Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người không vì tình riêng

Thứ sáu, 20/11/2015 - 10:30

(Thanh tra)- Trên cơ sở kết luận thanh tra giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo tại Cty Ô tô Thừa Thiên - Huế do Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Vinh ký ngày 26/3/1991, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố và sau đó vụ án đã được đưa ra xét xử. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhìn lại, nhiều người vẫn luôn cảm phục về sự trong sáng của vị Chánh Thanh tra khi trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc này.

Cố Chánh Thanh tra Phan Vinh

Cuối năm 1990, Chánh Thanh tra Phan Vinh được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cử làm Trưởng đoàn thanh tra tại Cty Ô tô Thừa Thiên - Huế.

Nếu thanh tra ở đơn vị nào khác, hẳn ông sẽ không bị dằn vặt nhiều. Nhưng đằng này đối tượng bị thanh tra lại là bạn ông và hơn thế nữa.

Là Tỉnh ủy viên khi làm Bí thư huyện ủy A Lưới, Phan Vinh chơi khá thân với Đinh Hồng Phước, Tỉnh ủy viên dự khuyết, Giám đốc Cty Ô tô số 3 thuộc Sở Giao thông Vận tải Bình Trị Thiên.

Hơn ai hết, Phan Vinh là người hiểu bạn. Đinh Hồng Phước là kiều bào từ Thái Lan về nước từ những năm 1960. Từ một thợ tiện lành nghề, sau giải phóng, Đinh Hồng Phước là Quản đốc Phân xưởng Cơ khí, được đề bạt làm Phó Giám đốc và tiếp đó là Giám đốc Cty Ô tô số 3 Bình Trị Thiên. Anh sống hào phóng, lịch thiệp và quảng giao nên có nhiều bạn bè.

Năm 1987, mặc dù đất nước đang trên đà đổi mới nhưng nền kinh tế của Bình Trị Thiên gặp vô vàn khó khăn.

Cơn bão Cecil 1985 để lại di chứng khá nặng nề. Do phải dồn sức để tu sửa đường sá, công trình thủy lợi, trạm xá, trường học và đặc biệt là xây dựng hàng chục khu tái định cư cho đồng bào mất thuyền bè trên phá Tam Giang nên ngân sách địa phương ngày một cạn kiệt.

Do thiếu vốn và vật tư, nhiều nhà máy, xí nghiệp, Cty chỉ sản xuất hoặc kinh doanh cầm chừng; đời sống của công nhân gặp vô vàn khó khăn.

Được làn gió đổi mới của Đại hội VI cổ vũ, Đinh Hồng Phước lập đề án nhằm tự cứu đơn vị mình. Và mô hình làm thử từ chuyên doanh vận tải chuyển sang kinh doanh tổng hợp của Cty Ô tô số 3 đã được Tỉnh ủy và Chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên thông qua.

Nhiều người hy vọng đây sẽ là mô hình mới nhằm tháo gỡ những di họa của nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp đang ngự trị và hằn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người.

Những năm đầu, doanh nghiệp này kinh doanh khá hiệu quả. Từ thua lỗ, hơn 800 cán bộ, công nhân của Cty có được việc làm và thu nhập ổn định, đời sống tinh thần được nâng cao; không ít cán bộ đã gửi con em hoặc người thân của mình vào đây.

Từ nguồn lãi nhờ kinh doanh tổng hợp, Cty Ô tô số 3 đã tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nâng cấp và mở rộng bãi đỗ xe, văn phòng làm việc, mua sắm thêm phương tiện vận tải và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Nhờ giải quyết hài hòa ba lợi ích nên năm 1987, Cty Ô tô số 3 được tặng thưởng Cờ Luân lưu của Hội đồng Bộ trưởng; năm 1988 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhưng đến giữa năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Cty Ô tô số 3 Bình Trị Thiên trở thành Cty Ô tô Thừa Thiên - Huế. Bà Lê Thị Kim Oanh vốn là Kế toán Trưởng được đề bạt làm Phó Giám đốc Cty Ô tô Thừa Thiên - Huế.

Nhiều người cứ nghĩ Cty sẽ tiếp tục thăng tiến nhưng ít ai ngờ chưa đầy nửa năm sau, bà Lê Thị Kim Oanh đã gửi đến các vị lãnh đạo của Thừa Thiên - Huế phản ánh về những việc làm sai trái của Giám đốc Đinh Hồng Phước!

Nhiều người cho rằng đây chỉ là mâu thuẫn nội bộ nên để nội bộ giải quyết nhưng do giải quyết thiếu thỏa đáng nên vụ việc ngày trở nên phức tạp dẫn đến đối đầu.

Trong khi bà Lê Thị Kim Oanh gửi đơn thư tố cáo thì đúng vào thời điểm đó, Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế lại ra quyết định miễn chức Phó Giám đốc Cty của bà.

Vụ việc trở nên “nóng” khi tờ Lao Động chủ nhật liên tiếp đăng loạt bài điều tra của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân vạch rõ những sai phạm ở Cty Ô tô Thừa Thiên - Huế.

Thấy vụ việc đã trở nên trầm trọng, đầu tháng 11/1990, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định về việc “Thanh tra kết luận dứt điểm từng vụ việc theo nội dung đơn khiếu nại, tố cáo về quá trình quản lý sản xuất kinh doanh và tuyển dụng tại Cty Ô tô Thừa Thiên - Huế” và giao cho Chánh Thanh tra Thừa Thiên - Huế Phan Vinh làm Trưởng đoàn.

Khi biết mối quan hệ giữa Chánh Thanh Tra Phan Vinh và Giám đốc Đinh Hồng Phước, dư luận đặt không ít hoài nghi, liệu việc làm của vị Chánh Thanh  tra có thật sự khách quan, đúng pháp luật?

Dưới sự chỉ đạo của Chánh Thanh tra Phan Vinh, Đoàn Thanh tra liên ngành Thừa Thiên - Huế đã về tận nơi trực tiếp kiểm tra chứng từ, hàng hóa, sổ sách và trực tiếp đối thoại. Sau hơn 3 tháng tập trung kiểm tra hoạt động ở 5 đơn vị trực thuộc Cty Ô tô Thừa Thiên - Huế gồm: Văn phòng Cty, Xí nghiệp dịch vụ tổng hợp, Cửa hàng Hồng Vân, Xí nghiệp đại lý thiết bị phụ tùng và Xí nghiệp dịch vụ vận tải du lịch, ông Phan Vinh khẳng định: “Những nội dung đơn thư bà Lê Thị Kim Oanh tố cáo về hiện tượng là đúng; còn  bản chất, mức độ mỗi nội dung, độ chính xác có khác nhau nhưng đều đúng và có thật”.

Bản Kết luận thanh tra do Chánh Thanh tra Phan Vinh ký ngày 26/3/1991 cho biết: Trong quá trình làm thử, Cty Ô tô Thừa Thiên - Huế đã có những vi phạm cơ chế chính sách và pháp luật hiện hành về công tác nhân sự, kế toán, thống kê, quản lý ngoại hối, sử dụng quota và chi phí.

Bằng những chứng cứ, số liệu khách quan, bản kết luận đã chỉ ra những sai phạm của Cty; đồng thời không e ngại khi nêu lên những khuyết điểm của một số ngành, ví như Sở Giao thông Vận tải “Khi có đơn thư tố cáo không giải quyết khách quan, làm qua loa và kết luận một chiều; đối với Sở Tài chính vật giá “Khi duyệt quyết toán đã phát hiện những dấu hiệu sai phạm nhưng không đề xuất thanh tra để kịp thời uốn nắn”; đối với ngân hàng “Đã thiếu kiểm tra giám sát việc vay và sử dụng vốn vay”; đối với một số cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật “Còn bỏ qua một số thủ tục, nguyên tắc khi kiểm tra, kiểm soát các hoạt đông của Cty”; đối với một số bài báo đăng tải “Đã biểu dương phản ánh một chiều những ưu điểm, năng động sáng tạo của Cty và xem như một nhân tố mới hoàn chỉnh làm cho Ban Giám đốc Cty chậm nhìn ra những khuyết điểm, khó khăn và sai phạm của mình”.

Riêng đối với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, bản Kết luận nêu rõ: “Khi chuyển đổi cơ chế, có quyết định cho làm thử, cũng như khi quyết định hoặc xác nhận cho Cty một số việc làm cụ thể đã thiếu sự theo dõi, kiểm tra, phân công trách nhiệm cho các ngành chức năng theo dõi; khi có đơn thư tố cáo và công luận lên tiếng, chậm tổ chức thanh tra, kiểm tra giải quyết kịp thời”.

Những người theo dõi vụ việc thừa nhận đây là bản kết luận công tâm và khách quan, phản ánh đúng bản chất vụ việc và họ khá bất ngờ khi biết người ký bản kết luận ấy - Chánh Thanh tra Phan Vinh lại là thông gia của đối tượng bị thanh tra - Giám đốc Đinh Hồng Phước!

Có lẽ đây là trường hợp hiếm gặp nên để lại ấn tượng sâu sắc.

Phạm Hữu Thu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh tra tỉnh Sóc Trăng: Gắn phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

Thanh tra tỉnh Sóc Trăng: Gắn phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

(Thanh tra) - Năm 2024, phong trào thi đua của Thanh tra tỉnh Sóc Trăng được triển khai kịp thời, bám sát hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa địa phương. Qua thực hiện phong trào thi đua đã đạt được những kết quả quan trọng về nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.

Thu Huyền

10:30 25/11/2024
Người cán bộ thanh tra luôn tận tâm, tận lực, trách nhiệm, có nhiều đổi mới, sáng tạo

Người cán bộ thanh tra luôn tận tâm, tận lực, trách nhiệm, có nhiều đổi mới, sáng tạo

(Thanh tra) - Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Lào Cai Nguyễn Thế Bình tâm niệm luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy, những cán bộ làm công tác văn phòng, luôn tận tâm, tận lực, trách nhiệm, có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nam Dũng

09:00 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm