Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lo hay mừng?

Thu Huyền - Nhật Tường

Thứ sáu, 28/05/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 tại TP Hồ Chí Minh sắp diễn ra. Theo thống kê, có hơn 16.000 học sinh lớp 9 ở địa phương này không đăng ký thi vào lớp 10.

Năm nay có 83.324 học sinh lớp 9 tại TP Hồ Chí Minh đăng ký thi lên lớp 10, tỷ lệ 83,68%. Ảnh: TH

Hệ quả từ đề án phân luồng học sinh sau THCS

Trong một văn bản gửi Báo Thanh tra vào ngày 21/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho hay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 có 83.324 thí sinh trong tổng số 99.569 học sinh lớp 9 đăng ký thi lên lớp 10, chiếm tỷ lệ 83,68%. Như vậy, có 16.245 học sinh lớp 9 tại TP Hồ Chí Minh không tham gia thi vào lớp 10 trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Trước thực trạng này, có một số ý kiến thể hiện sự lo ngại về việc hàng vạn học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) nếu không tiếp tục theo học tại cấp học trung học phổ thông (THPT) thì liệu có bao nhiêu học sinh trong số đó sẽ tiếp tục học nghề hoặc tham gia các hình thức học tập khác? Đối với những học sinh không tiếp tục học thì liệu các em đã đủ sức khỏe, tâm lý, kỹ năng và nhận thức để gia nhập thị trường lao động hay chưa?

Tuy nhiên, đối với phần lớn phụ huynh, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục thì thực trạng nói trên lại là một tín hiệu đáng mừng. Cụ thể, đây là hệ quả tích cực từ việc thực hiện các đề án và kế hoạch về phân luồng học sinh sau THCS tại TP Hồ Chí Minh.

Về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu trên Báo Tuổi trẻ: "Hơn 16.000 học sinh lớp 9 không đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập là vì các em đã chủ động lựa chọn con đường học tập khác phù hợp với năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình mình. Trong đó, hình thức học tập được nhiều học sinh chọn lựa là học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh".

Theo ông Lê Hoài Nam, xu hướng học sinh chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS cho thấy công tác phân luồng học sinh sau THCS ở TP Hồ Chí Minh đã có những kết quả khả quan. Hiện tại các trường nghề trên địa bàn TP đã cải tiến rất nhiều cả về cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy. Cùng với đó, chính sách ưu đãi, miễn 100% học phí đối với học sinh mới tốt nghiệp THCS đăng ký học trường nghề cũng là điểm hấp dẫn, thu hút nhiều học sinh theo học hình thức này.

Việc hơn 16.000 học sinh tốt nghiệp THCS “rẽ hướng” sang học trường nghề cũng góp phần đáng kể làm giảm áp lực kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi kỳ thi năm nay diễn ra vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3/6/2021. Ảnh: TH

Hiệu quả chưa như mong đợi

Cũng tại văn bản gửi Báo Thanh tra, Sở GD&ĐT cho biết, đã triển khai các đề án và kế hoạch về phân luồng học sinh sau THCS với nhiều giải pháp đa dạng, nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi.

Theo Văn bản số 3813/KH-GDĐT-TrH ngày 13/11/2020 của Sở GD&ĐT thì Sở GD&ĐT phối hợp với các đơn vị, các chuyên gia, thực hiện kế hoạch tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS năm học 2020 - 2021 trong thời gian từ ngày 15/12/2020 đến ngày 31/5/2021.

Kế hoạch này được triển khai qua nhiều hình thức, nội dung, với mục tiêu trợ giúp thông tin về tuyển sinh, về hướng học, hướng nghề, hướng trường đến các học sinh THCS trên địa bàn TP; tư vấn ngành nghề phân luồng giúp cho học sinh lựa chọn hướng đi sau THCS ở các trường trung cấp, cao đẳng, liên thông, học nghề ngắn hạn… tạo cầu nối giữa các trường THPT, trung cấp, cao đẳng, trường đào tạo nghề tiếp xúc, tư vấn cho học sinh và phụ huynh trên địa bàn TP.

Là một trong những địa phương triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS khá sớm, liên tục trong nhiều năm, TP Hồ Chí Minh đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề vẫn còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận không nhỏ phụ huynh, học sinh còn nặng về lối suy nghĩ phải tốt nghiệp THPT thì mới được coi là đủ trình độ văn hóa, học vấn…

Mặt khác, do công tác tuyên truyền, tư vấn về hướng nghiệp và phân luồng sau THCS còn có những hạn chế cả về nội dung và hình thức, chưa có sự đồng bộ nên sự thu hút chưa cao, chưa thực sự tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của phần lớn phụ huynh và học sinh.

Tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS” do Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 9/3/2021, PGS TS Đỗ Thị Bích Loan, chủ nhiệm đề tài cho biết, phân luồng học sinh là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Ở Việt Nam, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Mặc dù được thực hiện từ lâu và đã có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, nhưng phân luồng học sinh vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo công bố của Sở GD&ĐT, năm học 2021 - 2022, toàn TP sẽ tuyển tổng cộng 67.989 học sinh vào lớp 10 cho 114 trường THPT công lập trên địa bàn. Kỳ thi tuyển sinh chính thức diễn ra trong hai ngày 2 và 3/6/2021.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm