Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải đập chết cả ruồi lẫn hổ

Thứ ba, 07/05/2013 - 07:50

(Thanh tra)- Giới quan sát nhận định, tham nhũng hoành hành trong chính quyền cũng như ở mọi cấp lãnh đạo trong xã hội Trung Quốc. Chống tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực vẫn được chính quyền Bắc Kinh hàng năm khẳng định là ưu tiên. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này có 1 tầm vóc quan trọng hơn, rộng lớn hơn kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc chiến chống tham nhũng “phải đập chết cả ruồi lẫn hổ”. Ảnh: Reuters

Liên tiếp hối thúc chống tham nhũng

Mới đây, ngày 22/3/2013, phát biểu tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa đưa ra cam kết là: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ được tiến hành ở mọi cấp, từ cán bộ cấp thấp cho đến lãnh đạo cấp cao, từ địa phương cho đến Trung ương. Theo cách nói của ông, “phải đập chết cả ruồi lẫn hổ”.

Kể từ khi nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi chống tham nhũng.

Ngày 19/11/2012, tại cuộc họp đầu tiên của Bộ Chính trị khóa 18 với 25 thành viên, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cảnh báo: Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, tham nhũng trở nên nghiêm trọng hơn, đe dọa sự tồn vong của Đảng và Nhà nước.

Tuyên bố đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc được Nhân dân Nhật báo - Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - dẫn lại cũng đồng thời kêu gọi các thành viên lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc “cảnh giác” trước nạn tham nhũng.

Theo truyền thông Trung Quốc và phương Tây, dường như quyết tâm của nhà lãnh đạo số 1 Trung Quốc bước đầu đã làm cho các quan tham lo ngại.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành. Ảnh: DR


Vào tháng 12/2012, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành đã bị cách chức vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Đây là cán bộ cao cấp nhất đến thời điểm đó bị điều tra từ khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, diễn ra hồi tháng 11.

Một quan chức khác là Cục trưởng Cục Tổng hợp và Dịch thuật Trung ương Đảng cũng đã bị sa thải về vấn đề "phong cách sống".

Tân Hoa Xã cho biết, ông Y Tuấn Khanh không còn phù hợp cho công việc và đã bị đưa ra khỏi vị trí này, nhưng không đề cập đến phong cách sống cụ thể của ông này. Tuy nhiên, theo Sina.com và nhiều trang web của Trung Quốc, ông Y Tuấn Khanh, 55 tuổi, đã có quan hệ ngoài hôn nhân với 1 nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ có tên là Thường Yến. (Trong tháng 11/2012, bà Thường Yến, cũng đã có chồng, công bố lên mạng Internet 1 bài viết 12 nghìn từ, mô tả chi tiết quan hệ của mình với ông Y Tuấn Khanh, kể cả thời gian và địa điểm 17 lần họ có quan hệ tình dục. Bài viết đã gây ra cơn sốt trên mạng).

Tất nhiên, vụ sa thải ông ‎Y Tuấn Khanh không được cơ quan nào chính thức xác nhận là có liên quan tới bài viết của bà Thường Yến.

Y Tuấn Khanh là quan chức thứ 2 cấp Thứ trưởng bị cách chức kể từ sau Đại hội Đảng 18.


Được biết, Cục Tổng hợp và Dịch thuật là 1 trong số 13 đơn vị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Trung ương Đảng, được giao nhiệm vụ biên soạn và dịch sản phẩm của các lãnh đạo Trung Quốc và các tài liệu quan trọng, gồm cả các sách báo về chủ nghĩa Marx-Lenin.

Là Cục trưởng của Đảng, vị trí của ông‎ Y Tuấn Khanh tương đương cấp Thứ trưởng trong cơ quan Chính phủ.
 
Mới nhất và cũng cao cấp nhất là trường hợp của ông Lý Kiến Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc. Tờ Minh Báo xuất bản ở Hồng Công ngày 27/1/2013, cho biết, chính quyền Bắc Kinh đang tiến hành điều tra nhân vật cao cấp đầu tiên trong giới thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Lý Kiến Quốc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, tại 1 kỳ họp hồi tháng 3/2012. Ảnh: Reuters


Theo giới kinh doanh bất động sản, trong những tháng qua, hàng nghìn quan chức Trung Quốc đã hoảng sợ, bán tống, bán tháo nhiều bất động sản bất minh và chuyển bất hợp pháp hàng trăm tỷ USD ra nước ngoài. Trên thị trường bất động sản Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, rất nhiều khu nhà sang trọng được bán với giá thấp cho bất kỳ ai có tiền mặt trả ngay.

Số liệu của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết, làn sóng bán các khu nhà sang trọng bắt đầu từ tháng 11 và gia tăng kể từ tháng 12 năm ngoái. Số vụ giao dịch bất động sản đã tăng hàng trăm lần kể từ khi ông Tập Cận Bình cảnh báo rằng, tham nhũng có thể làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc tan rã và sau khi Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, trực tiếp phụ trách chống tham nhũng.

Ước tính, các quan chức ở Quảng Châu và Thượng Hải đã bán hàng nghìn ngôi nhà sang trọng và số tiền được chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài lên tới hàng trăm tỷ USD. Chưa kể, trong kỳ nghỉ Quốc khánh hồi tháng 10 năm ngoái, 1.100 cán bộ Trung Quốc đã xuất ngoại và 714 người đã định cư ở nước ngoài, theo truyền thông Pháp.

Liên quan đến tham nhũng trong lĩnh vực bất động sản, trong 1 bài viết đăng tải ngày 5/1/2013, Tân Hoa Xã nhận định: Nạn tham nhũng đang đe dọa kế hoạch xây nhà giá rẻ của Chính phủ Trung Quốc.

Tại 1 công trường xây dựng nhà ở tỉnh An Huy. Ảnh (chụp ngày 1/8/2012): Reuters


Hãng thông tấn chính thức của Nhà nước Trung Quốc cho biết: Vào năm 2010, Chính phủ nước này đã khởi động kế hoạch xây hàng triệu căn nhà giá rẻ trong nỗ lực nhằm giải tỏa sự bất mãn của dân chúng trước tình trạng giá nhà đất tăng quá cao trong thập niên qua. Kế hoạch xây 36 triệu nhà giá rẻ từ năm 2010 đến năm 2015 do Phó Thủ tướng (nay là đương kim Thủ tướng) Lý Khắc Cường đề xuất. Riêng trong năm 2012, theo báo chí Trung Quốc, Chính phủ nước này đã đầu tư hơn 820 tỷ nhân dân tệ (khoảng 129 tỷ euro) cho chương trình này.

Có điều, vẫn theo Tân Hoa Xã, các quan chức chính quyền đã mua được nhiều căn hộ giá rẻ mới xây, lẽ ra được dành để bán cho những người nghèo. Đơn cử trường hợp 1 viên chức cơ quan nhà đất đã bị điều tra sau khi chính quyền địa phương xác nhận những thông tin trên mạng là gia đình ông ta sở hữu đến 29 căn hộ giá rẻ. Vụ việc này đã gây phẫn nộ cư dân mạng và khiến dư luận nghĩ rằng có tham nhũng trong việc xét bán nhà giá rẻ. Bởi thế, Tân Hoa Xã kêu gọi Chính phủ cấp tốc có biện pháp chống tham nhũng trong chương trình xây nhà giá rẻ và phải minh bạch thông tin hơn, nhất là công bố toàn bộ danh sách những người được mua nhà giá rẻ.

Công khai tài sản để người dân giám sát
 
Vào ngày 30/11/2012, dưới sự chủ trì của ông Vương Kỳ Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã tổ chức 1 cuộc hội thảo bàn về các biện pháp chống tham nhũng. Một trong những biện pháp được thảo luận nhiều là phải có quy định buộc các quan chức công khai tài sản của mình. Bởi vì, “lòng tin không bao giờ thay thế được sự giám sát”, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc khẳng định.

Giáo sư Mã Hoài Đức, Hiệu phó Trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật ở Bắc Kinh nhấn mạnh sự cần thiết phải có 1 đạo luật quy định về việc công khai hóa tài sản của giới lãnh đạo. “Điều cần thiết cấp bách là phải có quy định pháp lý về việc công bố thông tin. Tài sản của các quan chức phải được khai báo cho các cơ quan chống tham nhũng và được công bố”, ông nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia Vladimir Portyakov của Viện Viễn Đông của Nga nói với Đài Tiếng nói nước Nga: “Công cụ phổ quát cho đấu tranh chống tham nhũng trên toàn thế giới là sự minh bạch. Minh bạch về tất cả, trước hết là thu nhập, chi tiêu, một phần quan trọng của giao dịch. Khi mà chưa có những điều đó thì rất khó để xóa triệt để tham nhũng. Nỗ lực được thực hiện khá nhiều, nhưng tôi chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc có 1 tầm vóc quan trọng hơn, rộng lớn hơn kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo. Ảnh: AP


Ở Trung Quốc đang tồn tại những nguyên nhân xã hội sinh ra tham nhũng phổ biến cho toàn thế giới, nhưng cũng có những đặc điểm riêng của Trung Quốc. “Một trong các yếu tố đặc trưng được gọi là hiện tượng 59 năm. Sau nhiều năm phục vụ một cách trung thực và ngay thẳng, 1 năm trước khi nghỉ hưu bắt đầu phạm đủ tội nặng nề. Ông ta thấy rằng, mình không có tiền, không có việc làm, và xung quanh có những người nhận hối lộ và sống rất tốt”, chuyên gia Vladimir Portyakov lý giải.

Theo một số chuyên gia, các quan chức thông thường chỉ khai báo 1 phần nhỏ tài sản và che giấu phần còn lại, hoặc để cho người thân đứng tên. Do vậy, cần làm thí điểm tại một số nơi, rút kinh nghiệm, trước khi soạn thảo luật về vấn đề này. Đồng thời, Chính phủ phải chấm dứt các chế độ ưu đãi, đặc quyền đặc lợi dành cho các quan chức.

Trước đó, hôm 9/11/2012, ông Uông Dương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông và ông Du Chính Thanh, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đều tuyên bố: Các quan chức Trung Quốc sẽ bắt đầu kê khai tài sản của mình. “Tôi nghĩ rằng, các quan chức Trung Quốc dần dần công bố các tài sản của mình theo đúng các quy định của Trung ương”, ông Uông Dương, người mà giới quan sát quốc tế đánh giá là chính trị gia có tư tưởng cải tổ, nói với báo chí phương Tây nhân dịp Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Còn ông Du Chính Thanh cũng được trích dẫn lời nêu rõ: Thượng Hải sẽ từng bước hướng tới 1 cơ chế công khai hóa tài sản của các lãnh đạo.

Có điều, chưa thấy quan chức nào đưa ra lộ trình thực hiện việc minh bạch hóa tài sản tại một đất nước mà luật pháp không có quy định rõ ràng là các quan chức Chính phủ phải công bố tài sản cá nhân hoặc mức lương, thu nhập của mình. Do vậy, giới quan sát chỉ rõ: Tình trạng này đương nhiên dẫn đến các hành động lạm dụng quyền lực và tham nhũng.

Giáo sư luật Khương Minh An, Đại học Bắc Kinh, nói thẳng: “Các quan chức tham nhũng chống lại việc công bố tài sản”. Thậm chí, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh lo sợ, việc công bố tài sản của các quan chức cao cấp trong Đảng và Nhà nước có thể làm tăng thêm sự bất bình của người dân.

Vào năm ngoái, Nhật báo Thanh Niên Trung Quốc đã công bố kết quả 1 cuộc điều tra cho thấy: 76,6% số người được khảo sát mong muốn đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng và hơn 62,8% số người được hỏi cho rằng, để chống tham nhũng có hiệu quả, giới lãnh đạo phải minh bạch tài sản.

Hiện nay, giới nghiên cứu và dư luận Trung Quốc đang bàn luận nhiều đến việc ban hành Luật Dương Quang (ánh sáng mặt trời), buộc các quan chức phải kê khai tài sản.

Theo 1 giáo sư đại học, mặc dù luật này giúp phát hiện các kiểu tham nhũng nhỏ, nhưng có một số yếu tố khiến cho luật này rất khó thi hành: Điều gì sẽ xảy ra nếu 1 người bị phát hiện có tài sản vượt quá mức thu nhập chính thức? Liệu người đó có bị điều tra hình sự ngay tức khắc hay không? Liệu người đó sẽ bị Ủy ban Kiểm tra của Đảng điều tra hay không? Tùy theo cách trả lời cho mỗi câu hỏi trong tương lai, việc kê khai tài sản có thể giúp nhà chức trách lưu ý về 1 vụ tham nhũng hoặc nếu không thì nó cũng giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc có thêm thông tin về đảng viên của mình.

Được biết, kể từ năm 1995, các giới chức ở Trung Quốc đã được yêu cầu phải báo cáo thu nhập với Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Chỉ mới cách đây vài năm, quy định này áp dụng cho cả tài sản thuộc về thu nhập cá nhân, đầu tư và bất động sản của các thành viên gia đình họ. Tuy nhiên, các tờ khai này không được công bố cho công chúng.

Báo chí chính thống Trung Quốc cũng thừa nhận: Chính quyền các địa phương đã từ chối hàng trăm đề nghị của công dân, yêu cầu công khai hóa tài sản, thu nhập của các quan chức lãnh đạo. Nhật báo Thanh Niên Trung Quốc chỉ rõ: Trong những năm vừa qua, nhiều quan chức địa phương hứa sẽ công bố tài sản của mình, nhưng kế hoạch này bị hủy bỏ vì việc thực hiện gặp “nhiều khó khăn”.

Giáo sư luật Khương Minh An, Đại học Bắc Kinh, nói thẳng: “Các quan chức tham nhũng chống lại việc công bố tài sản”. Thậm chí, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh lo sợ, việc công bố tài sản của các quan chức cao cấp trong Đảng và Nhà nước có thể làm tăng thêm sự bất bình của người dân.

Không xa hoa, lãng phí

Các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc tại Ðại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters


Từ cuối năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện những thay đổi nghiêm khắc đối với các sĩ quan cao cấp, các quan chức cấp cao trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng hoang phí và làn sóng tai tiếng tham nhũng.

Theo đó, cấm các sĩ quan cao cấp, các quan chức cấp cao tổ chức những buổi tiệc có rượu và ở các khách sạn sang trọng trong lúc đi công tác; cấm các buổi tiệc chiêu đãi dùng băng rôn chào mừng, thảm đỏ, hoa, đội lính dàn chào, biểu diễn văn nghệ và tặng quà lưu niệm.

Cũng theo các qui định mới, những diễn giả tại các cuộc họp cần tránh những bài diễn thuyết sáo rỗng.

Đáng chú ý, còi hụ sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt trong các chuyến viếng thăm chính thức.

Các qui định mới cũng được áp dụng cho toàn bộ Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc cho biết, các quan chức của cơ quan quyền lực này còn phải “áp dụng kỷ luật đối với người hôn phối, con cái và thuộc cấp; bảo đảm những người đó không nhận hối lộ”.

Trong 1 tin riêng biệt khác, Tân Hoa Xã cho biết, Bắc Kinh là chính quyền địa phương đầu tiên áp dụng những quy định này. Theo đó, các viên chức Bắc Kinh đi công tác từ nay sẽ chỉ ăn những bữa ăn tự chọn đơn giản thay vì ăn tiệc tiếp đón.

Cũng từ tháng 12 năm ngoái, giám đốc các ngân hàng và công ty tài chính thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước Trung Quốc không được phép mua xe hơi và bất động sản trị giá lớn. Hiện tại, đây là 1 giải pháp phổ biến được giới quan chức sử dụng để “rửa” thu nhập bất hợp pháp.

Chính phủ Trung Quốc đã cùng lúc thông qua 12 văn bản nhằm mục tiêu làm minh bạch các khoản thu nhập và chi tiêu của quan chức thuộc cơ chế nêu trên. Đặc biệt, viên chức tài chính không được phép mua xe ô tô riêng thuộc dòng sản phẩm sang trọng. Cấm sử dụng quỹ Nhà nước để mua, hoặc thuê hay sửa chữa nhà riêng.

Không hoa, không tiệc tùng, quà cáp, lễ đón tiếp và từ bỏ những bài phát biểu vô bổ dài dòng văn tự cũng là những quy định sẽ được áp dụng tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc kể từ năm 2013, theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc.

Những quy định trên là những phản ứng đầu tiên của giới chức Trung Quốc trước lời kêu gọi tập trung chống tham nhũng, lãng phí của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Tham nhũng đe dọa Đảng và Nhà nước

Lâu nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn đề cập đến nhiệm vụ cấp bách phải giải quyết tham nhũng.

Các ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo thường nhấn mạnh rằng, tham nhũng đe dọa đối với Đảng và Nhà nước.

Năm 2007, Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn so sánh tham nhũng với “1 quả bom nổ chậm đang nằm bên trong xã hội”.

Tuyên bố mạnh nhất đối với vấn nạn tham nhũng từng diễn ra trong thập niên 90 của thế kỷ XX. Khi đó, Thủ tướng Chu Dung Cơ cho biết, ông đã chuẩn bị sẵn 100 cỗ quan tài, 99 cỗ dành cho các quan chức tham nhũng, cái cuối cùng là của ông.

Đáng nói là, dù đã có những lời tuyên bố như thế, nhưng tham nhũng vẫn không vì thế mà bị đẩy lùi tại Trung Quốc. Tính từ năm 1995 cho đến nay, mới chỉ có 3 nhân vật thuộc Bộ Chính trị bị cách chức và khai trừ Đảng. Trường hợp gần đây nhất là của Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai do đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo công bố của Bắc Kinh, trong giai đoạn 2007 - 2012, đã có hơn 600.000 quan chức dính líu vào những hoạt động liên quan tới tham nhũng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 trong số này bị truy tố ra tòa. Và, cũng chỉ có khoảng 82.000 vụ việc kinh doanh được xem xét, với tổng trị giá 3,5 tỷ USD.

Còn kết quả nghiên cứu năm 2007 của ông Bùi Mẫn Hân, Trưởng Ban Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Carnegie ở Washington, Mỹ, chỉ rõ: Có đến 10% các khoản chi tiêu ở Trung Quốc dùng cho hối lộ hoặc lót tay, trong khi chưa tới 3% quan chức tham nhũng bị kỷ luật thực sự.


Hà Thu - Hà Anh
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm