Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Độc đáo lễ Gạ ma thú của người Hà Nhì

Huy Anh

Chủ nhật, 14/11/2021 - 10:15

(Thanh tra)- Dân tộc Hà Nhì sinh sống tập trung ở các xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có khá nhiều lễ hội trong năm. Trong đó, nghi lễ lớn, quan trọng nhất là lễ Gạ ma thú (lễ cúng bản) với sự tham gia của cả cộng đồng, tổ chức vào tháng 2 Âm lịch hằng năm.

Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị lễ vật cho mâm cúng trong lễ Gạ ma thú. Ảnh: H.A

Lễ Gạ ma thú đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lễ Gạ ma thú được người Hà Nhì tổ chức vào mùa Xuân, khi các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, để hướng về cội nguồn, tổ tiên, ông bà, tri ân các vị tiền bối đã có công khai phá, bảo vệ bản mường.

Lễ Gạ ma thú cũng là lễ người Hà Nhì tạ ơn trời đất, tổ tiên, các đấng siêu nhiên đã phù hộ cho người dân mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi, làm ăn phát triển và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Ngày cúng thường được chọn vào các ngày con rồng, con ngựa hoặc con hổ. Theo quan niệm của người Hà Nhì, đây là những ngày thiêng, ngày tốt, thần linh xuống dự lễ hội và phù hộ cho dân bản.

Lễ Gạ ma thú là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc, được xem là món ăn tinh thần quý báu có giá trị lịch sử, văn hóa và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó bản mường và có tính cộng đồng cao.

Lễ Gạ ma thú được tổ chức trong 3 ngày gồm phần lễ và phần hội nên đây cũng là dịp để bà con nghỉ ngơi, vui chơi với nhiều trò chơi dân gian.

Theo phong tục, khi làm lễ Gạ ma thú, dân bản phải dừng các công việc trên nương, không gây mất đoàn kết, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, trong lòng đất như con dúi, con nhím, tê tê... để tránh rủi ro. Các thầy cúng tham gia lễ cúng được dân bản lựa chọn từ trước gồm 1 thầy cúng chính, 6 thầy cúng phụ và 1 người giúp việc thầy cúng chính. Trước đây, phụ nữ Hà Nhì không được tham gia hoặc đến gần các địa điểm cúng trong lễ Gạ ma thú nhưng hiện nay họ đã được tham gia chuẩn bị lễ vật và dự bữa cơm mừng lễ thành công.

Các thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ với 7 mâm cúng: Đầu bản, cổng bản, thần nước, thần lửa, thần đất, thần rừng và thần gió. Lễ vật trong các mâm cúng có thể khác nhau, nhưng mỗi mâm cúng đều có trứng gà, gạo, rượu, nước chè, nước trắng, lá cây ồ mé (cây kị ma) trong đó gói một ít cám, tro bếp, mạt sắt, mạt đồng, chỉ trắng, chỉ đỏ… tượng trưng cho các vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất và thể hiện một cuộc sống thanh bình sung túc, vật phẩm phong phú của dân bản Hà Nhì dâng lên các vị thần. Khi lễ cúng kết thúc, lễ vật trong mâm cúng được chia đều cho các hộ gia đình trong bản và chủ gia đình là người chế biến, dâng lên tổ tiên cầu mong con cháu luôn khỏe mạnh, may mắn.

Đàn ông Hà Nhì trang trí cột đầu bản làm lễ Gạ ma thú. Ảnh: H.A

Sau lễ cúng, bà con dân bản tham gia các hoạt động vui chơi như đánh đu, ném còn, bập bênh, đu quay, múa hát… thường vào ngày thứ 3 của lễ Gạ ma thú. Khi xưa, những ngày diễn ra lễ Gạ ma thú dân bản không cho người lạ vào nhưng hiện nay trong những ngày lễ, người ngoài bản vẫn được vào bản giao lưu, tìm hiểu.

Lễ Gạ ma thú hội tụ văn hóa dân gian của người Hà Nhì, thể hiện sự gắn bó keo sơn, sự hòa hợp của con người với thiên nhiên, với môi trường; sự tác động qua lại của vạn vật trong quá trình tồn tại và phát triển; lòng biết ơn với những gì mà trời đất đã ban tặng cho người Hà Nhì. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ tình đoàn kết, gắn bó yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thiếu thốn ở miền biên giới xa xôi. Lễ Gạ ma thú không chỉ phản ánh đời sống văn hóa tinh thần mà còn là nơi bảo tồn, khuyến khích sự phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng, qua đó góp phần giáo dục nhân cách, truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ và khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người Hà Nhì.

Vui chơi đánh đu trong lễ Gạ ma thú. Ảnh: H.A

Dù đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia song trong xu thế hội nhập, giao thoa văn hóa hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ Gạ ma thú đang gặp thách thức không nhỏ, nhất là khi các nghệ nhân người Hà Nhì đã lớn tuổi, không đảm bảo sức khỏe cũng như sự minh mẫn để truyền thụ những giá trị văn hóa cho thế hệ sau. Hơn nữa, kinh phí hỗ trợ đầu tư cho việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa hiện nay rất hạn hẹp. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Hà Nhì (trang phục, diễn xướng dân gian, phong tục tập quán...) đang bị pha tạp và đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian bị thất truyền…

Để gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng, nhất là lễ Gạ ma thú, huyện Mường Nhé đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân để họ hiểu, tự hào và trân trọng hơn những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp của dân tộc. Huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa; đặc biệt là việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, diễn xướng dân gian…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm