Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ sáu, 22/04/2022 - 06:36
(Thanh tra) - Sau hơn 1 tháng chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch, hoạt động du lịch trên cả nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố trọng điểm, du lịch đã dần sôi động trở lại. Nhiều địa phương đã đón được những đoàn khách quốc tế, nội địa rất đông đảo. Nhiều nơi tích cực tiến hành xúc tiến quảng bá để thu hút khách.
Sau hơn 1 tháng chính thức mở cửa hoàn toàn, hoạt động du lịch sôi động trên khắp cả nước. Ảnh: TH
Sôi động trở lại
Từ ngày 15/3, hoạt động du lịch đã được mở lại toàn bộ cả du lịch quốc tế và nội địa, thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển; áp dụng với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), khách du lịch ra nước ngoài (outbound) và khách du lịch nội địa.
Theo thống kê, riêng trong tháng 3/2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý 1/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm gần 90,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 165,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý 1/2022 tăng 1,2%; doanh thu du lịch lữ hành quý 1/2022 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch.
Đặc biệt, giỗ Tổ Hùng Vương là đợt nghỉ lễ đầu tiên sau ngày mở cửa trở lại. Trong kỳ nghỉ lễ này, lượng du khách tăng cao ở các điểm đến du lịch trên khắp đất nước.
Đơn cử, tổng lượng khách đến thăm quan, du lịch tại thành phố Đà Nẵng ước đạt 77.870 lượt khách. Công suất phòng khối khách sạn từ 4-5 sao đạt khoảng 50-60%, trong đó khách sạn ven biển khoảng 70-90% và một số khách sạn đã có khách ở kín các phòng trong ngày 9-10/4.
Du lịch Quảng Ninh cũng đã đón lượng khách du lịch tăng kỷ lục. Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 2 ngày của kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, toàn tỉnh đón trên 110.000 lượt khách. Riêng Hạ Long đón khoảng 90.000 lượt. Nhiều sản phẩm du lịch đã và đang tạo sức hút, khẳng định thế mạnh vượt trội, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng trải nghiệm mới cho du khách. Hầu hết khách sạn hạng sang, khu nghỉ dưỡng cao cấp đều kín phòng.
Hiện nay, Quảng Ninh vẫn duy trì chính sách kích cầu, giảm 50% giá vé thăm quan Vịnh Hạ Long, vé thăm danh thắng Yên Tử, giá tàu cũng được giảm nên tuyến biển, đảo là lựa chọn hàng đầu của không chỉ khách nội địa mà nhiều đoàn khách quốc tế.
Trong khi đó, tại Hải Phòng, hai khu du lịch chính là Cát Bà và Đồ Sơn đã đón hàng chục nghìn lượt khách. Khách đến với Hải Phòng tăng đột biến bởi thành phố cũng như 2 khu du lịch này đang "làm mới mình" bằng những dự án, chương trình hoạt động khác lạ, sinh động, hấp dẫn.
Ước tính Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đón gần 1 triệu lượt khách trong 10 ngày đầu tháng, riêng ngày 10/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch) đón hơn 200.000 lượt khách.
Phía các đơn vị lữ hành cũng chuẩn bị rất kỹ từ sớm để phục vụ nhu cầu của du khách vào dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm nay.
Đặc biệt, ngày 8/4, thành phố Hồ Chí Minh đã đón được đoàn khách du lịch quốc tế lớn từ thị trường Mỹ gồm 130 thành viên, phần lớn là doanh nhân, thương gia. Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sự kiện là tín hiệu cho thấy thị trường du lịch quốc tế đã bắt đầu có những chuyển động khởi sắc trở lại. Sự kiện cũng cho thấy Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm đến được khách du lịch quốc tế quan tâm. Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng vào sự hồi phục nhanh sau khi mở cửa trở lại.
Những địa phương ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên lại chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch khám phá nét đẹp văn hóa bản địa phong phú, độc đáo, phát triển các homestay để du khách có thể trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), phải cần từ 3-4 năm du lịch mới phục hồi được diện mạo như năm 2019. Mặc dù Chính phủ đã mở rộng cánh cửa cho du lịch với những chính sách thông thoáng, tạo nhiều cơ hội phục hồi, nhưng thực tế nền kinh tế xanh Việt Nam vẫn tiếp tục vướng không ít khó khăn, thách thức.
Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trước bối cảnh và các xu hướng phát triển của du lịch thế giới, Tổng cục Du lịch xác định một số yêu cầu và định hướng đối với việc phục hồi, phát triển ngành du lịch Việt Nam. Cụ thể, việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, trong khu vực đang diễn ra gay gắt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại.
Thêm vào đó, việc phục hồi và phát triển du lịch cần phải thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới trong khu vực, trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Trong bối cảnh các nguồn lực còn khó khăn, việc phục hồi và phát triển du lịch vừa đòi hỏi đảm bảo an toàn vừa phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch.
Người làm du lịch phải không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.
Các doanh nghiệp, những người làm du lịch cần “tư duy toàn cầu, hành động địa phương,” rút kinh nghiệm từ thực trạng du lịch thế giới và hành động ngay từ những việc nhỏ nhất.
Các doanh nghiệp cần đi sâu vào nhóm nhu cầu chuyên biệt của khách, xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn, du lịch y tế, hoạt động du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE), đồng thời áp dụng công nghệ vào việc tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam...
Mặt khác, ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai hiệu quả chương trình phục hồi phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tập trung đầu tư “làm mới” trên các yếu tố về sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, quảng bá xúc tiến, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và nhiều chính sách khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...
Về dài hạn, ngành Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất ban hành các chính sách thiết thực nhất, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số để du lịch có thể phục hồi và phát triển bền vững, chuyên nghiệp hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.
Thái Hải
21:03 21/11/2024(Thanh tra) - Ngày 20/11, tại TP Hạ Long, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình Lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa” nhằm gia tăng sức cạnh tranh và tăng cường thu hút du khách dịp cuối năm 2024 cũng như tăng sức bật cho ngành Du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo.
Trọng Tài
14:03 20/11/2024Trọng Tài
08:49 19/11/2024Trần Lê
23:13 18/11/2024Trần Kiên
08:47 17/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương