Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trung Quốc kết án tử hình cựu Bộ trưởng Đường sắt

Thứ ba, 16/07/2013 - 09:58

(Thanh tra) - Ngày 8/7/2013, Tòa án Nhân dân số 2 thành phố Bắc Kinh đã kết án tử hình nhưng hoãn thi hành 2 năm đối với cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân, 60 tuổi, vì tội nhận hối lộ. Ngoài ra, ông này còn bị xử 10 năm tù giam vì lạm dụng quyền lực. Toàn bộ tài sản của cựu Bộ trưởng Đường sắt bị tịch thu.

Ông Lưu Chí Quân trong phiên xử ngày 9/6/2013 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Theo phán quyết của Tòa án Nhân dân số 2 thành phố Bắc Kinh, ông Lưu Chí Quân đã gây “thiệt hại to lớn cho của Nhà nước và nhân dân” Trung Quốc. Ngoài ra, giới quan sát nhận định, hành vi tham nhũng của cựu quan chức cao cấp này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ban lãnh đạo ngành Đường sắt Trung Quốc, đặc biệt với sự phát triển “thần tốc” của mạng tàu cao tốc trong thời gian qua, rất được ngưỡng mộ tại nước này, thậm chí ở cả ngoại quốc.

Đây là bản án đầu tiên nhằm vào một cựu quan chức cao cấp của Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình được bầu vào chức vụ Chủ tịch nước. Bản án nặng nề này được coi là sự thể hiện quyết tâm của chính quyền mới tại Bắc Kinh trong công cuộc bài trừ tham nhũng, nhất là trong hoàn cảnh từ nhiều năm qua, mỗi chính quyền mới của Trung Quốc đều khẳng định bài trừ triệt để nạn tham nhũng là ưu tiên hàng đầu, nhưng hiệu quả không thật sự cao.

Trước đó, ngày 9/6/2013, cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân đã phải ra tòa để trả lời về các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền suốt thời gian hơn 20 năm lãnh đạo ngành Đường sắt.

Ông Lưu Chí Quân được đưa vào phòng xử án. Ảnh: AP


Trong thời gian làm Bộ trưởng Đường sắt từ năm 2003  - 2011, ông Lưu Chí Quân được mệnh danh là “ông vua 4%” - khoản tiền bỏ túi mỗi khi ký hợp đồng. Theo cáo trạng, cựu Bộ trưởng Đường sắt bị buộc tội nhận hối lộ 64,6 triệu nhân dân tệ (tương đương 8 triệu euro) từ năm 1986 - 2011. Ngoài ra, ông Lưu Chí Quân còn bị cáo buộc lạm dụng quyền lực để thăng chức hoặc cấp hợp đồng cho 11 người.

Không chỉ “lạm quyền, dẫn tới việc gây tổn thất to lớn cho tài sản công và lợi ích của Nhà nước, của nhân dân”, ông Lưu Chí Quân còn bị Tân Hoa Xã “vạch mặt” thêm: “Là một công chức Nhà nước, ông Lưu Chí Quân đã dùng vị trí của mình để giúp người khác thu lợi và đã nhận một cách trái phép tài sản từ người khác. Các con số đặc biệt lớn và vấn đề đặc biệt nghiêm trọng”.

Ông Lưu Chí Quân đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 5 năm ngoái.

Ông Lưu Chí Quân bị tòa tuyên án tử hình, cho hoãn 2 năm không thi hành án. Người ta cho rằng, cuối cùng ông sẽ không bị tử hình vì thông thường ở Trung Quốc, án tử hình treo sẽ được ân xá thành án tù chung thân.

Trước đó, ngày 12/2/2011, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã có kết luận về việc cưụ Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân bị nghi ngờ là "phạm kỷ luật nghiêm trọng". Tuần báo Economic Observer dẫn một nguồn tin ẩn danh, có quan hệ chặt chẽ với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết: Cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân đã bị đặt dưới sự theo dõi đặc biệt từ năm 2010. Khi đó, người kiến thiết dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã bị tình nghi dính líu đến việc “phân bổ thầu” trong quá trình phát triển của mạng lưới đường sắt khổng lồ của Trung Quốc với 110.000km, trong đó có 13.000km đường cao tốc Trung Quốc bắt đầu tập trung đầu tư mạnh cho ngành Đường sắt từ năm 2003 với tham vọng trở thành nước có chiều dài đường sắt lớn nhất thế giới. Với số tiền hàng trăm tỷ USD, Trung Quốc tiến hành xây dựng các tuyến đường cao tốc từ năm 2007, nhưng đến nay đã có được một mạng lưới tàu cao tốc dài nhất thế giới. Một trong những đề án được chú ý nhất là tuyến đường có chiều dài lên đến 1.298km, dài nhất trong hệ thống đường sắt thế giới, nối liền Bắc Kinh với Quảng Châu, bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2012 với vận tốc trung bình đạt 300 km/giờ.

Tuy nhiên, việc xây dựng các tuyến đường tàu cao tốc theo kiểu chạy đua đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực như tham nhũng, vấn đề bảo đảm an toàn vận hành.

Về tiêu cực, tham nhũng: Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 2 đợt kiểm toán đối với Bộ Đường sắt, một vào năm 2010 và một vào tháng 3/2012. Kết quả cho thấy: Có tình trạng gian lận và vào sổ sách bất thường các khoản mua sắm trong các ngân khoản của ngành Đường sắt.

Tàu cao tốc Trung Quốc tuyến Bắc Kinh - Quảng Châu, đoạn trên cầu vượt sông Vĩnh Hà - Bắc Kinh. Ảnh (chụp ngày 26/12/2012): China Daily


Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc cho biết, hàng triệu USD trong quỹ xây dựng đường sắt cao tốc nối giữa Bắc Kinh và Thượng Hải đã bị biển thủ trong năm 2010. Theo giới chức, các cá nhân và công ty xây dựng đã “thụt két” khoảng 187 triệu nhân dân tệ (tương đương với 28,5 triệu USD). Dẫn lời các kiểm toán viên, BBC cho biết, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tìm thấy bằng chứng về quy trình đấu thầu không thích hợp và tình trạng lập ra các hóa đơn giả trong kế toán.

Cũng tại cung đường cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải (khai trương một cách rầm rộ vào tháng 6/2011, dài 1.318km, được xem là biểu tượng của chính sách đầu tư hạ tầng), cơ quan kiểm toán đã chỉ rõ đây là cơ hội để cho cán bộ từ Bộ trưởng Đường sắt đến viên chức địa phương tham ô hàng chục tỷ nhân dân tệ. Kéo theo đó là hàng loạt vụ bê bối đã xảy ra ngay từ năm 2007 - thời điểm gọi thầu: Thời gian nghiên cứu hồ sơ đấu thầu rút ngắn từ 5 ngày xuống 13 giờ. Thay đổi kính chắn gió vào giờ chót làm phí tổn thêm hơn 413 triệu nhân dân tệ. Ngay ngân sách bồi thường cho nông dân phải dời chỗ ở hoặc mất đất xây đường cao tốc cũng bị ăn chặn, như ở Thiên Tân lên đến 500 triệu nhân dân tệ hoặc làm hồ sơ giả để được ngân sách bồi thường như ở Nam Kinh. Một hình thức sai trái khác là không trả tiền cho các đơn vị gia công và công ty xây dựng. Tổng cộng có 656 hãng cung cấp trang thiết bị và 1.471 toán nhân công không nhận được tiền. Số tiền trả chậm tính đến tháng 5/2011 là 8,25 tỷ nhân dân tệ. Các khoản tiền trái phép trên đây tương đương với gần 1,5 tỷ USD.

Về vấn đề bảo đảm an toàn vận hành: Hồi tháng 3/2012, một cung đường sắt cao tốc dài khoảng 300m mới xây dựng (dự kiến hoàn tất vào tháng 5) gần Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị sụp đổ chỉ vì mưa lớn! “Thật may mắn là nó sập sớm chứ nếu không thì sẽ thành thảm họa sau khi đưa vào sử dụng” - một người ở Nghi Xương bình luận như vậy trên mạng Sina Weibo. Còn người khác ở Vũ Hán thì bày tỏ sự thất vọng: “Tôi từng mong có chuyến tàu yên ả về nhà, nhưng nay thì tốt nhất là không trông đợi gì”.

Đáng chú ý là sự kiện ngày 23/7/2011, gần thành phố Ôn Châu ở miền Đông Trung Quốc đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khi 2 tàu cao tốc đâm nhau khiến 40 người chết và khoảng 200 người bị thương. Đó là vụ tai nạn đường sắt lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2008.

Thảm họa này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Đường sắt cao tốc Trung Quốc ở nước ngoài, cùng với những bê bối tài chính khiến ông Lưu Chí Quân bị cách chức, mà còn là một trong các tác nhân dẫn đến việc Bộ Đường sắt phải giải thể vào tháng 3/2013 và các ban, ngành của Bộ này được đặt dưới sự quản lý của Bộ Giao thông.

Nhân viên lái tàu cao tốc trên tuyến Vũ Hán - Quảng Châu. Ảnh: Reuters


Truyền thông phương Tây khẳng định: Đây là kết cục của một Nhà nước trong Nhà nước. Bộ Đường sắt cùng được sinh ra với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1949 và cũng là một trong những Bộ thu dụng nhân công nhiều nhất Trung Quốc. Bộ này rất có quyền uy, có lực lượng nhân viên an ninh, có bộ máy tư pháp riêng của mình và dĩ nhiên cũng gây nên những điều thái quá riêng của mình.

Bộ Đường sắt có thế lực lớn, nhưng hiệu quả làm việc thì vô cùng tệ hại. Do phát triển ngành Đường sắt chạy theo số lượng nên dù phát triển nhanh chóng nhưng hệ thống đường sắt dài nhất địa cầu này không hề được bảo đảm chất lượng, thế nên trong các năm qua, tai nạn và sự cố đường sắt tại Trung Quốc thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, “quả bom” kinh tế mà Bộ này tạo ra cũng không hề nhỏ. Tính đến thời điểm bị giải thể, số nợ của Bộ Đường sắt đã lên đến 2.660 tỷ nhân dân tệ (330 tỷ euro).

Ngày 17/1/2013, AFP dẫn nguồn tin của Tân Hoa Xã cho biết, trong năm 2013, Trung Quốc sẽ đầu tư 100 tỷ USD cho ngành Đường sắt hiện có mạng lưới với tổng chiều dài chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Đây là một phần trong ngân sách kích thích kinh tế trong nước.

Theo Bộ trưởng Đường sắt Thịnh Quang Tổ, khoản đầu tư nói trên dành cho việc đưa vào hoạt động các tuyến đường mới xây dựng có chiều dài 5.200km. So với năm 2012, ngân sách dành cho ngành Giao thông mũi nhọn này của Trung Quốc tăng 30%.

Hà Thu - Hà Anh (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm