Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 28/11/2023 - 15:10
(Thanh tra) - Trước đề xuất của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói, sẽ nghiên cứu, tính toán bổ sung và siết chặt hơn khi hoàn thiện pháp luật chuyên ngành, như bổ sung phạt vi phạm hành chính, cấm tham gia đấu giá.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau)
Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Vấn đề tiền đặt trước, xử lý bỏ cọc được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến.
Nhiều cuộc đấu giá bất thường, trúng xong bỏ cọc
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nêu hiện tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính phổ biến. Bởi luật hiện hành không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.
Việc này, theo ông Khải, dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính. Thậm chí, nhiều trường hợp dựa hoàn toàn vào ngân hàng bảo lãnh, hay bỏ cọc, trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trệ…
Từ nhận định đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định cấm người tham gia đấu giá tài sản không đủ năng lực tài chính, hay dùng vốn không minh bạch để tham gia đấu giá, hay liên kết nhận uỷ quyền tham gia đấu giá, trả giá cho bên thứ 2, 3.
Với đề xuất này, ông Khải nhấn mạnh, để phục tình trạng nhũng nhiễu trong đấu giá quyền sử dụng đất bằng vốn thiếu minh bạch, người tham gia đấu giá có thể trả giá “cao ngất” rồi bỏ cọc bóp méo thị trường đất đai hoặc giành giật quyền mua đất nhưng không triển khai dự án mà chờ thời cơ sang nhượng, chuyển đổi dự án.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề cập đến nhiều cuộc đấu giá mà người tham gia có biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung. “Giá khởi điểm 24 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỷ đồng”, bà Dung nêu.
Đáng nói, theo bà Dung, một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích phô trương thanh thế hoặc thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới, chứ không phải để mua tài sản. Những tổ chức, cá nhân này sẵn sàng mất tiền cọc.
Bà Dung đề nghị sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài mất tiền đặt cọc còn bị xử phạt thêm.
Chung quan mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng cần có các quy định để hướng tới hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá.
Luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc). Theo ông Thanh, nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.
Đề nghị tăng tiền cọc lên 20% - 30% giá trúng đấu giá
Để hạn chế chuyện bỏ cọc, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì “lợi ích nhóm”, thao túng, gây rối, ông Thanh cho rằng cần tách biệt giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc. Trong đó, tăng tiền đặt cọc lên, có thể là 20% đến 30% giá trúng đấu giá và phải nộp ngay khi có kết quả trúng đấu giá, nếu không sẽ bị loại.
“Tiền đặt cọc phải nộp ngay tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thay vì vài trăm triệu, vài tỷ đồng thì người trúng đấu giá chắc chắn sẽ thận trọng rất nhiều khi bỏ giá”, ông Thanh nói.
Đại biểu còn dẫn kinh nghiệm quốc tế khi họ xử hình sự với những trường hợp bỏ cọc; có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.
“Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm những hành vi vi phạm tương ứng trong đấu giá tài sản để có hình phạt phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua”, theo lời ông Thanh.
Phát biểu tranh luận về ý kiến cho rằng phải xử phạt, phạt tù, cấm tham gia đấu giá với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng đây là quan hệ dân sự.
Trong trường hợp này, theo ông Thịnh cần điều chỉnh về tiền đặt trước. Tức là, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu bước vào đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho điều chỉnh lại giá. Khi nào vòng này lại lặp lại lần nữa thì yêu cầu phải bổ sung tiền đặt trước.
Ông Thịnh đề nghị rút ngắn thời gian người trúng đấu giá phải nộp tiền trúng đấu giá.
Giải trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói, Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, nên không thể điều chỉnh toàn bộ các quy trình liên quan đến một tài sản, như điều kiện đưa ra để bán đấu giá, giá khởi điểm, xử lý sau đấu giá… còn phải tuân theo luật chuyên ngành.
Ông cho hay, hiện nhiều nước không quy định bắt buộc tiền đặt trước trong đấu giá, nên mức tiền cọc 5-20% giá khởi điểm tài sản đấu giá như tại dự thảo luật là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. “Chúng ta bán có người mua đắt thì tốt”, theo lời Bộ trưởng Tư pháp.
Trước băn khoăn của các đại biểu về chế tài với người bỏ cọc, Bộ trưởng Tư pháp nói sẽ nghiên cứu, tính toán bổ sung và siết chặt hơn hay không khi hoàn thiện pháp luật chuyên ngành, như bổ sung phạt vi phạm hành chính, cấm tham gia đấu giá.
“Quan điểm của chúng tôi pháp luật quy định càng chặt càng tốt. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhất là xem xét việc bổ sung chế tài nào để hạn chế, ngăn ngừa hành vi này hay không”, ông Long nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Góp ý tại tổ về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sáng 22/11, đại biểu Quốc hội đề nghị áp dụng một mức thuế ưu đãi chung với báo chí là 10%, và có thể giảm sâu hơn nữa.
Hương Giang
11:45 22/11/2024(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.
Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024Hương Giang
15:59 21/11/2024Hương Giang
12:17 21/11/2024N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý
Vũ Linh
Phương Anh
Phương Hiếu
Hương Giang
Trần Trung