Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội thu hẹp khoảng cách dạy học ngoại ngữ

Thứ năm, 09/01/2025 - 14:23

(Thanh tra) - Kết quả thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ của Hà Nội nhiều năm qua là một đồ thị hình yên ngựa với 2 đỉnh, do vậy, Hà Nội triển khai kế hoạch để thu hẹp khoảng cách này.

Hà Nội thu hẹp khoảng cách dạy học ngoại ngữ. Ảnh: HH

Sáng 9/1, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy học ngoại ngữ giữa nội thành và ngoại thành.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ của Hà Nội nhiều năm qua là một đồ thị hình yên ngựa với 2 đỉnh.

Một đỉnh của đồ thị nằm ở mốc 8, 9 điểm và một đỉnh xấp xỉ 5 điểm. "Điều này cho thấy có khoảng cách lớn trong việc học tiếng Anh của học sinh nội thành và học sinh ngoại thành", ông Toản nói.

Theo ông Toản, để kéo 2 đỉnh lại gần nhau, hướng đến trở thành đồ thị một đỉnh hình chuông, ngành GD&ĐT Thủ đô cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa nội thành và ngoại thành do Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai là một giải pháp quan trọng.

Kế hoạch xác định một số giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường việc học qua dự án, kết hợp các hoạt động giao lưu, thuyết trình bằng tiếng Anh; triển khai phần mềm học tập tiên tiến, sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tự học, tổ chức các lớp học trực tuyến với giáo viên bản ngữ.

Bên cạnh đó, các trường học sẽ tăng cường tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại để dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các tài khoản giúp học sinh tự học ngoại ngữ; tổ chức các buổi giảng dạy mẫu, chia sẻ tài nguyên giữa giáo viên nội và ngoại thành, xây dựng kho tài liệu trực tuyến…

Đáng chú ý, đó là phong trào “Tháng tự học ngoại ngữ", khuyến khích học sinh tự học ngoại ngữ qua nền tảng công nghệ, phát triển kỹ năng tự học và tư duy sáng tạo.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: D.M

Theo kế hoạch, từ tháng 6/2025, Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình trên toàn thành phố, bảo đảm học sinh ngoại thành có cơ hội tiếp cận chất lượng giáo dục tương đương với nội thành.

Và từ tháng 1/2026, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm mô hình "cặp trường kết nghĩa", các lớp học mẫu và phong trào tự học ngoại ngữ.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, Hà Nội có quy mô, chất lượng giáo dục dẫn đầu cả nước. Vì vậy, thành phố phải là địa phương đi đầu cả nước về việc thực hiện nhiệm vụ “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

Người đứng đầu ngành Giáo dục Thủ đô đánh giá, ở khu vực nội thành, nhờ có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, học sinh được tiếp cận với những chương trình đào tạo tiên tiến, giáo viên giàu kinh nghiệm và các tài liệu học tập phong phú.

Trong khi đó, tại các vùng ngoại thành, dù các thầy cô giáo rất nỗ lực nhưng điều kiện còn nhiều hạn chế, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến nguồn tài liệu hỗ trợ.

Điều này khiến học sinh ở các vùng ngoại thành gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ; từ đó làm giảm cơ hội cạnh tranh và hội nhập.

Là huyện ngoại thành với địa hình xa trung tâm, Nhân dân sống bằng nông nghiệp là chủ yếu nên môi trường dạy học Tiếng Anh của giáo viên và học sinh Ba Vì khó khăn hơn nội thành.

Để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, thu hẹp khoảng cách với các quận nội thành, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, một trong những giải pháp trọng tâm của huyện là triển khai đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ”, đồng thời tăng cường bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh.

Huyện chọn cách tạo môi trường để học sinh làm quen, phát triển ngôn ngữ thông qua việc tiếp cận với Tiếng Anh qua tranh vẽ, hình ảnh, khẩu hiệu, biểu ngữ trang trí trường, lớp… Từ cách làm đó, các học sinh dần không còn “sợ” Tiếng Anh mà tự tin hơn khi tiếp cận với ngoại ngữ.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2025-2026, toàn thành phố có 2,3 triệu học sinh, chiếm hơn 1/10 học sinh cả nước. Số giáo viên ước tính là 130.000.

Hàng năm, số học sinh Hà Nội tăng thêm 35.000-40.000, trong đó 30% là học sinh ngoại tỉnh.

Mong muốn của ngành Giáo dục Thủ đô là có thể phá vỡ rào cản địa lý trong việc học tiếng Anh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội thu hẹp khoảng cách dạy học ngoại ngữ

Hà Nội thu hẹp khoảng cách dạy học ngoại ngữ

(Thanh tra) - Kết quả thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ của Hà Nội nhiều năm qua là một đồ thị hình yên ngựa với 2 đỉnh, do vậy, Hà Nội triển khai kế hoạch để thu hẹp khoảng cách này.

14:23 09/01/2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt thi tuyển vào lớp 10

Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt thi tuyển vào lớp 10

(Thanh tra) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành ban hành Thông tư số 30/TT-BGDĐT về ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT). Theo đó, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.

Lê Phương

13:27 08/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm