Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chống tham nhũng bằng ngòi bút (Kỳ 2)

Chủ nhật, 08/07/2012 - 07:47

(Thanh tra) - Ngòi bút sắc bén, những bài viết công phu và đặc biệt là «không sợ chết» đã đưa nữ nhà văn, nhà báo người Mexico Anabel Hernandez đến với Giải thưởng Cây bút vàng Tự do năm 2012.

Nữ phóng viên Anabel Hernandez

>> Chống tham nhũng bằng ngòi bút (Kỳ 1)

Ngàn cân treo sợi tóc


Anabel Hernandez cho biết, kể từ sau khi xuất bản cuốn sách, không chỉ riêng cô mà cả gia đình đã bị đe dọa «sẽ biến mất mãi mãi». Tuy nhiên, trước những lời đe dọa đó, nữ phóng viên này vẫn thẳng thắn bày tỏ: «Ở tuổi 40, sức khỏe tràn trề, lại luôn bị đe dọa thủ tiêu, có lẽ nhiều người sẽ chọn phương án «mai danh ẩn tích», nhưng tôi thì không. Đe dọa, ám ảnh đã trở thành cuộc sống của tôi. Tôi không sợ, và tôi cần phải kể ra tất cả những điều tôi biết qua cuốn sách vừa xuất bản, để thức tỉnh lương tâm của một đất nước với các cấp chính quyền đang bị đục khoét tới tận xương tủy vì những băng nhóm tội phạm, vì ma túy».

Sau khi xuất bản «Los Senores del Narco», nhà báo Anabel Hernandez được mời đến tham dự một cuộc hội thảo về sự nguy hiểm của nghề báo do Thượng viện Mexico và Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức. Tại đây, cô đã thẳng thắn nói: «Nếu một ngày nào đó bị ám sát, tôi sẽ rất cảm kích nếu quý vị không phải bận tâm suy nghĩ xem có nên đến dự lễ tang của tôi hay không. Mexico hiện chẳng khác gì Iraq và Afghanistan - những nước nguy hiểm nhất đối với hoạt động báo chí chuyên nghiệp. Các quý vị nên tìm ra giải pháp khắc phục hơn là ngồi đây tranh luận với nhau xem đã có bao nhiêu phóng viên, nhà báo bị giết hoặc bị bắt cóc. Tôi rất vui mừng là phóng viên duy nhất được mời đến đây, và tôi cũng rất xin lỗi vì đã không nằm trong số liệu thống kê rùng rợn mà quý vị đang tranh luận. Nếu các vị thực sự chính trực, cảm ơn vì đã giúp đỡ chúng tôi, những người vẫn còn chưa chết, những người sẽ tiếp tục tố cáo tình trạng tham nhũng của các cấp chính quyền. Nếu quý vị không khó chịu, tôi muốn nói các vị biết rằng, tôi sẽ tiếp tục điều tra và sẽ tiếp tục sống».

Trở thành một phóng viên điều tra nổi tiếng cũng đồng nghĩa với việc trở thành “cái gai” trong mắt các quan chức tham nhũng, các tổ chức tội phạm. Chính sự dũng cảm của Anabel Hernandez, dám nói, dám điều tra và dám viết ra những sự thật đó đã đưa cô vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Một phóng viên, người cũng rất hâm mộ Anabel Hernandez đã phải nhận định như sau: “Nếu bạn nói ra mối «liên minh ma quỷ» giữa giới chính trị gia với mafia, bạn sẽ lập tức nhận được những lời đe dọa. Còn nếu bạn điều tra về các hành vi rửa tiền của những nhóm lợi ích này, lập tức, thần chết sẽ gõ cửa nhà bạn”.

Để ca ngợi tinh thần dũng cảm của Anabel Hernandez trong cuộc chiến chống lại mafia, một nhạc sĩ đã phổ nhạc một bài hát, trong đó có đoạn: «Tôi không hát cho những tên trùm ma túy hay những tên cướp/Tôi hát cho Anabel Hernandez, người bạn Mexico yêu quý của tôi».

Có điều, Anabel Hernandez rất hiếm khi được nghe bài hát, hoặc nghe ai đó hát bài hát ca ngợi chính mình. Bởi đơn giản, bài hát này do một nhạc sĩ ở TP San Diego, bang California, Mỹ, sáng tác. Và, đương nhiên, ở Mexico, chắc chẳng ai dám hát, thậm chí, dám bật bài hát này lên, nếu không muốn bị một băng đạn găm vào người.

Mất tích, sự đe dọa, những áp lực khác nhau, đó là những ngôn từ chủ đạo để nói về tình trạng chung của báo chí Mexico ngày nay, dưới sự thao túng của các chính trị gia biến chất và những băng đảng mafia khát máu, thèm tiền.

Theo thống kê, chỉ trong 1 thập kỷ qua, đã có đến 69 phóng viên, nhà báo bị sát hại. Gần đây nhất, hồi tháng 5, phóng viên Miguel Angel López cùng vợ và con trai đã bị bắn chết bằng hàng chục vết đạn ngay tại nhà mình ở TP Acapulco (thuộc bang Guerrero, Tây Nam Mexico) bởi một nhóm người bịt kín mặt. Vì lý do «an ninh», không một tờ nhật báo nào ở Mexico, kể cả những tờ báo điều tra nổi tiếng như Reforma hay El Universal, có nổi lấy 1 tin vắn về vụ sát hại này.

Phía ngoại ô Thủ đô, đặc biệt là khu vực phía Bắc, một điểm nóng về tình trạng buôn lậu ma túy sang biên giới Hoa Kỳ, những phóng viên địa phương hầu hết đều nghe theo sự điều khiển của các băng đảng mafia. Ở bang Tamaulipas (Đông Bắc Mexico) tồn tại một chế độ tự kiểm duyệt báo chí rất kỳ lạ. Đó là, những cụm từ như «thi hành nhiệm vụ», «mafia» hay «buôn lậu ma túy» sẽ không bao giờ xuất hiện trên các cột báo ở địa phương này! Còn ở Torreón (thuộc bang Coahuila, miền Bắc Mexico), hay bang Nuevo León (Đông Bắc Mexico, ngay sát với bang Tamaulipas), sự tranh giành khốc liệt giữa các bang nhóm không chỉ là nỗi khiếp sợ cho người dân nơi đây, mà giới báo chí cũng phải e ngại. Một biên tập viên giấu tên đã kể lại như sau: «Có một ngày, một người lạ mặt gọi điện đến cho tôi và bảo đến một quán cà phê. Trong lúc tôi chưa kịp định thần nhớ xem đó là ai, thì người đó nói một câu cộc lốc: Hoặc là mày đến, hoặc là chúng tao sẽ đến tìm mày, hiểu chứ?».

Ở một đất nước bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi trước những kẻ đâm thuê chém mướn, luôn sẵn sàng bắn giết bất kỳ ai nếu được thuê, thì những tuyên bố mang đầy tính chất «trêu ngươi» của Anabel Hernandez đã đẩy cô trở một trong những nhà báo hiếm hoi dám tranh cãi thẳng thắn về hiện trạng này.

Tất nhiên, không chỉ có báo chí lên tiếng, mà giới chức Chính phủ Mexico cũng đã rất nỗ lực trong cuộc chiến chống lại các băng đảng mafia. Điển hình như năm 2006, Chính phủ của Tổng thống Mexico Felipe Calderón đã triển khai hàng loạt chiến dịch chống lại các băng nhóm mafia khét tiếng. Hậu quả, 50 nghìn người chết, 10 nghìn người mất tích, trong đó phần lớn là dân thường. (Xem thêm bài «Cuộc chiến sinh tử tại Mexico» trong loạt bài «Ma túy: Hiểm họa xuyên quốc gia» đăng trên Báo Thanh tra ngày 5/7/2011).

Cuộc chiến này đã giáng một đòn nặng nề vào mối quan hệ mật thiết giữa các cấp chính quyền, các chính trị gia với các băng nhóm mafia. Tuy nhiên, dường như những chiến dịch này lại tạo thành cơ hội để các quan chức chính quyền cấp dưới «ăn theo» lập thành tích. Trên thực tế, các cấp chính quyền chỉ tiêu diệt những băng nhóm mafia nhỏ lẻ, và từ đó lấy thành tích vừa để «báo công» với Chính phủ, vừa là cái cớ «dọn đường» cho các băng đảng mafia khét tiếng thâu tóm thị trường, trong đó nổi lên là băng đảng mafia ở bang Sinaloa (Tây Bắc Mexico), mà ông trùm của nó chính là Chapo Guzman.

Giờ đây, trùm ma túy Mexico Chapo Guzman được coi là có thế lực không kém gì trùm ma túy một thời ngang dọc ở Colombia là Pablo Escobar. Chapo Guzman thao túng rất nhiều quan chức chính quyền, cảnh sát và cả các chính trị gia. Tuy nhiên, với Anabel Hernandez thì khác. Cô đã vạch trần bộ mặt thật của trùm ma túy thông qua các nhân chứng, những bản báo cáo mật của cảnh sát hoặc những cuộc nghe lén điện thoại.

Trong cuốn sách mới xuất bản của mình, Anabel Hernandez không chỉ lật tẩy bộ mặt thật của trùm ma túy Chapo Guzman mà còn tố cáo nhiều quan chức đứng đầu lực lượng cảnh sát liên bang, thậm chí tố cáo cả Genaro García Luna, một người thân tín của Tổng thống đương nhiệm Felipe Calderón. Trong «Los Senores del Narco», nhà báo Anabel Hernandez miêu tả Genaro García Luna làm việc như một cố vấn tài chính cho trùm mafia Chapo Guzman. Đó như là một “liên minh ma quỷ» cổ vũ cho ngành công nghiệp tội phạm.

«Los Senores del Narco» được xuất bản, Anabel Hernandez trở thành mục tiêu săn tìm số 1 của các băng đảng mafia, đặc biệt là của trùm mafia Chapo Guzman. Biết được mối đe dọa này, Anabel Hernandez đã tìm đến sự trợ giúp của Hội đồng Nhân quyền, của Tòa án Tối cao Liên bang Mexico và nhiều cơ quan chức năng khác. Cuối cùng, chính quyền TP Mexico, với sự đồng ý và trợ giúp của chính quyền liên bang, đã thành lập một đội được trang bị đến… tận răng để bảo vệ cho nữ phóng viên Anabel Hernandez và cả gia đình 24/24 giờ.

Lực lượng được trang bị… tận răng bảo vệ phóng viên Anabel Hernandez và gia đình


Bắt buộc phải thận trọng, nữ nhà báo chỉ còn cách duy nhất là giữ kín tuyệt đối đời sống riêng tư. Tuy nhiên, chồng cô, một công chức TP, các con cô, anh chị em và bố mẹ cô vẫn thường xuyên nhận được những lời đe dọa qua điện thoại. «Họ muốn tôi phải im miệng lại hoặc phải trốn chạy. Nhưng, tôi cảm thấy rất nhục nhã mỗi khi soi gương nếu tôi bị lung lay vì những lời đe dọa đó. Vì vậy, mặc dù sự đơn độc và tình trạng bất an luôn tồn tại, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục điều tra và viết bài điều tra vạch trần tình trạng tham nhũng, tha hóa của nhiều bộ phận quan chức chính quyền, của các chính trị gia cũng như đưa ra ánh sáng những hành động phi pháp núp bóng doanh nghiệp thành đạt của các băng đảng mafia, các trùm mafia. Những bài điều tra này sẽ tiếp tục được đăng tải trên báo điện tử Reporte Indigo.

Anabel Hernandez cho biết thêm, sau khi xuất bản cuốn sách «Los Senores del Narco», cô thường xuyên nhận được những lời đề nghị nên xin tị nạn ở nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ, Đức và Italy. Tuy nhiên, Anabel Hernandez đã khéo léo từ chối. Cô nói: «Sự khác biệt, đó chính là tôi. Tôi làm việc và cống hiến vì quốc gia, vì dân tộc và người dân Mexico. Tôi sẽ vẫn ở lại Mexico cùng gia đình và tôi sẽ tiếp tục làm công việc yêu thích đó là viết bài điều tra».


Song Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm