụ thuộc vào thể chế tài nguyên nước.

GS.TS Lê Hồng Hạnh khẳng định, Luật Tài nguyên nước 2023 và một vài văn bản hướng dẫn thi hành đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá còn nhiều thách thức, đặc biệt là những tác động của việc nguồn nước những con sông quốc tế chảy qua Việt Nam.

Tại hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng đã nêu ra nhóm giải pháp ngăn chặn rủi ro để thi hành hiệu quả Luật Tài nguyên nước 2023.

Khẳng định vai trò quan trọng của tài nguyên nước, GS.TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch Uỷ ban Luật Quốc tế của Liên hiệp quốc, chuyên gia Khoa Luật và Lý luận Chính trị, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, vấn đề xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững không chỉ giới hạn ở tầm một quốc gia, một địa phương mà phải ở cả tầm khu vực và thế giới.

Quản lý bền vững nguồn nước liên quốc gia như sông Mê Kông sẽ giúp các nước ven sông quản trị tốt hơn việc sản xuất lương thực và năng lượng, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp bảo vệ các hệ thống sinh thái nước chung của lưu vực sông Mê Kông, tính đa dạng sinh học và khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh các vấn đề về quản lý nguồn nước, an ninh nguồn nước, tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các nội dung về hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam từ kinh nghiệm một số quốc gia; vấn đề pháp lý về bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành trong bối cảnh thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam; hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững…

Qua những thảo luận và báo cáo tham luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, đây là những nội dung có giá trị thiết thực, đóng góp vào việc cải thiện hệ thống thể chế và chính sách pháp luật, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm