Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Viết tiếp bài “Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng nhiều lần bị phê bình”:

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Nam Dũng

Thứ ba, 10/12/2024 - 20:00

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Trường Tiểu học chèn môn tiếng Anh trung tâm liên kết với bên ngoài giảng dạy vào tiết học chính khóa trong thời khóa biểu, trong khi tiết học tiếng Anh chính khóa đã có, là trái quy định. Ảnh: ND

Ngày 23/10/2024, Sở GD&ĐT Ninh Bình có Quyết định số 865 thành lập đoàn kiểm tra chuyên môn và các cơ sở giáo dục tiểu học năm học 2024 - 2025.

Đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GD&ĐT, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tại các cơ sở giáo dục tiểu học: Công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch chuyên môn của tổ/khối, kế hoạch bài dạy của giáo viên.

Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục, công tác nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh; thực hiện giáo dục STEM; giáo dục kỹ năng công dân và một số hoạt động ngoài giờ chính khóa.

Thời gian kiểm tra từ tháng 10/2024 đến tháng 11/2024.

Theo phản ánh và ghi nhận của phóng viên Báo Thanh tra, từ tuần 1 đến tuần 5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng vẫn dạy môn tiếng Anh trung tâm (TATT) vào các giờ chính khóa, được thể hiện trên thời khóa biểu của toàn trường từ ngày 9/9 đến ngày 13/10/2024, mặc dù chưa được cấp phép của cơ quan chức năng.

Trường chỉ dừng dạy môn TATT từ ngày 14/10/2024 khi có dư luận tại địa phương về việc này. Điều này được thể hiện bằng việc thời khóa biểu các lớp trong trường đã xếp môn TATT vào các buổi học chính khóa và đã tổ chức dạy học như bình thường.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nếu các trường dạy các tiết tăng thêm, bổ trợ mà không có tên trong chương trình giáo dục (tiếng Anh, Pháp, Trung…) thì không được dạy xen kẽ vào thời khóa biểu chính khóa.

Trao đổi với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng Đỗ Văn Tự được biết, tổng số học sinh năm học 2024 - 2025 là 1.481 em, các năm trước, nhà trường có liên kết với Trung tâm Ngoại ngữ Global Edu (có địa chỉ tại số 85 đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Ninh Bình) để phối hợp giảng dạy cho học sinh trong trường, với mức học phí thu của mỗi học sinh là 100 nghìn đồng/tháng và có khoảng 90% các em học sinh tham gia.

Năm học 2024 -2025, nhà trường chưa được cấp phép nên chưa tổ chức giảng dạy đối với môn TATT tại trường.

Khi được hỏi về số học sinh không tham gia học TATT, lúc giáo viên giảng dạy thì các em học sinh không tham gia học sẽ làm gì, ở đâu, thầy Tự cho biết là các em học sinh đó sẽ được giáo viên bố trí xuống thư viện đọc sách hoặc làm việc gì đó.

Qua đây, cũng cho thấy một sự bất cập khi xếp tiết học TATT không có chương trình chính khóa mà được các nhà trường liên kết để tổ chức dạy học có thu tiền sẽ làm xáo trộn quá trình học tập, sinh hoạt của học sinh.

Trả lời về vấn đề này, trao đổi với báo chí trước đó, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết, thiết kế Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có "khung" và có "mở". "Khung" là nguyên tắc đầu tiên phải thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng định mức, đúng quy định trong chương trình. Còn "mở" ở chỗ các trường được quyền thiết kế kế hoạch dạy học của mình, đưa một số nội dung vào, nhưng phải dùng chính định mức về đội ngũ của mình để thực hiện chứ không phải dùng lực lượng bên ngoài vào thực hiện.

Ví dụ, giờ học môn toán thì giáo viên có nhiệm vụ lồng ghép STEM vào để dạy cho học sinh dễ hiểu, dễ vận dụng và hào hứng hơn theo đúng tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, nếu nhà trường giao một đơn vị ở bên ngoài vào, dùng giờ học chính khóa để tổ chức giáo dục STEM và có thu phí của học sinh, là sai.

Với tiểu học, Chương trình GDPT 2018 quy định dạy học 2 buổi trên ngày với số tiết bắt buộc thực hiện theo chương trình là 7 tiết/ngày. Thực tế là với 7 tiết/ngày, như vậy thì chưa sử dụng hết khung thời gian trong ngày của học sinh. Ví dụ, buổi sáng 4 tiết thì kết thúc vào 10 giờ 30; buổi chiều 3 tiết thì kết thúc vào khoảng 15 giờ 30. Đó là những tiết chính khóa mà các trường, dù thiết kế thế nào, cũng phải dạy hết tất cả các môn học bắt buộc, học sinh phải được đảm bảo học công bằng như nhau. Đó là nhiệm vụ của các trường.

Khi đã hoàn thành đủ 7 tiết/ngày mà giáo viên vẫn chưa thực hiện hết các định mức giờ dạy, thì lúc này các trường phải thiết kế hoạt động tăng cường và phải dùng chính lực lượng của mình để thực hiện.

Hoạt động tăng cường này có 2 tình huống: Một là giáo viên đang có trong định mức thì phải sử dụng hết định mức; hai là dạy học tăng cường theo nhu cầu của người học, ví dụ học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, thể dục, thể thao… Với tình huống dạy học tăng cường thứ hai này thì phải thiết kế theo nhu cầu của từng học sinh, chứ không được bố trí theo đơn vị lớp và phải dạy ngoài giờ học chính khóa. Chương trình thiết kế theo "khung" và "mở" là như thế.

Thứ nhất, từ năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT về việc quản lý giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Ví dụ, đưa việc dạy tiếng Anh với người nước ngoài vào thì chương trình liên kết ấy phải được xem xét tính kế thừa, tính phù hợp của chương trình liên kết ấy với chương trình chính khóa của nhà trường như thế nào để tránh trường hợp học sinh phải học trùng lặp, vừa phải đóng phí vừa áp lực cho học sinh.

Theo Thông tư 04 thì việc quản lý, thẩm định nội dung này là cơ quan quản lý cấp tỉnh. Như vậy, những nơi nào đang tiến hành dạy liên kết trong trường học thì đã có công cụ quản lý, giám sát. Nếu nơi nào làm sai, làm thiếu thì phải lên án và khắc phục ngay chỗ đó.

Qua các phản ánh gần đây cho thấy một số trường làm sai quy trình khi đưa các nội dung giáo dục liên kết vào khi chưa nói rõ các nội dung, hoạt động giáo dục ấy sẽ nằm ở đâu. Nếu xếp trong giờ học chính khóa thì chắc chắn là sai với quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 04. Những nội dung đó, các cơ quan quản lý Nhà nước ở tại nơi trường đóng phải tiến hành thanh tra, làm rõ.

Đối với Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, ngày 9/10/2019, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 994/TTr-NV2 về việc xác minh làm rõ thông tin phản ánh của công dân về việc thu tiền học và mở lớp học thêm, việc thực hiện các khoản thu tiền bảo dưỡng máy tính, tiền sửa chữa bàn ghế, sửa chữa thiết bị điện, tiền mua vật dụng nhà bếp, tiền xây lán xe cho giáo viên, tiền học thêm tiếng Anh, tiền học kỹ năng sống tại các trường trực thuộc Phòng GD&ĐT TP Ninh Bình.

Đến ngày 5/12/2019, Sở GD&ĐT Ninh Bình có Thông báo số 188 về kết quả kiểm tra hoạt động chuyên môn, việc thực hiện các khoản thu, chi tại các cơ sở giáo dục thuộc Phòng GD&ĐT thành phố Ninh Bình, đã chỉ ra: Việc tổ chức hoạt động câu lạc bộ “Em yêu môn Toán”, “Em yêu môn Tiếng Việt” như một tiết học bình thường là không đúng quy định của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.

Tại thời điểm kiểm tra, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng không lưu nhật ký giảng dạy của giáo viên tiếng Anh có giáo viên nước ngoài tại nhà trường, có đơn vị phối hợp xây dựng chương trình tiếng Anh lớp 1, 2 với giáo viên người nước ngoài năm học 2019-2020, không bám sát chương trình tiếng Anh chính khóa của học sinh theo quy định.

Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu các cơ sở giáo dục được kiểm tra khắc phục những vi phạm, nhược điểm mà các đoàn kiểm tra đã nêu, dừng ngay các khoản thu sai, trả lại cho học sinh (cha mẹ học sinh) những khoản thu không đúng quy định; xác định rõ trách nhiệm, mức độ vi phạm của tổ chức, cá nhân để xử lý hoặc báo cáo với các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên trước đó, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã có những phản bác đối với Thông báo số 188 của Sở GD&ĐT Ninh Bình, cho rằng có một số nội dung Sở quy kết không đúng.

Tuy nhiên, năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình lại tiếp tục có dư luận phản ánh về thu tiền học thêm tiếng Anh, tiền học kỹ năng sống…

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thanh tra đã đến Sở GD&ĐT Ninh Bình liên hệ làm việc, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm