Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nơi dạy chữ - dạy nghề cho con em dân tộc thiểu số

Đức Long

Thứ tư, 17/11/2021 - 17:37

(Thanh tra) - Thành lập tháng 6/2016, sau 5 năm học (2016-2021), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã huy động được hơn 800 học viên (HV), trong đó 230 HV đã tốt nghiệp THPT.

Lãnh đạo Trung tâm trao giấy khen cho HV có thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: Trung Hiếu

Mở 12 lớp liên kết trình độ trung cấp chuyên nghiệp cho gần 200 HV. Đào tạo nghề cho hơn 1.500 HV là lao động nông thôn. Những con số trên đã khẳng định, Trung tâm GDNN-GDTX Đà Bắc thực sự là mái nhà chung, nơi dạy chữ, dạy nghề cho con em dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của huyện.     

Đem chữ về xã

Đà Bắc là huyện vùng cao, gần 90% dân số là đồng bào DTTS. Là huyện nghèo nhất của tỉnh Hòa Bình, 13/17 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Dân cư không tập trung, giao thông chưa phát triển, nhất là các xã vùng cao, vùng hồ Hòa Bình như: Nánh Nghê, Đồng Chum, Đoàn Kết, Tân Pheo, Vầy Nưa, Đồng Ruộng, Tiền Phong.

Khoảng hơn 10 năm về trước, việc học của con em các DTTS từ bậc THCS lên bậc THPT rất khó khăn. Vì vậy, trình độ văn hóa của phần lớn cán bộ công chức cấp xã vùng DTTS và MN chỉ mới hết lớp 7 (hệ 7/10).

Năm 2004, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 04/2004 ngày 16/01/2004 về tiêu chuẩn đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn thì nhu cầu học văn hóa không chỉ đối với học sinh tốt nghiệp THCS không có điều kiện vào học các trường THPT mà còn là vấn đề cấp thiết đối với cán bộ các xã vùng DTTS ở Đà Bắc. Vì vậy nhiệm vụ của Trung tâm GDTX là rất nặng nề vừa đáp ứng nhu cầu học văn hóa của đội ngũ cán bộ đương nhiệm ở cấp  xã, thôn bản vừa đào tạo văn hóa bậc THPT cho lớp cán bộ nguồn, trong diện quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, chính quyền cấp xã.

Qua các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, nghề mây tre đan được bảo tồn, phát triển. Ảnh: ĐL

Ông Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Đà Bắc cho biết, chất lượng đầu vào của Trung tâm không đồng đều cả về trình độ và lứa tuổi. Đối với HV là cán bộ xã, thôn bản, tuổi đời đều trên 30 - 40 tuổi, tiếp thu chậm, kiến thức văn hóa bậc THCS yếu do thời gian nghỉ học đã lâu. HV là học sinh mới tốt nghiệp THCS, phần lớn là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở xa không có điều kiện vào các trường THPT. Có em là lao động chính trong gia đình. Từ đặc thù trên, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch họat động một cách khoa học phù hợp với thực tế điều kiện của HV, thậm chí phải xây dựng kế hoạch đào tạo, giảng dạy với từng khóa học, từng lớp học, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Hàng năm, Trung tâm tuyển sinh bình quân từ 80 HV đến 100 HV khối 10. Với phương châm “ở đâu có học viên, ở đó có lớp học GDTX”, trước thềm năm học mới, Trung tâm thành lập các tổ công tác về các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của cán bộ, thanh niên, học sinh đã học xong THCS. Từ đó lập kế hoạch mở lớp học theo vùng, cụm dân cư.

Trong 5 năm qua, Trung tâm đã mở 6 lớp văn hóa chương trình GDTX cấp THPT tại các xã Nánh Nghê, Yên Hòa, Mường Chiềng cho hơn 200 HV. Trong đó nhiều HV là cán bộ ban, ngành, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên), trưởng các xóm bản không có điều kiện về học tại Trung tâm. Với giải pháp này, Trung tâm đã “xóa mù chữ” (có trình độ văn hóa THPT) cho con em vùng DTTS trong huyện. Đây là bước đột phá đem lại hiệu quả thiết thực, gây được ấn tượng tốt đẹp của đồng bào DTTS với Trung tâm GDNN-GDTX huyện vùng cao Đà Bắc.

Học viên lớp trung cấp điều dưỡng thực hành tại Trung tâm. Ảnh: ĐL

Đi đôi với mở rộng quy mô trường lớp, là chất lượng dạy và học. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được cán bộ, giáo viên coi trọng, thực hiện bằng hành động thiết thực, hiệu quả. Đó là: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như, tăng cường cơ sở vật chất; đổi mới phương pháp giảng dạy; đưa công nghệ thông tin vào dạy học. Tạo mọi điều kiện để giáo viên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên tổ chức hội giảng, thao giảng, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn. Từ đó, cán bộ, giáo viên có điều kiện để trao dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Hiện tại Trung tâm có 25 cán bộ, giáo viên, trong đó có 2 giáo viên trình độ cao học, 13 giáo viên trình độ đại học.

Về cơ sở vật chất, có 14 phòng học xây dựng kiên cố, 03 phòng thực nghiệm, 30 máy vi tính, 25 máy may công nghiệp.

Hàng năm tỷ lệ HV đỗ tốt nghiệp đạt 97 - 100%. Nhiều HV thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Chất lượng giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng cao. Hàng năm Trung tâm đều có giáo viên, HV tham dự kỳ thi giáo viên, học sinh giỏi chương trình GDTX  cấp THPT và đều có giáo viên, HV đạt giải cao.

Dạy nghề tại trường

Gắn kết giữa học văn hóa với học nghề là mô hình được triển khai từ nhiều năm tại Trung tâm GDNN-GDTX Đà Bắc. Thực tế mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực cho HV. Sau khi tốt nghiệpchương trình GDTX cấp THPT, đồng thời HV cũng có trong tay tấm bằng trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên để HV có đủ điều kiện hành nghề sau đào tạo nghề, Trung tâm GDNN-GDTX Đà Bắc đã phải dày công nghiên cứu thị trường lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ đó vận dụng vào thực tế trình độ, năng lực, nguyện vọng của HV để liên kết mở lớp dạy nghề cho phù hợp, hiệu quả. Đảm bảo HV có nghề, có việc.

Giám đốc Trung tâm Đinh Anh Tuấn cho biết,  trong 5 năm (2016 - 2020), Trung tâm đã liên kết với một số trường cao đẳng nghề mở 22 lớp trình độ trung cấp chuyên nghiệp với trên 450 HV tham gia. Các nghề được HV tham gia học nhiều là: Kế toán doanh nghiệp; Công nghệ thông tin; Quản lý nông trại; Phát triển nông thôn; Pháp luật; Chăn nuôi thú y; Quản lý tài nguyên rừng. Phần lớn HV sau khi tốt nghiệp, đều có việc làm, phục vụ nhu cầu công việc tại địa phương.

Lớp học khối 12 chương trình GDTX cấp THPT tại xã Náng Nghê. Ảnh: ĐL

Ông Xa Hữu Ban, 65 tuổi, cựu HV Trung tâm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Chiềng, nguyên Trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc cho biết, khóa học văn hóa GDTX cấp THPT đầu tiên dành cho cán bộ xã vùng cao, DTTS hơn 30 người, một tuần học hai ngày vào thứ bảy và chủ nhật. Sau khóa học văn hóa, ông Ban cùng một số HV tiếp tục theo học lớp cao đẳng nông nghiệp. Người học Khoa Trồng trọt, người học Khoa Quản lý kinh tế, sau này phần lớn anh em trong khóa học đều trưởng thành, giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở xã, phòng, ban của huyện như: Ông Xa Văn Pầng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Pheo, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; Xa Văn Cò, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Chiềng; Bùi Văn Xuôi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vầy Nưa; Xa Văn Thịnh, Chủ tịch xã Đồng Chum; Đặng Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê, Bùi Mạnh Hùng Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện…

Ông Ban khẳng định: Cán bộ xã là HV lớp trước đã nghỉ hưu hay lớp sau đang công tác đều có trình độ văn hóa, có năng lực chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Ông Xa Văn Cò, 64 tuổi, cựu HV Trung tâm, tâm đắc: Với con em là người DTTS ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Đà Bắc thì Trung tâm GDNN-GDTX là mô hình đào tạo phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực. Các cháu được học chữ, được học nghề. Có bằng tốt nghiệp cấp THPT có chứng chỉ nghề. Đấy như cái “cần câu” để các cháu đàng hoàng bước vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp.

Ông Đinh Anh Tuấn cho biết, cùng với việc liên kết đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, Trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm, Trung tâm đã mở 39 lớp với hơn 1.100 người tham gia. Chủ yếu là HV Trung tâm và một số là lao động nông thôn. Qua điều tra sơ lược cho thấy, khoảng 70% HV học nghề tại Trung tâm đã có việc làm ổn định tại các khu công nghiệp ở Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Từ các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, nhiều ngành nghề truyền thống như: mây, tre đan, dệt thổ cẩm được khôi phục, bảo tồn và phát triển, đây là những sản phẩm thiết yếu phục vụ cho các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Trong giai đoạn tới, Trung tâm GDNN-GDTX Đà Bắc tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, đưa lớp học về các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Hướng tới mục tiêu “ở đâu có học viên, ở đó có lớp học GDTX cấp THPT”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm