Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 19/12/2011 - 15:57
(Thanh tra) - Chính quyền Québec nói riêng, Chính phủ Canada nói chung đều phải thừa nhận: Dù đã có nhiều biện pháp, giải pháp chống tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng, nhưng xem ra những giải pháp này đôi khi không thực sự hiệu quả.
Tình trạng tham nhũng hiện nay trong lĩnh vực xây dựng ở Québec là một sự “tái hiện” lịch sử.
Gian nan giải pháp chống tham nhũng
Từ nhiều tháng nay, cuộc tranh luận giữa các đảng phái chính trị về vấn đề tham nhũng và thông thầu trong ngành công nghiệp xây dựng ở Québec nói riêng và toàn Canada nói chung ngày càng gay gắt và đang hình thành nên 2 thái cực rõ ràng.
Bên thứ nhất muốn cho phép cảnh sát điều tra, bắt giữ và tống giam ngay tất cả những người dính líu tới bê bối tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, những người này lại e ngại, tham nhũng vốn đã ăn sâu trong lĩnh vực xây dựng nên không dễ gì những người mới lên thay thế có được tấm lòng sắt đá trước những “quả táo thơm lựng” của ngành xây dựng đang “bày biện” ngay trước mặt họ.
Trong khi đó, phe thứ hai thì cho rằng, cần phải lập hẳn một ủy ban điều tra độc lập chuyên về lĩnh vực xây dựng. Ủy ban này không vội vã truy tố những “con tốt” mà điều tra thật sâu nhằm phơi bầy tất cả những “chân rết” và cả những “con ong chúa” của hệ thống tham nhũng trong ngành xây dựng, vốn đang cực kỳ bê bối. Tuy nhiên, cũng giống bên thứ nhất, phe này lo rằng, hệ thống tham nhũng trong xây dựng luôn biến ảo khôn lường và biến tướng rất nhanh kể cả khi chúng bị đưa ra ánh sáng pháp luật. Thậm chí, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, trở thành những loại vi khuẩn cực độc và rất khó để loại trừ.
Chính vì thế, thời gian gần đây, Québec đang chuyển hướng tấn công tham nhũng. Thay vì tấn công trực diện, họ chọn giải pháp “đánh tỉa”, tức là tìm ra sai phạm ở những lĩnh vực liên quan mật thiết để từ đó tiêu diệt tham nhũng trong xây dựng. Đơn cử, Québec đang tập trung tìm ra những sai phạm, gian lận trong lĩnh vực tài chính, thuế để từ đó tìm ra mục đích thực sự của những gian lận, trốn thuế. Điều này không chỉ giúp Québec lôi miếng mồi trốn thuế béo bở ra khỏi bóng tối mà từ đó có thể phát hiện ra những hành vi gian lận, tham nhũng, thông thầu, vốn đã tồn tại quá nhiều bất ổn trầm trọng trong các hợp đồng xây dựng thời gian qua.
Mặc dù vậy, trong hầu hết những cuộc tranh luận giữa các đảng phái hiện nay về tình trạng tham nhũng trong xây dựng hay trong cả những cuộc điều tra đang triển khai của cảnh sát về tội phạm tham nhũng thì chẳng có ai, tổ chức nào, kể cả các nghị sĩ hay chính đảng có thể đưa ra được một giải pháp cụ thể hữu hiệu và ngay tức thời để loại bỏ tệ nạn ung nhọt này. Họ chỉ biết điều tra, truy tố, xét xử những cá nhân tham nhũng mà chưa thể tìm ra căn nguyên của căn bệnh trầm kha này. Có điều, nếu chưa thể tìm ra gốc gác của tham nhũng, thực chất, chính quyền vẫn đang tiến hành cuộc “đuổi hình, bắt bóng” với tình trạng tham nhũng hiện nay.
Bài học lịch sử bị quên lãng
Ở Québec không phải là không có những bộ luật trừng phạt tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng, quan trọng là, họ đã áp dụng luật này như thế nào trong cuộc chiến chống tham nhũng?
Từ trước đến nay, các nhà thầu xây dựng ở Québec đều thuộc lòng bài học “đặt giá thầu thật thấp để trúng thầu, sau đó xin chính quyền hỗ trợ để cân bằng lợi ích”. Theo một số nhà phân tích, hiện tượng này chẳng phải xa lạ mà đã xảy ra ở Mỹ thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngay ở Québec cũng từng xảy ra. Tuy nhiên, các cấp chính quyền, trải qua một thế hệ, dường như đã quên đi bài học về cuộc chiến chống lại các hành vi tham nhũng, vốn là tâm điểm ở Québec vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX.
Tham nhũng xây dựng tồn tại trong suốt nhiều năm qua ở Québec. Nhưng, nó chỉ thực sự “nóng” và được người dân quan tâm nhiều hơn khi những vụ tham nhũng, biển thủ, nhận hối lộ liên quan đến quan chức chính quyền và các nhà thầu xây dựng liên tục bị báo chí phanh phui.
Những vụ tham nhũng xây dựng đình đám trong thời gian gần đây nhắc người ta nhớ lại một thời kỳ “tham nhũng nóng bỏng” trong lĩnh vực xây dựng diễn ra tại Québec những năm 70 của thế trước. Cụ thể, năm 1975, Ủy ban Chống gian lận của Québec đã công bố bản báo cáo về tình trạng tham nhũng, biển thủ công quỹ ở mức trầm trọng trong lĩnh vực xây dựng, trong đó liên quan đến cả những chính trị gia, người đứng đầu chính quyền các cấp ở Québec và những trùm sỏ trong lĩnh vực xây dựng. Người ta dễ dàng thấy nổi lên những cái tên như Yvon Duhamel - “Người hùng của các công trường”, André “Dédé” Desjardins - “Vua xây dựng”. Thậm chí, tên của một vị Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nhân Québec (FTQ) cũng nằm trong báo cáo này do liên quan đến những cá nhân, tổ chức tội phạm mafia “khét tiếng” trong lĩnh vực xây dựng ở Québec hồi đó như Bertrand Theriault, Mantha, Meloche.
Cho đến nay, dường như lịch sử đang lặp lại. Tham nhũng xây dựng như đang trong giai đoạn “hồi xuân”, với hàng loạt bê bối đình đám liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản bị báo chí phanh phui, bị điều tra và đưa ra xử lý trước pháp luật.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích và nghiên cứu, các cấp chính quyền Québec hiện nay đã không coi trọng bài học lịch sử từng diễn ra hồi thập niên 70 của thế kỷ XX. Trải qua một thế hệ, phải chăng các quan chức đã “quên” bài học đắt giá này? Để thoát khỏi “văn hóa” tham nhũng, ít nhất cần trải qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, mới chỉ có một thế hệ, người ta đã vội quên đi bài học lịch sử thì đến bao giờ “văn hóa” tham nhũng mới thực sự mất đi trong đời sống xã hội ở Québec?
Điều này là rất khó, bởi theo các nhà phân tích, những quan chức biến chất đang cố gắng tận dụng quyền lực của mình không phải để làm giàu cho xã hội mà để mang lại thật nhiều lợi ích cho nhóm cá nhân nhỏ, để phục vụ lợi ích cho riêng họ. Hơn nữa, có mấy người đủ dũng cảm gạt bỏ đi những “miếng mồi béo bở” ngay trước mắt khi mà họ chỉ tại vị trong một thời gian ngắn. Chưa kể, khi rời vị trí, các cựu quan chức này cũng ít khi bị điều tra, xét xử, và nếu có thì hình phạt cũng chẳng đủ sức răn đe cho những thế hệ quản lý sau này. Thế nên, họ - những quan chức biến chất, sẵn sàng phá vỡ quy tắc, vi phạm pháp luật để “kết thân” với những nhà thầu bất chính, những nhà thầu chỉ muốn tối đa hóa lợi nhuận cho riêng mình. Và như vậy, rõ ràng, báo cáo của Ủy ban Chống gian lận Québec năm 1975 dường như chỉ là những tờ giấy vô nghĩa đối với họ.
Tham nhũng, có thể thấy, đang là một trong những căn nguyên quan trọng ngăn cản sự phát triển của một quốc gia, nhất là quốc gia đang phát triển. Theo tính toán, nếu 1 USD được dùng để hối lộ thì sự phát triển kinh tế của quốc gia có thể sẽ bị mất đi ít nhất 3 USD. Tham nhũng đã tạo nên một vòng luẩn quẩn. Tham nhũng ngăn cản, hạn chế sự phát triển kinh tế. Kinh tế kém phát triển sẽ sinh ra đói nghèo. Và, chính vì đói nghèo nên lại nảy sinh tham nhũng. Khi một hành vi tham nhũng không bị xét xử một cách thích đáng thì đương nhiên, những kẻ tham nhũng sẽ không những không sợ, mà mức độ tham nhũng càng tăng lên, và tiền đưa hối lộ cũng từ đó mà ngày càng nhiều lên.
Tham nhũng, sự tham lam và lười biếng đã khiến nhiều người, thay vì cống hiến tài năng để làm giàu cho xã hội, cho đất nước, lại sử dụng tài năng đó để “phân phối lại” nhằm mang lại lợi ích cá nhân cao nhất có thể. Thay vì tái đầu tư sản xuất, kinh doanh, những kẻ tham lam đã tìm mọi cách để đút vào túi riêng, gửi vào tài khoản ngân hàng ở nước ngoài (vừa để trốn thuế, vừa để che giấu hành vi gian lận) và thụ hưởng cuộc sống xa hoa, bất chấp những người xung quanh đang nghèo khó, vất vả như thế nào.
Tham nhũng bao giờ cũng là một hoạt động, hành vi bất hợp pháp, nhưng lại rất khó để đo lường được tổn thất mà nó đã gây ra cho xã hội. Ở Québec, người ta mới chỉ phân chia tham nhũng theo 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là tham nhũng giản đơn. Chẳng hạn, 1 lái xe taxi thường xuyên phải trả “một cốc bia” cho cảnh sát giao thông ở những chốt kiểm tra trên các quốc lộ, đường cao tốc hay người dân bình thường phải trả “một cốc cà phê” cho những nhân viên hành chính để giải quyết các thủ tục giấy tờ hành chính… Còn nhóm thứ hai là tham nhũng phức tạp. Ở nhóm này, người ta thường thấy xuất hiện chủ yếu trong hợp đồng giữa các doanh nghiệp với các tổ chức chính quyền trong quá trình đấu thầu và thực hiện các dự án, nhất là các dự án hạ tầng giao thông và xây dựng, bất động sản.
Cho đến nay, Québec mới bắt đầu tìm được hướng đi tích cực cho cuộc chiến chống tham nhũng. Trước hết là ở cơ chế khuyến khích thưởng cho những người phát hiện và tố cáo tham nhũng. Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ an toàn cho người tố cáo cũng được quan tâm hàng đầu trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng. Và, trên hết là những hình phạt thật nặng, xử lý thật kiên quyết cũng như công tác giáo dục đạo đức liêm khiết cho đội ngũ quản lý… không ngừng được nâng cao nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhất là tham nhũng xây dựng hiện nay ở.
Song Minh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Chu Tuấn
Trung Hà
Trần Quý
Văn Thanh
Hải Hà
Văn Thanh
Hương Giang
Vân Trang
Ngọc Giàu
TC