Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiến kế dạy nội dung PCTN hiệu quả

Thứ bảy, 05/04/2014 - 08:43

(Thanh tra) - Bắt đầu từ năm học 2013 - 2014, nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được đưa vào dạy tích hợp trong môn Giáo dục công dân ở các trường THPT. Tuy nhiên, để dạy nội dung này một cách hiệu quả, tạo được hứng thú cho học sinh, đây là bài toán khiến không ít thầy cô giáo đau đầu.

Các hoạt động ngoại khóa như thi học sinh với pháp luật, làm báo tường... sẽ giúp học sinh tiếp cận với nội dung PCTN một cách nhẹ nhàng hơn. Ảnh: Internet

>> Thầy cô gặp khó khi dạy PCTN 

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Trường THPT Thăng Long, Hà Nội cho biết: Để dạy nội dung PCTN trong trường THPT không hề đơn giản, bởi các em học sinh không hào hứng với nội dung này, nhiều em thấy hơi sớm, chưa phù hợp với lứa tuổi. Muốn thay đổi được nhận thức của các em, giáo viên phải định hướng lại cho các em, phải đóng vai là người tuyên truyền pháp luật, phân tích cho các em thấy PCTN là phòng hơn chống, giáo dục PCTN là giáo dục từ xa, lấy nội dung PCTN để giáo dục đạo đức, để hoàn thiện nhân cách.

"Để tạo hứng thú cho các em, phương pháp dạy đóng vai trò quan trọng. Hiện, trường chúng tôi đã sử dụng phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, giải quyết tình huống thông qua các hoạt động nhóm, dự án... Cùng với đó là sử dụng các kỹ thuật dạy học chủ yếu là động não tập thể để phát huy tính tích cực của học sinh, giáo viên chỉ là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn hoạt động của học sinh”, cô Nhung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, giáo viên chính là nhân tố quyết định thành công trong dạy tích hợp này. Bên cạnh truyền đạt kiến thức, giáo viên phải chú trọng đến việc kiểm tra, đánh giá học sinh sau khi học hết học kỳ. 

Đặc biệt, ông Đạt nhấn mạnh tới sự tác động từ các phương tiện truyền thông trong dạy học PCTN, bởi thông qua các phương tiện truyền thông, các em thấy rõ thực trạng tham nhũng hiện nay. Từ đó tác động lớn đến niềm tin, nhận thức và thái độ của các em. Vì vậy, để việc dạy học PCTN cho học sinh hiệu quả thì cần xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng cũng như phải có biện pháp xử lý các thông tin thất thiệt, tràn lan. 

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường THPT Ba Vì, Hà Nội nêu ý kiến, nên giảm một số bài học trong sách giáo khoa môn Giáo dục công dân và thay vào đó là nội dung dạy PCTN, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của Bộ đưa ra là dạy PCTN nhưng không tăng thời gian, không tạo thêm nặng nề cho học sinh.

Về vấn đề này, tiến sĩ Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra chia sẻ, việc giáo dục PCTN muốn tránh nặng nề cho học sinh, trước hết giáo viên phải có cái nhìn đa chiều, không chỉ đưa các dẫn chứng về tiêu cực, tham nhũng mà cần ca ngợi về những hình ảnh, việc làm tốt, con người tốt như là tấm tương để học tập, nhân rộng.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay có 3 phương pháp dạy tích hợp, đó là tích hợp toàn phần, tích hợp bộ phận và tích hợp liên hệ. Riêng với dạy tích hợp PCTN trong môn Giáo dục công dân, các thầy cô giáo nên dạy tích hợp bộ phận và liên hệ. Bên cạnh đó, phải kết hợp hài hòa các phương pháp dạy học tích cực như: Nêu tình huống, giải quyết tình huống thông qua việc cho học sinh làm việc nhóm. Ngoài dạy học trên lớp, nên tổ chức hoạt động ngoại khóa như: Tổ chức thi học sinh với pháp luật, phiên tòa giả định...

Trước thực trạng giáo viên kêu khó trong việc đưa dẫn chứng vào bài giảng PCTN, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, giáo viên nên chọn ví dụ sát với học sinh, với tình hình địa phương, những vụ án đã công khai, có tính thời sự như vụ Dương Chí Dũng… Trong khi khai thác các ví dụ, thầy cô nên khai thác ở khía cạnh các vụ tham nhũng đều bị xử lý nghiêm để vừa có tính răn đe vừa tạo niềm tin cho các em.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cung cấp thêm, các thầy cô giáo muốn có tài liệu chính thống để dạy PCTN có thể vào trang Thông tin Điện tử của Thanh tra Chính phủ, trang Thông tin Điện tử của Viện Khoa học Thanh tra và trang Thông tin Điện tử của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy tài liệu.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm