Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 17/07/2013 - 11:15
(Thanh tra) - “Nạn tham nhũng hoành hành trong hàng ngũ lãnh đạo là nguyên nhân dẫn tới một làn sóng biểu tình tự phát quy mô chưa từng thấy. Chính quyền cánh tả Brazil suy yếu” - Nhật báo Pháp Liberation đã chỉ rõ như vậy khi đề cập đến cuộc biểu tình có nguy cơ làm lung lay chính quyền Brazil.
Người dân Brazil rầm rộ xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn, ngày 17/6/2013. Ảnh: Reuters
Vì đâu nên nỗi?
Rất giống phong trào Occupy (Chiếm đóng) ở Hoa Kỳ, hay các cuộc phản đối tham nhũng ở Ấn Độ những năm qua, các cuộc biểu tình vì mức sống ở Israel hay bức xúc tràn ra phố ở Hy Lạp, những người biểu tình ở Brazil chán ghét hệ thống chính trị cũ, thách thức đảng cầm quyền và cả đảng đối lập. Các yêu sách của họ cũng tản mạn tới mức khiến các lãnh đạo Brazil không biết bằng cách nào có thể thỏa mãn - Simon Romero và William Neuman, phóng viên New York Times của Mỹ, nhận định.
Theo một thăm dò dư luận của Viện Ibope, do Tạp chí Epoca công bố ngày 22/6/2013, có tới 75% người Brazil ủng hộ phong trào đấu tranh xã hội đang diễn ra. Nhật báo Liberation và Báo La Croix cùng đưa ra một quan điểm: Đây là cuộc xuống đường của thanh niên Brazil, một tầng lớp đã quá chán ngán với tác động của khủng hoảng kinh tế, không biết tương lai đi về đâu và đã hoàn toàn mất niềm tin vào đảng cầm quyền.
Một người biểu tình chống Chính phủ ở Rio de Janeiro mang tấm bảng ghi dòng chữ: “Tham nhũng: Tội ác ghê tởm”, ngày 21/6/2013. Ảnh: AP
Nhìn về làn sóng xuống đường rầm rộ diễn ra thời gian qua, Báo Brazil de Fato cho biết: Nguyên nhân cốt tử là việc thế hệ trẻ bắt đầu “phẫn nộ” và chán ngán một “nền chính trị truyền thống” ở Brazil, một nền chính trị mà theo tờ báo là “đã trở thành công cụ để bảo vệ lợi ích cá nhân, và không còn khả năng đáp ứng được nhu cầu của người dân”.
Các cuộc biểu tình bắt đầu bởi quyết định tăng giá vé xe buýt và xe điện ngầm. Dù sau đó thành phố Sao Paulo và thành phố Rio de Janeiro đã hủy bỏ kế hoạch tăng giá dịch vụ chuyên chở công cộng, nhưng không vì thế mà mọi việc chấm dứt.
Những người biểu tình đã quay sang tập trung chống đối thái độ lơ là của Chính phủ đối với các dịch vụ công, thuế nặng và tham nhũng tràn lan.
Nhiều người Brazil cho biết, họ tham gia biểu tình không phải vì giá vé phương tiện công cộng tăng vài xu mà vì một nước Brazil tốt đẹp hơn. Chính phủ chi hơn 10 tỉ euro để tổ chức Olympic 2016, World Cup 2014, trong khi đó, người dân Brazil thấy khoản tiền khổng lồ này phải được đầu tư cải thiện chất lượng cho ngành Giáo dục và Y tế.
Nhiều người biểu tình bất mãn vì ngân sách cho các công trình công cộng quá lớn khi đất nước còn nhiều người nghèo và vé đi tham dự các trận đấu quốc tế không dễ gì mua được. Chính vì thế, các cuộc biểu tình còn đả kích việc Chính phủ Brazil đổ hàng tỉ USD để chuẩn bị cho Olympic 2016, World Cup 2014 và Cúp Bóng đá Liên lục địa Confederations Cup đang diễn ra. “Giải Bóng đá sẽ đem lại nhiều thứ tốt đẹp cho Brazil, nhưng chúng tôi chống lại tham nhũng, tệ nạn đang lợi dụng World Cup để kiếm ăn” - Camila Sena, sinh viên đại học, 18 tuổi, tham gia xuống đường biểu tình, nói với phóng viên BBC.
5 thỏa thuận
Trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình, hồi cuối tháng 6/2013, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý về cải cách chính trị. Đề xuất này đã được trình lên Quốc hội vào ngày 2/7/2013. Trong văn bản do Phó Tổng thống Michel Temer và Bộ trưởng Tư pháp Jose Eduardo Cardozo nộp cho Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiro và Chủ tịch Hạ viện Henrique Eduardo Alves, bà Dilma Rousseff nêu bật sự cần thiết mở rộng dân chủ trực tiếp. Nếu đề xuất được thông qua, Tổng thống Brazil muốn người dân được cho ý kiến về năm điểm là: Cách thức tài trợ các chiến dịch tranh cử, hệ thống bầu cử, bãi bỏ chế độ Nghị sĩ Dự khuyết, quy định về liên minh đảng phái khi tranh cử và chấm dứt bỏ phiếu bí mật tại Quốc hội. Bà Dilma Rousseff mong muốn cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức trước tháng 10 để những cải cách được áp dụng tại cuộc tổng tuyển cử tháng 10/2014. (Hiến pháp Brazil quy định: Chỉ Quốc hội có quyền triệu tập cũng như xác định cách thức và nội dung trưng cầu ý dân. Theo kết quả một cuộc điều tra dư luận do Viện Thăm dò dư luận xã hội Datafolha của Brazil công bố, đề xuất trưng cầu ý dân được 68% số người được hỏi ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, điều này không phải là sự bảo đảm để nó được sớm thông qua như mong muốn của Chính phủ, do thời gian gấp gáp và một phần là do sự phản đối của phe đối lập. Bản thân nhiều Nghị sĩ cũng không muốn cải cách chính trị vì nó sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân của họ. Đây là lý do từ gần 15 năm qua, các cuộc thảo luận tại Quốc hội về cải cách chính trị không đạt được bất kỳ tiến triển nào. Về phía mình, các nhà lãnh đạo Quốc hội đều bày tỏ sự ủng hộ tổ chức trưng cầu ý dân).
Bà Dilma Rousseff cũng hứa sẽ tăng ngân sách giao thông công cộng, chú trọng y tế và giáo dục trong chương trình mà bà gọi là “5 thỏa thuận” với người dân. Sau đó, bà có cuộc gặp với Thị trưởng của Thủ đô Liên bang và các Thống đốc tại Thủ đô Brasilia để thông qua chương trình này.
Chương trình “5 thỏa thuận” với người dân của Tổng thống Brazil bao gồm: Cải cách chính trị, nâng cao trách nhiệm tài chính và tăng ngân sách y tế, giao thông và giáo dục.
Bà Dilma Rousseff cho biết, Chính phủ sẽ cấp thêm 50 tỷ reais (25 tỷ USD) để đầu tư thêm vào các dự án giao thông đô thị và cải thiện giao thông.
Tổng thống Brazil cũng nhấn mạnh trách nhiệm tài chính của các vị lãnh đạo, đề xuất trừng phạt nặng tay hơn với tội tham nhũng và cảnh báo nguy cơ lặp lại bạo động giống như hôm 20/6/2013.
Hay như, ngày 21/6/2013, lên tiếng trên truyền hình, Tổng thống Brazil đã kêu gọi mọi người bình tĩnh. Nhấn mạnh các cuộc biểu tình ôn hòa là điều sẽ xây dựng một nền dân chủ vững mạnh hơn, tuy nhiên bà cũng cảnh báo rằng, các hành vi bạo động có liên hệ tới các cuộc biểu tình sẽ không được tha thứ.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Dilma Rousseff đã triệu tập một phiên họp khẩn của Nội các để thảo luận về phong trào biểu tình ngày càng gia tăng cường độ, bất chấp những nhượng bộ của Chính phủ.
Một số cuộc xuống đường đáng chú ý
Ngày 11/7/2013, nhiều cuộc đình công và tuần hành với sự tham gia của hàng chục nghìn công nhân đã đồng loạt diễn ra tại 18 trên tổng số 26 bang của Brazil theo lời kêu gọi của các tổ chức nghiệp đoàn, trong khuôn khổ “Ngày Đấu tranh toàn quốc” nhằm yêu cầu giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc, tăng đầu tư cho các chương trình giáo dục, y tế và cải thiện chất lượng giao thông công cộng.
Trước đó, hôm 20/6/2013, ít nhất 1 triệu người biểu tình đã tụ tập tại hàng chục thành phố trên khắp đất nước Brazil, kể cả đám đông lên tới ít nhất 300.000 người tại Rio de Janeiro, nơi cảnh sát đã dùng hơi cay để khống chế đám đông. Trong hàng ngũ người biểu tình đã có thương vong. Tổng thống Brazil đã phải hủy các chuyến công du nước ngoài, trong đó có chuyến thăm chính thức Nhật Bản được lên kế hoạch (từ ngày 26 đến 28/6) trước đó, để đáp ứng các cuộc biểu tình được coi là lớn nhất tại nước này trong 2 thập niên qua.
Ở Sao Paulo - thành phố lớn nhất và cũng là “Thủ đô kinh tế” của Brazil - 10 nghìn người đã tham gia diễu hành chặn kín đường Avenida Paulista, một trong những con đường quan trọng nhất thành phố, trong một cuộc biểu tình chống lại đề xuất sửa đổi luật pháp. Sự thay đổi này có thể giới hạn quyền của Văn phòng Tổng Chưởng lý trong việc điều tra tham nhũng và các vụ án về lạm dụng chức quyền, theo giới quan sát. Được biết, các công tố viên liên bang là những người đã theo đuổi vụ tham nhũng lớn nhất của Brazil, khi công quỹ bị sử dụng để hối lộ các đảng liên minh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ chính trị.
Tại thành phố Santa Maria, phía Nam Brazil, 30 nghìn người đã xuống đường để phản đối nhiều vấn đề, trong đó có sự chậm chạp trong việc xét xử những người cáo buộc liên quan đến vụ cháy một vũ trường khiến 242 người bị chết hồi tháng 1.
Tiến Mạnh - Trung Anh
(Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang