Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ hai, 31/01/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Báo cáo tóm tắt kết quả thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) của Việt Nam trong chu trình đánh giá thứ 2 được đăng tải công khai trên trang web của Ban Thư ký UNCAC (Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc - UNODC)(1) với những ghi nhận tích cực, cho thấy Việt Nam có nhiều nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hiện tốt các nghĩa vụ của thành viên Công ước.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực thi Công ước của Việt Nam trong chu trình đánh giá thứ 2 được đăng tải công khai trên trang web của Ban Thư ký UNCAC. Ảnh: NB
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của UNCAC kể từ ngày 19/8/2009, là quốc gia đã và đang được đánh giá trong cả hai chu trình đánh giá của Công ước.
Trong cả hai lần thực hiện, Việt Nam đều được Ban Thư ký Công ước và các chuyên gia nước ngoài ghi nhận về quá trình triển khai nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, đặc biệt là việc chuẩn bị báo cáo tự đánh giá và tổ chức các hoạt động đánh giá thực địa(2).
Chu trình đầu tiên, Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động tiến hành việc đánh giá thực thi Công ước sớm và hoàn thành đúng thời hạn các yêu cầu đặt ra đối với quá trình đánh giá.
Chu trình thứ 2 tập trung vào đánh giá các quy định của Công ước tại Chương II (Các biện pháp phòng ngừa) và Chương V (Thu hồi tài sản). Trong khuôn khổ bài viết này, Báo Thanh tra thông tin đến bạn đọc những ghi nhận từ Ban Thư ký UNCAC về việc thực thi Chương II, Công ước của Việt Nam.
Chính sách và thực tiễn về PCTN; các cơ quan PCTN
Báo cáo tóm tắt kết quả thực thi UNCAC của Việt Nam trong chu trình đánh giá thứ 2 nêu rõ, các chính sách về PCTN của Việt Nam chủ yếu được đề cập trong Luật PCTN, Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về khắc phục những yếu kém, ngăn ngừa và đẩy lùi tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia, và các chỉ thị, nghị quyết khác về chống tham nhũng.
Đáng chú ý, Chiến lược Quốc gia về PCTN được xây dựng trên cơ sở tham vấn ý kiến rộng rãi các bên liên quan ở cả khu vực công và khu vực tư, đã đề ra các mục tiêu PCTN dài hạn và ngắn hạn và ban hành một kế hoạch thực hiện, trong đó có quy định chi tiết về trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và các cơ quan Nhà nước khác nhau.
Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chính là theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chiến lược. Có một nhóm công tác đánh giá việc thực hiện Chiến lược do Cục PCTN chủ trì hướng dẫn các bộ và các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trong quá trình thực hiện Chiến lược.
Khung pháp lý về chống tham nhũng của Việt Nam được đánh giá định kỳ. Những đánh giá này do Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện, trên cơ sở đó, Việt Nam đã ban hành Luật PCTN mới thay thế cho những luật về PCTN trước đó. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam yêu cầu các cơ quan hữu quan tiến hành các khảo sát và nghiên cứu xã hội về các vấn đề liên quan tới PCTN, phục vụ cho việc sửa đổi luật.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã được thành lập theo Quyết định số 162-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp và thanh tra các hoạt động về PCTN. Đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thành viên của Ban Chỉ đạo bao gồm Tổng Thanh tra, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Thanh tra Chính phủ, với tư cách là cơ quan đầu mối hỗ trợ Chính phủ trong công tác PCTN, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Là một cơ quan ngang bộ, Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Tổng Thanh tra là một thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm. Thanh tra Chính phủ có đủ nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, các cơ quan thanh tra bộ và địa phương khác thực hiện trách nhiệm PCTN trong phạm vi quyền hạn và chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý Nhà nước ở cùng cấp.
Cũng theo báo cáo, các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong khu vực và quốc tế trong các hoạt động, sáng kiến PCTN, trong đó có Sáng kiến PCTN khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN-PAC, APEC và Ngân hàng Thế giới.
Khu vực công; quy tắc ứng xử dành cho công chức; các biện pháp liên quan tới hoạt động truy tố và xét xử
Việc tuyển dụng, giữ lại, bổ nhiệm và nghỉ hưu của công chức được quy định chủ yếu trong Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2019 và Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ (sau đó được thay thế bằng Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020). Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cũng đã được ban hành.
Các nguyên tắc tuyển dụng và bổ nhiệm bao gồm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Việc tuyển dụng công chức được phân cấp và được tiến hành thông qua thi tuyển cạnh tranh. Tin tuyển dụng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và trên trang web của cơ quan tuyển dụng. Những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không được đăng ký thi tuyển.
Các cơ quan thanh tra có trách nhiệm thanh tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Liêm chính là một trong những giá trị được yêu cầu phải có đối với cán bộ, công chức. Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức đã liệt kê các hình thức xử phạt khác nhau đối với những cán bộ vi phạm Luật này hoặc các bộ luật có liên quan khác.
Điều 25 Luật Cán bộ, công chức quy định về việc luân chuyển đối với các công chức nhất định.
Nhà nước phải thực hiện các chính sách nhằm phát hiện, thu hút và giữ người tài làm việc cho nền dịch vụ công. Cán bộ, công chức có quyền hưởng lương tương xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm và được đảm bảo quyền học tập. Mỗi cơ quan chịu trách nhiệm đào tạo cán bộ của mình. Các chương trình đào tạo phải có nội dung về các vấn đề PCTN.
Bộ Nội vụ đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử đối với tất cả cán bộ, công chức (Bộ quy tắc số 03/2007/QĐ-BNV).
Ngoài ra, các bộ và người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn. Đến nay, một số bộ quy tắc theo ngành/ lĩnh vực đã được ban hành, trong đó có đưa thêm một số yêu cầu bổ sung về đạo đức đối với các cơ quan chính quyền cụ thể, ví dụ Thanh tra Chính phủ và lực lượng cảnh sát…
Công chức phải báo cáo các hành vi trái pháp luật.
Luật Tố cáo cũng quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo (Chương V).
Sự độc lập trong tư pháp đã được quy định trong Hiến pháp (Điều 103). Vấn đề tổ chức các cơ quan tư pháp được quy định trong Hiến pháp và Luật số 62/2014/QH13 về tổ chức tòa án nhân dân (Luật Tổ chức Tòa án nhân dân). Thẩm phán được lựa chọn thông qua quá trình xem xét, tuyển chọn do Hội đồng Tuyển chọn và Giám sát Thẩm phán Quốc gia tổ chức…
Tổ chức của các cơ quan kiểm sát được quy định trong Hiến pháp và Luật số 63/2014/QH13 về tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Các kiểm sát viên được lựa chọn thông qua kì thi do Hội đồng Tuyển chọn kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tổ chức và được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại bởi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao…
Mua sắm công được quy định chủ yếu trong Luật số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu), Nghị định số 63/2014/ND-CP (Nghị định Đấu thầu) và Quyết định số 08/2018/QD-TTg. Phương thức mua sắm bao gồm đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh và tự thực hiện.
Mọi thông tin liên quan đến quy trình mua sắm, bao gồm kế hoạch mua sắm, thư mời thầu, kêu gọi đề xuất, danh sách ngắn, kết quả trúng thầu, pháp luật có liên quan và danh sách các các công ty bị cấm, phải được công bố trên Báo Đấu thầu và hệ thống mạng đấu thầu trực tuyến quốc gia.
Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, các nhà thầu và nhà đầu tư tham gia quá trình đấu thầu có thể nộp đơn kiến nghị về các vấn đề liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Ngân sách Nhà nước được Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính dự toán theo Luật 83/2015/QH13 và được Quốc hội thông qua. Hàng năm, Chính phủ báo cáo về các khoản thu và chi cho Quốc hội, và thảo luận công khai. Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm toán ngân sách của Trung ương và tỉnh.
Việc giả mạo, làm sai lệch, làm hư hỏng hoặc hủy bỏ các tài liệu kế toán công hoặc tư đều bị hình sự hóa và được quy định là hành vi bị cấm tại Điều 13 của Luật 88/2015/QH13 (Luật Kế toán).
Báo cáo công khai; sự tham gia của xã hội
Đây là nội dung được đánh giá cao tại báo cáo tóm tắt kết quả thực thi UNCAC của Việt Nam trong chu trình đánh giá thứ 2.
Vấn đề tiếp cận thông tin được quy định tại Luật 104/2016/QH13 (Luật Tiếp cận Thông tin) và Luật 80/2015/QH13 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Theo quy định tại Điều 5 của Luật Tiếp cận Thông tin, ngoại trừ thông tin được liệt kê tại Điều 6 và Điều 7, bao gồm thông tin được phân loại là bí mật Nhà nước, tất cả thông tin của các cơ quan Nhà nước đều được công khai.
Tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011, Chính phủ đã ban hành Chương trình Tổng thể về cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình Tổng thể về cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Thanh tra Chính phủ được yêu cầu chuẩn bị báo cáo hàng năm về công tác PCTN. Báo cáo này được tường thuật trực tiếp trên truyền hình, đồng thời toàn văn của báo cáo được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội.
Sự tham gia của xã hội vào các quá trình ra quyết định công được thực hiện thông qua các cuộc bầu cử Quốc hội và trưng cầu dân ý. Ngoài ra, công dân có quyền tham gia góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Những ý kiến này phải được xem xét, tiếp thu, trường hợp không tiếp thu, phải giải trình (các Điều 5 và 6, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật)…
Mọi người đều có quyền tố cáo các hành vi tham nhũng. Mỗi cơ quan phải thiết lập một quy trình để giải quyết tố cáo. Tố cáo có thể được gửi đến một loạt các cơ quan Nhà nước. Theo Điều 2 (c), Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hành chính cũng phải thiết lập các hệ thống để tiếp nhận báo cáo thông qua đường dây nóng và qua thư điện tử.
Các biện pháp phòng, chống rửa tiền
Việc phòng, chống rửa tiền được quy định chủ yếu trong Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định số 116/2013 của Chính phủ và các thông tư liên quan của Ngân hàng Nhà nước. Các biện pháp này được áp dụng đối với các ngân hàng, các tổ chức tài chính phi ngân hàng, và các ngành nghề và doanh nghiệp phi tài chính được chỉ định, trong đó có các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền hoặc giá trị. Những quy định này đặt ra một số yêu cầu, trong đó yêu cầu nhận dạng và xác minh khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi, lưu giữ hồ sơ và báo cáo các giao dịch đáng ngờ.
Đánh giá rủi ro quốc gia giai đoạn 2012-2017 đã được hoàn thành vào tháng 4/2019 và Việt Nam cũng đã áp dụng chính sách phòng, chống rửa tiền quốc gia.
Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phát hiện và giám sát sự dịch chuyển của tiền mặt và các công cụ chuyển nhượng qua biên giới, bao gồm các yêu cầu báo cáo liên quan, thông qua các quy định trong Luật Phòng, chống rửa tiền (Điều 24), Nghị định 116 (Điều 15), Luật Hải quan (Điều 55) và Thông tư 15/2011, Thông tư 11/2014, Thông tư 11/2016 của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư số 35/2013 của Ngân hàng Nhà nước được sửa đổi năm 2019 (Thông tư 20/2019/TT-NHNN) quy định rằng ngoại tệ và tiền Việt Nam bằng tiền mặt, kim loại quý, đá quý và các công cụ có thể chuyển nhượng có giá trị từ 300 triệu đồng Việt Nam trở lên (khoảng 12.900 đô la Mỹ) phải được khai báo tại hải quan (Điều 9).
Quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền của Việt Nam yêu cầu nhận dạng khách hàng đối với tất cả khách hàng mở tài khoản hoặc thiết lập giao dịch với tổ chức tài chính bao gồm việc thực hiện lệnh chuyển tiền (Điều 8 và 9, Luật Phòng, chống rửa tiền; Điều 3, Nghị định 116)...
Ngoài việc ký thỏa thuận với các cơ quan tình báo tài chính nước ngoài, Cục Phòng, chống rửa tiền Việt Nam (AMLD) với tư cách là một cơ quan tình báo tài chính của Việt Nam, trao đổi thông tin tình báo với các cơ quan tình báo tài chính nước ngoài, chủ yếu là giữa quốc gia thành viên của nhóm Phòng, chống rửa tiền khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APG).
Việt Nam đang đánh giá các yêu cầu và điều kiện để trở thành thành viên của nhóm các Đơn vị Tình báo Tài chính EGMONT.
------------------
(2) Theo “Việt Nam thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng - Kết quả và những vấn đề đặt ra”, Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ (hiện là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ), Tạp chí Cộng sản ngày 18/11/2020.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.
Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024(Thanh tra) - Bộ Chính trị đề nghị Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ là các ông Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh. Còn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng nên chưa xem xét kỷ luật.
Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Phương Hiếu
21:34 22/08/2024Hương Giang
19:26 14/08/2024Hương Giang
15:49 03/08/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương