Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 12/11/2016 - 06:35
(Thanh tra)- Cả nước có 108 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có 35 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP), 19 khoa sư phạm cao đẳng. Lãnh đạo nhiều trường CĐSP lo lắng "số phận" các trường CĐSP đang tiến dần vào "vòng bát quái" vì không tuyển sinh được.
Cần quy hoạch lại các trường sư phạm, chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu đào tạo. Ảnh: TTH
"Trắng" tuyển sinh
TS Nguyễn Thanh Phú - Trường CĐSP Bình Phước cho biết, hàng năm trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn, nhưng tuyển sinh không đáp ứng quy mô đào tạo, một số ngành học không có hoặc rất ít sinh viên đăng ký vào học, làm cho các trường hoạt động cầm chừng. Cá biệt, có những ngành đào tạo hiện nay "trắng" tuyển sinh như: CĐSP Văn, Sử, Địa, Vật lý, Hóa, Tin học, Nhạc, Họa….
Khó tuyển sinh, nhưng khi tuyển được rồi sinh viên lại bỏ học giữa chừng. "Tâm lí sinh viên không ổn định, học sinh tốt nghiệp THPT ngại thi vào sư phạm đang là thực tế. Thế nhưng, một số khác thi vào rồi thì tâm lí trong quá trình học cũng đang có những biến động. Khảo sát sơ bộ cho thấy, sinh viên sư phạm sau khi đã trúng tuyển vào trường học rồi, học được một học kì thường nghỉ bảo lưu kết quả học tập và xin thi lại vào ngành học khác. Con số này đang có xu hướng tăng lên" - ông Phú cho hay.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Phú là do hiện nay trên địa bàn cả nước có quá nhiều trường đại học công lập và tư thục, số lượng tuyển sinh hàng năm quá lớn nên đã thu hút gần hết học sinh của tỉnh. Thứ hai là sinh viên học trường CĐSP ở tỉnh rất khó tìm kiếm việc làm.
Lãnh đạo nhiều trường lo lắng không biết "số phận" sẽ đi về đâu. Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Cộng đồng Bắc Kạn chia sẻ: "Điều mà tập thể sư phạm nhà trường lo lắng nhất hiện nay là tương lai của các trường sư phạm và các trường có đào tạo ngành sư phạm sẽ đi về đâu? Đây là ngành đào tạo ngày càng gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Sinh viên ra trường không xin được việc làm, nhất là ngành Tiểu học và THCS…".
Chung lo lắng, TS Hồ Cảnh Hạnh - Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ: Các trường CĐSP đang gặp rất nhiều khó khăn, điểm đầu vào thấp nhưng vẫn rất khó tuyển sinh. "Không chỉ lo tuyển sinh, nhiều trường còn lúng túng, không biết đang đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân và sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới. Trường CĐSP đang tiến dần vào "vòng bát quái” khó xác định lối ra", ông Hạnh chia sẻ.
Cần quy hoạch lại
TS Lê Viết Khuyến - Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho biết: Theo thống kê năm 2014, cả nước thừa 35.000 giáo viên THCS và THPT chưa tính đến mầm non, tiểu học. Trong khi đó, hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên “trăm hoa đua nở”, hiện có 108 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó 9 trường đại học sư phạm và 1 trường đại học giáo dục, 31 khoa sư phạm đại học, 35 trường CĐSP, 19 khoa sư phạm cao đẳng, 3 trường trung cấp sư phạm.
TS Lê Viết Khuyến khẳng định, những con số này dấy lên lo ngại khi nhu cầu giáo viên giảm mà số lượng giáo sinh ra trường không hề giảm.
Nhìn nhận lại hệ thống các trường sư phạm, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, các trường sư phạm đã trải qua nhiều biến động về nhu cầu giáo viên. Đó là khi phổ cập giáo dục thì quy mô giáo viên “bung ra” đến khi dân số tăng chậm thì tỷ lệ giáo viên suy giảm.
"Đây là hiện tượng chung của thế giới. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới họ tính toán số lượng giáo viên về hưu hàng năm, tỷ lệ thừa bao nhiêu, cần bổ sung bao nhiêu từ đó ổn định quy mô đào tạo nhưng Việt Nam chưa làm việc này", ông Khuyến cho hay
Để khắc phục tình trạng trên, ông Khuyến cho rằng, cần phải thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa CĐSP địa phương. Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường). Cùng với đó, Bộ GD&ĐT quy định nội dung cứng của chương trình đào tạo giáo viên để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ - Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, cần quy hoạch lại các trường sư phạm; chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu đào tạo. Bên cạnh đó, cần có giải pháp đồng bộ sắp xếp các cơ sở đào tạo sư phạm thuộc diện dôi ra như sáp nhập với các cơ sở đào tạo khác, thành lập trường cộng đồng đào tạo đa ngành, chuyển đổi thành phân hiệu của các trường đại học khác…
Hải Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý