Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xây dựng Việt Nam thành xã hội học tập hòa nhập, sáng tạo

Thứ ba, 17/12/2013 - 16:31

(Thanh tra) - Sáng nay (17/12) tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Quốc gia “Xây dựng xã hội học tập (XHHT) từ tầm nhìn đến hành động”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chủ trì Hội thảo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội thảo. Ảnh: Hải Hà

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/12 nhằm chia sẻ và thảo luận về xây dựng XHHT cho Việt Nam trong công cuộc phát triển và bối cảnh hội nhập Asean đến năm 2015 cũng như trong 1 thế giới toàn cầu hóa. Hội thảo có sự tham gia của hơn 120 đại biểu đại diện cho 23 cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính quyền các địa phương, các cơ quan của Liên hợp quốc….

Phát huy truyền thống hiếu học để xây dựng XHHT

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tái khẳng định truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam: Dân tộc Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến thắng nhiều thiên tai, địch họa để xây dựng đất nước như ngày hôm nay. Để làm được điều đó, bên cạnh yếu tố dũng cảm kiên cường, chịu thương chịu khó còn 1 yếu tố hết sức quan trọng đó là truyền thống hiếu học. Từ xưa đến nay, sự học luôn luôn được đề cao trong mọi gia đình và trong xã hội. Ngay biểu tượng của Thủ đô Hà Nội cũng là Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Bước vào đầu thời kỳ cách mạng, Bác Hồ đã kêu gọi diệt “giặc dốt”, coi “giặc dốt, giặc đói” cũng như giặc ngoại xâm. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, năm 1945 từ một đất nước có đến 94% dân số mù chữ, đến năm 2000 thì 94% đã biết đọc, biết viết, nhiều địa phương đã phổ cập được giáo dục tiểu học, tiến tới phổ cập THCS. 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hải Hà

“So với các nước có trình độ phát triển kinh tế, xã hội ngang bằng Việt Nam, có thể nói rằng giáo dục, đào tạo nói riêng và các vấn đề liên quan đến con người nói chung luôn được Đảng, chính quyền và nhân dân hết lòng chăm lo. Cụ thể: Từ năm 2005, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2005 - 2010 và mới đây Đề án Xây dựng XHHT từ nay đến năm 2020 đã bắt đầu được triển khai với 3 quan điểm, 4 mục tiêu, 7 giải pháp, cùng sự phân công trách nhiệm rất rõ giữa tất cả các cấp, các ngành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để xây dựng, thực hiện có hiệu quả đề án XHHT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải làm sáng tỏ nhiều vấn đề: Như thế nào là học tập suốt đời? XHHT có những đặc trưng gì? Chỉ tiêu nào để đánh giá XHHT? Chủ thể, đối tượng trong xã hội học tập…

Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu, xây dựng XHHT nhưng phải phù hợp với điều kiện từng vùng, từng miền, từng đối tượng: Ở thành phố khác với ở nông thôn, bà con vùng dân tộc khác vùng đồng bằng, người bình thường khác với người khuyết tật... 

5 giải pháp xây dựng XHHT

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng đã chia sẻ 5 điểm đáng lưu ý trong quá trình bàn các giải pháp để thực hiện Đề án Xây dựng XHHT ở Việt Nam một cách tốt nhất. 

Thứ nhất, trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế không chỉ xây dựng công dân Việt Nam thành công dân toàn cầu mà phải gắn với việc tiếp thu những tinh hoa giáo dục, văn hóa của nhân loại, đồng thời, đưa những giá trị của nền văn hiến, văn hóa, con người Việt Nam góp phần chung vào văn minh nhân loại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Hải Hà

Thứ hai, cần tận dụng tối đa những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay để tạo điều kiện cho một công dân học tập suốt đời, cho một xã hội học tập được thực hiện nhanh hơn với nhiều hình thức khác nhau như: Giáo dục từ xa, dạy học qua truyền hình… Cụ thể hóa điều này, Phó Thủ tướng đưa ra dẫn chứng, nếu 50 năm trước đây có ai đó nói rằng 1 người ngồi ở Hà Nội và nói chuyện được với 1 người ở Washington thì mọi người chỉ có thể nói rằng đó là Phật, là Tiên, là Thánh nhưng bây giờ công nghệ thông tin làm được việc đó.

Thứ ba, việc xây dựng xã hội học tập dành cho tất cả mọi người nhưng phải phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm trước hết là những người gặp nhiều khó khăn, dễ bị thiệt thòi như phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, ở những vùng thường xuyên bị thiên tai... “Chúng ta không cào bằng tất cả để thực sự mọi người dân đều được hưởng lợi ích của sự phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ tư, các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, hoạch định chính sách cần xác định được những trở ngại chính trong việc thực hiện XHHT qua kinh nghiệm của các nước và ở Việt Nam mà trong đó có những trở ngại tưởng chừng không liên quan đến xây dựng XHHT như: Cơ chế đánh giá cán bộ qua bằng cấp, hiệu quả công việc hay qua lý lịch… đây là những điều rất cần phải nhận diện để giải quyết.

Thứ năm, phải hết sức cổ vũ cho sáng tạo, đổi mới. Dòng chảy cuộc đời không bao giờ dừng lại, cái mới hôm nay có thể trở nên lạc hậu trong ngày mai. Và làm sao hết sức cầu thị, cổ vũ mọi người phát huy sáng kiến mới, sáng tạo mới, qua đó phát huy tất cả sức mạnh của nhân dân, chuyên gia trong và ngoài nước, để trước hết xây dựng một xã hội học tập và sau đó là phục vụ cho công cuộc phát triển của đất nước.

Xây dựng XHHT giúp Việt Nam tránh khỏi cạm bẫy thu nhập trung bìnhBà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ảnh: Hải HàBà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, cam kết xây dựng XHHT là yếu tố căn bản để Việt Nam tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuyển giao sang nền kinh tế kỹ thuật và tay nghề cao, đặt nền tảng cho sự tăng trưởng hội nhập và bền vững.“Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn về tài chính, đòi hỏi phải có những đầu tư thông minh. Và không có sự đầu tư nào giá trị bằng đầu tư cho giáo dục. Trong bối cảnh này, sự cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng XHHT và ưu tiên cho giáo dục và phát triển nguồn lực trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 là điều rất đáng hoan nghênh”, bà Pratibha Mehta nhận xét.Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong giáo dục và bình đẳng giới thể hiện trong tỷ lệ nhập học và hoàn thành giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Quốc gia đã có tỷ lệ biết chữ cao cũng như tỷ lệ nhập thô cao trong giáo dục THCS và THPT. Những tỷ lệ nhập học cao này phản ánh cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng XHHT, thúc đẩy học tập suốt đời để mọi người dân được học tập liên tục trong cuộc đời.“Tuy nhiên, trong quá trình xác định thế nào là XHHT trong bối cảnh Việt Nam, cần phải nhấn mạnh XHHT đồng thời phải là một xã hội hòa nhập. Quyền giáo dục phải được phổ cấp và khả năng tiếp cận phát triển kỹ năng phải được bảo đảm cho mọi người, gồm cả các đối tượng dân tộc thiểu số, phụ nữ, người khuyết tật và người dân ở cả vùng nông thôn và thành thị”, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm