Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục nói về bạo lực học đường

Hương Giang

Thứ hai, 30/10/2023 - 15:03

(Thanh tra) - “Bạo lực học đường không chỉ động chân động tay, mà còn xúc phạm nhân phẩm của nhau. Học sinh, bạn bè chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực”, theo nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 30/10, bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trao đổi với báo chí về tình trạng bạo lực học đường.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, bạo lực học đường xưa nay vẫn có, nhưng gần đây mức độ bạo lực và cách hành xử có những điều rất đáng lo ngại

“Không chỉ động chân động tay, mà còn xúc phạm nhân phẩm của nhau. Học sinh, bạn bè chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục nói.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, theo ông Vinh, một phần do tác động của phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội.

“Hiện sự tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, internet của học sinh dễ dàng hơn trước rất nhiều, trong đó có những thông tin không lành mạnh”, ông Vinh phân tích.

Vì vậy, ông nhấn mạnh cần xây dựng sức đề kháng cho các em. Ngoài có định hướng tiếp cận thông tin lành mạnh nhiều hơn, hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực, cần giúp các em nhận biết “cái nào tốt, cái nào xấu không nên theo”.

Về lâu dài, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, phải xây dựng văn hóa học đường, giúp các em hình thành mối quan hệ xã hội giữa người với người biết thương yêu, tôn trọng nhau thì bạo lực sẽ giảm đi.

“Văn hóa học đường cần rất kiên trì để hình thành ý thức cho mỗi học sinh. Giáo viên thật sự gương mẫu, mối quan hệ thầy với thầy, trò với trò làm sao thực sự yêu thương nhau.

Ngay cả mối quan hệ của học sinh với bác bảo vệ. Phải giáo dục làm sao để học sinh khi gặp bác bảo vệ cũng lễ phép chào hỏi. Từ những việc nhỏ như vậy được chú ý thì sẽ mọi việc sẽ tốt hơn”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng nói tính nêu gương của người lớn, gia đình rất quan trọng với trẻ. Bởi người lớn đã có nhận thức đầy đủ mà trẻ thường học và làm theo người lớn, nên người lớn phải có trách nhiệm nêu gương.

Người lớn khi có mặt con trẻ phải hành xử mẫu mực, kiềm chế. Đừng để trẻ con tiếp xúc với những hành vi tiêu cực của người lớn mà để trẻ tiếp xúc với cách ứng xử tích cực hơn.

“Con trẻ rất là đặc biệt. Chúng ta cần cố gắng làm sao để các em tiếp cận những điều tích cực nhiều hơn. Tôi nhấn mạnh lại, làm sao xây cho các em sức đề kháng, tự phân biệt được cái tốt, cái xấu”.

Cũng có ý kiến cho rằng khi còn nhỏ, các em có ý thức cao nhưng lớn hơn thì giảm dần độ tự giác, ông Vinh cho rằng, ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, “có xây, có chống” giúp hành vi nhận thức tốt hơn.

Việc nhiều gia đình lấy lý do công việc bận rộn không có thời gian cho con trẻ, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh khẳng định vấn đề “không phải là bận hay không bận” mà là do ý thức của từng người, từng lúc, từng nơi, từng chỗ.

Ông ví dụ, chương trình học kỳ quân đội chỉ 3 tuần nhưng học sinh đi về là có những biểu hiện rất tốt. Tự mình gấp chăn màn, bày tỏ sự yêu thương với bố mẹ... Chỉ 3 tuần đã tạo dựng nề nếp rất tốt cho học sinh.

“Trường học là nơi các em học ở đấy tới 12 năm sao không thể hình thành văn hóa cho các em được.

Môi trường giáo dục phải rất tốt, làm sao các em thấy nơi đó rất là tốt đẹp, có tác động tích cực đến các em. Phải phấn đấu làm sao môi trường giáo dục sẽ giúp các em thành những con người ngày càng chuẩn mực hơn”, theo lời Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm