Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 28/10/2024 - 14:07
(Thanh tra) - Làm thế nào tránh “thầu tặc”, đấu giá cao ngất ngưỡng rồi bỏ cọc để đạt ý đồ lũng đoạn, đẩy giá lên cao là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận.
Góp ý tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 ngày 28/10, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng để ngăn tình trạng bỏ giá cáo khi đấu giá, thay vì tăng tiền cọc, cần quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá.
Việc này có thể xác nhận qua tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất. Người tham gia đấu giá cũng phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý, theo ông Cường.
“Nếu có quy định như thế, những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh được, đồng thời sẽ loại bỏ được những người không có nhu cầu sử dụng, tham gia đấu giá để mua đi bán lại hoặc những người cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc”, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nói.
Sẵn sàng bỏ cọc để đạt ý đồ độc quyền, lũng đoạn
Giơ biển tranh luận với đại biểu Cường về việc không tăng giá đặt cọc, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) nói, thực tế trong từng phiên đấu giá, chúng ta không đánh giá kịp năng lực của người đấu giá.
Ông cho hay, vừa qua, tại Quảng Nam có phiên đấu giá mỏ cát, sau 200 vòng đấu giá (từ 8h sáng ngày hôm nay đến 8h sáng ngày hôm sau), giá trúng lên tới 375 tỷ đồng. Có nghĩa, mỗi khối cát theo quy định của Nhà nước chỉ 150.000 đồng, kết quả đấu giá mỗi khối cát lên 2,3 triệu đồng.
“Mục tiêu của người đấu giá ở đây là muốn thắng bằng được. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cọc để đạt được ý đồ độc quyền, lũng đoạn, đưa giá lên cao”, ông Phước nói, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp chỉ phải đặt cọc bằng 20% giá khởi điểm, tức là chỉ đặt cọc khoảng 200 triệu, nên nếu bỏ cọc mà đạt được mục đích họ sẵn sàng bỏ.
Giá cát cao ngất ngưởng đã gây khó khăn cho người dân khi mua vật liệu xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các công trình đầu tư công ở Quảng Nam.
Ông Phước cũng nêu thực tế tại Hà Nội, nhiều phiên đấu giá đất “thâu đêm suốt sáng”, cụ thể như phiên ở quận Hà Đông. Qua phiên đấu giá này, ghi nhận người trúng giá đất cao nhất lên đến 262 triệu đồng/m2.
“Rõ ràng ở đây có dấu hiệu bất thường, nguy cơ trả giá cao rồi bỏ cọc là rất cao”, đại biểu đoàn Quảng Nam nhận định.
Đại biểu đoàn Quảng Nam dẫn thực tế Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra tại huyện Thanh Oai, thấy rằng có 56/58 lô đất trúng giá cao. Người trúng thầu đấu giá xong có dấu hiệu bỏ cọc.
Đấu giá mà không thực chất sẽ trở thành công cụ lũng đoạn thị trường”, theo lời ông Phước.
Từ đó, đại biểu đoàn Quảng Nam đề xuất phải tăng giá đặt cọc để tránh “thầu tặc” và tăng tiền đặt cọc lũy tiến sau từng vòng đấu để người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc. Ông đồng thời đề nghị, cần có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp này tiếp tục đấu giá trên lĩnh vực họ đã vi phạm.
Vì sao không nên tăng tiền đặt cọc
Tranh luận lại, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã nêu lý do vì sao không tăng giá đặt cọc mà nên có thêm điều kiện với người tham gia đấu giá.
Theo ông Cường, giá đặt cọc hiện nay quy định từ 5-20%, có nghĩa một bất động sản có giá 10 tỷ đồng thì đặt cọc 2 tỷ. Không phải ai tham gia đấu giá đều được mua, có thể 10 người tham gia chỉ 1 người mua.
“Như vậy, nhiều người sẽ thấy phải bỏ vào đó đặt cọc lượng tiền khá lớn mà chưa chắc đã được mua. Chi phí dồn tiền đặt cọc vào đó tạo nên tâm lý cản trở về tính toán kinh tế, nên rất ít người tham gia đăng ký mua. Khi tăng phí đặt cọc lên, càng tăng chi phí này, càng ít người tham gia đấu giá. Do đó, không nên tăng phí đặt cọc”, ông Cường nêu.
Ông Cường cho rằng cần tăng điều kiện với người tham gia đấu giá, minh chứng mua tài sản đó thông qua tài sản là bất động sản, hay tiền trong ngân hàng. Cạnh đó, pháp luật quy định nếu bỏ cọc sẽ bị xử lý bằng tài sản tương đương với giá trị đấu giá.
Việc này phải làm trước khi nộp hồ sơ và hoàn toàn có đủ điều kiện, thời gian để cơ quan quản lý kiểm soát.
Với quy định như vậy, ông Cường khẳng định sẽ đạt được lợi ích, người không có tiền nhưng tham gia đấu giá chỉ để mua rồi bán lại sẽ không đủ điều kiện minh chứng, không tham gia được. Những người thực sự mong muốn mua để dùng sẽ chứng minh được ngay.
“Khi đó, sẽ lọc được người đấu giá thực chất muốn mua. Đặc biệt những người trả giá cao rồi bỏ cọc chắc chắn sẽ bị xử lý tài sản rất lớn và khi đó, họ chắc chắn sẽ không bỏ cọc”, ông Cường nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội; chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước do đang điều trị bệnh.
Hương Giang
17:00 21/11/2024(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.
Hương Giang
15:59 21/11/2024Hương Giang
12:17 21/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Trần Lê
19:31 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Phương Anh
Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam